Phát triển cây chè ở Phú Lương: Chưa xứng với tiềm năng

14:39, 28/03/2011

Huyện Phú Lương hiện có trên 4.300ha chè kinh doanh, năng suất bình quân đạt 85 tạ/ha, sản lượng gần 35 nghìn tấn búp tươi/năm. Những năm gần đây, cây chè đã đã thực sự trở thành cây trồng chủ lực trong cơ cấu phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện. Tuy nhiên, sự phát triển này chưa tương xứng với tiềm năng, thương hiệu chè Phú Lương vẫn chưa để lại dấu ấn trong giới thưởng trà…

 

Thương hiệu còn mờ nhạt

 

Nói đến chè Thái, chắc chắn mọi người sẽ nghĩ ngay đến những địa phương nổi tiếng như: Tân Cương, La Bằng mà ít có ai quan tâm đến chè Phú Lương, mặc dù đây là huyện cũng có những vùng chè ngon không thua kém những nơi khác như Khe Cốc, Yên Thủy… Diện tích, năng suất và sản lượng chè Phú Lương cũng thuộc diện lớn của tỉnh. Hiện toàn huyện có trên 4.300ha chè kinh doanh, năng suất bình quân đạt 85 tạ/ha, sản lượng gần 35 nghìn tấn búp tươi/năm. Thế nhưng Phú Lương vẫn chưa được coi là vùng trọng điểm về chè. Việc chế biến, tiêu thụ chè còn manh mún, nhỏ lẻ và thủ công, đa số sản phẩm chè vẫn do người sản xuất tự chế biến bằng phương pháp bán công nghiệp và thủ công rồi đem tiêu thụ tại các chợ nông thôn hoặc thông qua các tư thương.

 

Một trong những nguyên nhân khiến cây chè Phú Lương chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường là do sản lượng chế biến công nghiệp còn đạt thấp. Trên địa bàn huyện có 3 cơ sở chế biến công nghiệp: Xí nghiệp chè Tức Tranh, Công ty chè Phú Lương và Nhà máy chè nông trường Phú Lương. Thời điểm cao nhất, các đơn vị này cũng chỉ thu mua 4.400 tấn chè búp tươi/năm, bằng 20% tổng sản lượng chè toàn huyện (đó là năm 2002), còn lại đều đạt thấp. Trong vài năm trở lại đây  sản lượng chè được chế biến công nghiệp là không đáng kể, năm 2010 chỉ đạt 3%.

 

Lý do là các doanh nghiệp chưa có chính sách phát triển vùng nguyên liệu nên không chủ động được nguồn nguyên liệu cho chế biến, mặt khác giá thu mua nguyên liệu thấp, thiết bị công nghệ các dây chuyền chế biến lạc hậu, việc chế biến chỉ là sơ chế, sản phẩm không có khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, một trong những giải pháp để xây dựng thương hiệu sản phẩm là công tác tuyên truyền quảng bá, về điểm này đồng chí Bàng Toàn Thắng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Cho đến nay, huyện vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm chè của mình, cũng chưa có chương trình nào tuyên truyền quảng bá riêng về sản phẩm chè. Chính bởi vậy nên thương hiệu chè Phú Lương còn mờ nhạt trên thị trường.

 

Cần đầu tư xây dựng thương hiệu

 

Những năm gần đây, nhận thức được chè là cây trồng mũi nhọn có khả năng phát triển kinh tế, nên các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân huyện Phú Lương đã tập trung đầu tư các nguồn lực cho phát triển cây chè. Từ chỗ toàn huyện có 150ha chè thâm canh (năm 2000), đến nay đã tăng lên trên 4.300ha. Bên cạnh việc mở rộng diện tích, bà con nhân dân trong huyện cũng đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống chè. Trước, bà con chỉ trồng giống chè hạt, nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây thì toàn bộ những diện tích chè trồng mới, bà con đều đưa các giống chè cành như: LDP1, LDP2, TRI 777, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên…

 

