Thái Nguyên hiện có gần 590 trang trại chăn nuôi, tập trung chủ yếu ở các huyện Phú Bình, Phổ Yên, Đồng Hỷ và T.P Thái Nguyên. Trung bình mỗi trang trại có quy mô từ 3.000, 4.000 đến 16.000 con vật nuôi/lứa. Chăn nuôi trang trại phát triển nhanh cả về số lượng, chủng loại và quy mô đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hoá đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Những năm qua, chăn nuôi trang trại đã mang lại hiệu quả đáng kể. Loại hình này đang có xu hướng ngày càng phát triển, trong đó chăn nuôi lợn chiếm tỷ lệ lớn nhất, kế đến là chăn nuôi gà, bò... Vốn đầu tư cho mỗi trang trại từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng tuỳ theo quy mô và loại hình trang trại. Một số trang trại chăn nuôi quy mô lớn đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải bằng công nghệ biogas hoặc bể phân huỷ sinh học hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường và tận dụng khí gas để thắp sáng, sưởi ấm cho lợn con. Về lợi nhuận, theo một số chủ trang trại, trong điều kiện thuận lợi chăn nuôi, lợn thịt bình quân thu lãi từ 100.000-250.000 đồng/con/lứa 4 tháng; nuôi lợn sinh sản thu lãi 2-2,5 triệu đồng/nái/năm; nuôi gà thịt thu lãi 1.000-4.000 đồng/kg; bò sinh sản thu lãi 1,5-2 triệu đồng/con.
Trong quá trình phát triển, mặc dù còn nhiều khó khăn nhất là do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng tại tỉnh ta đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi trang trại đầu tư lớn có hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như chủ trang trại Nguyễn Quốc Toản ở xóm Thái Bình, xã Đồng Tiến (Phổ Yên). Trung bình mỗi lứa anh nuôi trên 4.000 con gà/lứa, mỗi đợt xuất chuồng, anh bán trên 1,5 tấn gà thịt, thu về gần 300 triệu đồng, một năm 4 lứa, anh thu về hàng tỷ đồng (chưa trừ chi phí). Hay như trang trại chăn nuôi của gia đình ông Phạm Văn Hoàn ở xóm Bầu 2, xã Phấn Mễ. Năm 2007, gia đình ông Hoàn đã dành một khu đất rộng chừng 1.000m2 nằm ngoài khu dân cư để xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Với quy mô nuôi 4.200 con gà/lứa, mỗi năm được xuất bán 4 lứa, trừ chi phí gia đình ông còn được lãi hơn 150 triệu đồng. Theo ông Hoàn, để chăn nuôi thành công, mỗi chủ trang trại cần nắm chắc kiến thức khoa học kỹ thuật và tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình phòng, chống bệnh dịch cho đàn vật nuôi như tiêm phòng văc-xin, vệ sinh chuồng trại...
Chăn nuôi trang trại đang là sự lựa chọn của nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, chăn nuôi trang trại hiện nay vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Đó là hầu hế quy mô trang trại chăn nuôi còn nhỏ, thiếu sự quy hoạch tổng thể và lâu dài nên phát triển manh mún, thiếu sự đầu tư, thậm chí gây ô nhiễm môi trường. Tính liên kết trong phát triển kinh tế trang trại chưa cao, chưa hình thành liên vùng sản xuất hàng hoá tập trung, sản phẩm chăn nuôi chưa đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Thêm vào đó là trình độ chuyên môn, kinh nghiệm sản xuất, quản lý kể cả thông tin thị trường của hầu hết các chủ trang trại trên địa bàn còn nhiều hạn chế. Sản phẩm chăn nuôi do trang trại làm ra được tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái, nên thường bị ép giá, dẫn đến thua thiệt cho người chăn nuôi. Khả năng tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng của các trang trại chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc cho vay vốn ngắn hạn chưa phù hợp với chu kỳ chăn nuôi...
Với mục tiêu nhanh chóng đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, cơ cấu sản xuất chăn nuôi đến năm 2015 chiếm 37,2% trong giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp, tăng khoảng 4-5% so với hiện nay; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung xa khu dân cư bằng các hình thức nuôi tại gia trại, trang trại và khu chăn nuôi tập trung, nuôi bằng phương pháp công nghiệp và hình thành các vùng cung cấp nguyên liệu ổn định cho các lò mổ tập trung trên địa bàn tỉnh thì việc phát triển bền vững các trang trại chăn nuôi rất cần được quan tâm trong thời gian tới. Do vậy, để chăn nuôi trang trại phát triển, tỉnh ta cần có định hướng lâu dài, ổn định các vùng chăn nuôi công nghiệp, tập trung đến tận huyện, xã; chú trọng chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả, nhất là các vùng trung du, đồi gò sang phát triển chăn nuôi trang trại tập trung; phát triển chăn nuôi trang trại gắn với đầu tư các cơ sở giết mổ, chế biến.
Theo đó, cần có chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng ngành Công nghiệp chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm gắn phát triển chăn nuôi trang trại và xây dựng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm. Đối với giải pháp kỹ thuật, cần tiếp tục sử dụng giống vật nuôi có năng suất chất lượng tốt; thức ăn chăn nuôi công nghiệp phải đảm bảo chất lượng và giá thành hợp lý; xây dựng chuồng trại, thiết bị tiên tiến phù hợp với từng loại vật nuôi và đặc điểm khí hậu của từng khu vực. Cùng với đó là quan tâm tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về kỹ thuật cũng như nghiệp vụ quản lý kinh tế trang trại cho các chủ trang trại. Về phía các chủ trang trại cũng phải có biện pháp thu hút lao động có trình độ chuyên môn giỏi giúp trang trại phát triển ổn định, đem lại hiệu quả. Vấn đề xử lý môi trường ở các trang trại chăn nuôi cũng phải được quan tâm, nhất là các trang trại, khu chăn nuôi tập trung xây dựng mới phải có phương án xử lý nước thải. Đặc biệt, các trang trại chăn nuôi hiện đang nằm trong khu dân cư sớm có kế hoạch di dời đến những điểm đảm bảo an toàn sinh học...