Trải rộng tấm bình đồ giải phóng mặt bằng gói thầu PK2 Quốc lộ 3 mới, Giám đốc Ban Điều hành Liên danh PK2 tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình cho biết: Tổng chiều dài toàn tuyến do đơn vị quản lý từ xã Bắc Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đến phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) dài hơn 34km, qua 16 xã, trong đó có 12 xã thuộc Thái Nguyên với chiều dài hơn 29km do các tổng công ty TSC, Vinaconex, TLG, Cienco 8 đảm nhận thi công. Đến nay, nhà thầu đã nhận mặt bằng chiều dài được được hơn 31km, trong đó tuyến Thái Nguyên có hơn 28,5km...
Rồi anh nói như đúc kết: Tôi đã thi công nhiều công trình, khó khăn nhất đối với đơn vị thi công là việc giải phóng, bàn giao mặt bằng, nhưng Thái Nguyên đã làm rất tốt công tác này.
Trên công trường, có những đoạn đã được mở rộng, thành hình hài một con đường, song mới là phần nền đất đang được lu nèn đẻ chuẩn bị trải đá, nhựa áp phan. Có nhiều đoạn được mở rộng tới 100m, phù hợp với sự phát triển nhanh, bền vững của vùng đất công nghiệp. Tại km37+200, chúng tôi tranh thủ phút giải lao giữa ca để trò chuyện với những công nhân đang làm khung sắt mố cầu. Anh Nguyễn Văn Tài, thuộc Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây dựng số 10 Thăng Long nói: Những ngày này, hầu hết anh em thợ đều đăng ký làm việc 2 ca. Còn kỹ sư Nguyễn Văn Hiệp tiết lộ: Không ít “trận” đổ bê tông mố, móng cầu, cả kỹ sư và thợ phải “trực chiến” 24/24 giờ mới hoàn thành...
Đội xây dựng do kỹ sư Nguyễn Đăng Khoa phụ trách có 14 công nhân, 2 kỹ sư, trên tuyến đường này, đội của anh góp sức xây dựng 3 cây cầu, quá trình thi công chủ yếu được thực hiện bằng thiết bị máy móc và xe cơ giới. Theo thiết kế, toàn tuyến có 12 cây cầu, trong đó có cầu vượt đường sắt tại km 52+793, cầu vượt Quốc lộ 3 tại km53+122, cầu vượt số 9 tại km39+405, cầu vượt số 8 tại km37+200… Trên công trình này, các đơn vị thi công còn xây dựng 107 cống tròn, 14 cống hộp thuỷ lợi và 44 cống chui dân sinh. Theo Giám đốc Nguyễn Thanh Bình thì đến thời điểm cuối năm 2010, 100% đơn vị đảm nhận thi công công trình đều đã bố trí đủ phương tiện, máy móc và nhân lực để thi công công trình. Đến nay, theo dự toán thiết kế, các đơn vị đã đào được gần 460 nghìn m3 đất không thích hợp, đạt gần 90%; đào đất thông thường được gần 610 nghìn m3, đạt hơn 60%; đắp nền K95 được hơn 1,2 triệu m3, đạt 30%. Các đơn vị cũng đã thi công xong hàng chục trụ cọc khoan nhồi mố cầu và nhiều cống thoát nước, cống chui dân sinh.
Những ngày áp Tết Nguyên đán, từng chuyến xe vẫn cần mẫn vận chuyển vật liệu đến chân công trình. Nhiều đoạn tuyến đơn vị thi công phải bốc xúc đất đá chuyển đi nơi khác, bù vào đó là đất được lấy những nơi đạt tiêu chuẩn. Các khu vực nền đường yếu đơn vị thi công còn phải dùng máy khoan giếng để nhồi cọc cát hoặc máy cắm bấc thấm chống lún. Phó Giám đốc Công ty Xây dựng và Vận tải Minh Thanh, anh Đào Xuân Thành, người trực tiếp chỉ huy thi công đoạn km 36 + 500 cho chúng tôi biết: Mất 2 tháng mùa mưa (tháng 7, 8), dọc tuyến ngập úng, đơn vị phải nghỉ việc vì không thể thi công được. Vì thế, những ngày giáp Tết này, các kỹ sư, công nhân đều tập trung trên mặt tuyến, đăng ký làm tăng ca. Để động viên người lao động, ngoài phần lương được trả theo khối lượng công việc, mỗi tiếng làm việc ngoài giờ người lao động được bồi dưỡng thêm 10.000 đồng.
Từ chiếc xe lu rung, người lái nói vô tư: Để con đường sớm hoàn thiện, người lao động chúng tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất cứ khi nào... Đó là anh Nguyễn Văn Nam, phụ trách lái máy lu của Công ty, một trong những người lao động thường xuyên đăng ký làm 2 ca trong ngày. Cùng trên đoạn đường đang thi công này, chúng tôi còn gặp người lái xe ủi Nguyễn Đức Ca cũng tích cực đăng ký làm tăng giờ. Anh mộc mạc bảo: Chúng tôi chủ yếu là người miền xuôi lên đây, ăn công trường, ngủ công trường, ai cũng có “niềm đam mê” được làm việc thật nhiều...
Cốt cách nói chuyện của các anh, của những kỹ sư, thợ xây dựng cầu đường với chúng tôi cứ hồn nhiên giữa những trận gió trong mùa Đông rét mướt. Và trên suốt đường về, tôi nhớ mãi những đôi bàn tay người thợ cầu đường, thô ráp, cứng cỏi song hết sức khéo léo. Họ - những người lao động đang vượt lên giá lạnh của ngày Đông, cần mẫn như những con ong thợ để khoảng cách giữa Thủ đô Hà Nội với Thái Nguyên gần nhau nhanh hơn.