Đặc biệt huyện đã quy hoạch được vùng sản xuất chè cao cấp ở các xã phía Đông của huyện như: Vô Tranh, Tức Tranh, Phú Đô, Yên Lạc với các giống: Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Ô Long Thanh Tâm, Keo Am Tích, PT95. Trước năm 2000, toàn bộ giống chè mới đều phải mua và vận chuyển từ Viện chè Phú Hộ (Phú Thọ) về phục vụ sản xuất nên giá thành cao, tỷ lệ sống thấp, không chủ động trong sản xuất. Do vậy, để chủ động nguồn giống UBND huyện đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và PTNT xây dựng phương án sản xuất giống tại chỗ thông qua việc ký hợp đồng chuyển giao trực tiếp kỹ thuật sản xuất chè cho các chủ vườn ươm. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 16 vườn ươm chè cành tại các xã: Động Đạt, Ôn Lương, Tức Tranh, Sơn Cẩm… Mỗi năm giâm ươm được 10 hom chè cành đạt tiêu chuẩn đảm bảo cung ứng đủ cho chương trình trồng mới và phục hồi 200ha chè mỗi năm.

 

Từ năm 2001 trở lại đây, công tác xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng chuyên sản xuất chè cũng đã được chú trọng, phục vụ tốt công tác thâm canh, sản xuất chè. Đặc biệt là việc quy hoạch thủy lợi vùng đồi, tập trung ở 3 xã: Tức Tranh, Vô Tranh và Phú Đô là một sự đột phá trong sản xuất và thâm canh chè đối với bà con vùng được hưởng lợi. Với tổng kinh phí khoảng 11 tỷ đồng, huyện đã xây dựng các trạm bơm, cải tạo hồ đập, nhằm phục vụ tốt việc sản xuất thêm vụ chè Đông - đây là vụ mang lại lợi nhuận cao nhất cho người trồng chè. Hiện toàn huyện có khoảng 400ha/ tổng diện tích có thể thâm canh thêm vụ Đông. Nhờ đó, năng suất, sản lượng, chất lượng chè ngày càng được nâng cao. Nếu như năm 2000, năng suất chè kinh doanh bình quân toàn huyện đạt 65,5 tạ/ha, đạt tổng giá trị sản lượng là trên 68 tỷ đồng thì đến năm 2010, năng suất chè kinh doanh của huyện đạt 85tạ/ha, sản lượng đạt gần 35 nghìn tấn búp tươi, đem lại giá trị gần 350 tỷ đồng. Do vậy, đời sống của người trồng chè được nâng cao đáng kể.

 

Cũng từ đầu tư thâm canh nên Phú Lương là huyện có số làng nghề sản xuất chế biến chè nhiều nhất tỉnh, trong tổng số 14 làng nghề toàn huyện thì có tới 13 làng nghề về chè. Điển hình như xóm Phú Nam 4, xã Phú Đô, xóm vừa được công nhận là làng nghề trồng và chế biến chè. Ông Nguyễn Hiếu Xuân, Trưởng xóm cho biết: Phú Nam 4 có 22ha đất tự nhiên, chủ yếu là đồi thấp, xóm có 54 hộ với 212 nhân khẩu. Năm 1976 cây chè bắt đầu được đưa vào trồng trên vùng đất này và ngày càng phát triển từ đó. Đến nay, xóm có 12,8ha chè kinh doanh chủ yếu là chè cành. Từ cây chè, đời sống của bà con dần dần được nâng lên, thu nhập bình quân của người trồng chè trên 1 triệu đồng/người/tháng.

 

Tuy nhiên, để Phú Lương thực sự là vùng chè trọng điểm, cây chè có thể phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, huyện cần quan tâm hơn đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Trước mắt, huyện cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền quảng bá sản phẩm. Tháng 11 năm nay, tỉnh ta sẽ tổ chức Festival Trà Quốc tế, thiết nghĩ đây là một cơ hội để Phú Lương có thể quảng bá sản phẩm chè với khách du lịch trong nước cũng như bạn bè quốc tế.