Thành công ban đầu trong chuyển đổi sản xuất gạch

08:16, 17/04/2011

Sau hơn 1 năm thực hiện chủ trương xóa bỏ sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Phú Bình cơ bản đã chấm dứt được hoạt động của các lò gạch thủ công không ống khói và đã có hàng chục lò gạch đạt quy chuẩn trong giai đoạn 2011-2015 được xây dựng. Tuy vậy, vẫn còn không ít khó khăn mà nhiều hộ sản xuất gạch nơi đây đang gặp phải, rất cần có sự quan tâm hỗ trợ...

 

Theo thống kê của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, tính đến ngày 21-12-2010, trên địa bàn Phú Bình có 443 lò gạch thủ công, của 438 hộ, tập trung chủ yếu ở các xã: Xuân Phương, Nga My, Kha Sơn, Đào Xá, Thượng Đình… với sản lượng ước đạt 21 triệu viên/năm. Nghề sản xuất gạch nhiều năm qua đã giải quyết việc làm thời vụ cho trên dưới 3.000 lao động địa phương và đáp ứng được nhu cầu về gạch, ngói trong xây dựng của người dân trên địa bàn và các địa phương lân cận. Nghề làm gạch mang lại nguồn thu nhập tương đối lớn cho các chủ lò, trung bình đạt từ 30-50 triệu đồng/năm (có những chủ lò đạt tới hàng trăm triệu đồng/năm). Với những mặt tích cực này nên khi triển khai Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện đã gặp phải không ít khó khăn trước sự phản ứng thiếu hợp tác của người dân. Nhiều chủ lò vấn cố tình nổi lửa vào thời điểm phải ngừng sản xuất. Nhiều xã như Xuân Phương, Nga My… đã nhiều lần phải thực hiện việc cưỡng chế, thu máy móc và ra quyết định xử phạt hành chính.

 

Theo lộ trình được đưa ra tại Quyết định số 567 và hướng dẫn của các bộ, ngành chức năng, UBND huyện Phú Bình đã thành lập 1 đoàn công tác đến huyện Phổ Yên thăm quan, học tập kinh nghiệm mô hình làm lò nung gạch có ống khói công nghệ tiên tiến. Tham gia đoàn còn có đại diện một số chủ lò ở 3 xã: Xuân Phương, Nga My và Đào Xá – những xã có nhiều lò gạch nhất huyện. Ngay sau khi được đi tham quan, nhiều chủ lò đã bắt tay ngay vào việc làm thủ tục và xây lò; cơ quan chức năng huyện cũng đã phổ biến mẫu thiết kế xây lò và các thủ tục cần thiết để được cấp phép xây lò đến các xã, thị trấn.

 

Theo đó, để được UBND huyện cấp phép xây dựng lò gạch, chủ cơ sở phải đáp ứng được các yêu cầu: vị trí xây lò và đất dùng để sản xuất gạch phải phù hợp với quy hoạch; cách khu dân cư (nhà dân gần nhất) từ 300 mét trở lên; có cam kết đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường đối với các hộ liền kề (trong trường hợp gây ra thiệt hại, chủ lò phải thực hiện bồi thường cho các hộ dân xung quanh); ống khói của lò gạch phải cao ít nhất 25m (với tiêu chuẩn kỹ thuật đường kính đáy ống khói rộng 3m, đỉnh ống rộng 1,5m); được cộng đồng dân cư (thôn, xóm), các hộ liền kề và Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND xã, thị trấn sở tại chấp thuận bằng văn bản.

 

Tính đến nay, UBND huyện đã cấp phép xây lò cho 51 cơ sở, ở 9 xã, thị trấn. Trong đó, nhiều nhất là xã Nga My (12 lò), Xuân Phương (11 lò), Đào Xá (11 lò), Hà Châu (8 lò)…  Đã có 30 lò được xây dựng, trong đó có 15 lò đã hoàn chỉnh (3 lò đã đốt mẻ gạch đầu tiên. Huyện đang tiến hành thẩm định lần 3 với trên 10 hồ sơ.

 

Những kết quả mà Phú Bình đạt được trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND nhiều xã trên địa bàn thì việc chuyển đổi từ lò gạch thủ công sang lò gạch nung có ống khói hiện gặp không ít khó khăn. Anh Đồng Văn Chiến, xóm Kiều Chính, xã Xuân Phương cho biết: Để xây được lò kép với công suất 30 vạn viên (mỗi lò 15 vạn viên/lần đốt), gia đình tôi phải đầu tư trên 600 triệu đồng, trong đó, 350 triệu đồng dùng để xây vỏ lò (nếu là lò đơn thì cần khoảng 150-200 triệu đồng – tùy theo công suất của lò); số tiền còn lại để mua đất sản xuất, thuê nhân công đóng gạch, đóng than và mua nguyên vật liệu phục vụ cho việc đốt lò. Do không đủ vốn nên tôi phải vay mượn người quen với lãi suất khá cao. Giờ lò gạch đã hoàn chỉnh và đốt được mẻ đầu tiên nên tôi đang làm các thủ tục để xin vay 300 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT huyện. Anh Chiến cho biết thêm, với giá gạch hiện nay hơn 8 triệu đồng/vạn, người làm gạch hiện có lãi trên dưới 1,5 triệu đồng/vạn viên. Giờ thì, gia đình tôi có thể đốt lò vào bất kể thời điểm nào trong thay vì chỉ được đốt vào mùa khô và ngoài thời gian gieo trồng như trước kia. Cũng theo tính toán của anh Chiến, nếu giá gạch ổn định như 2-3 năm gần đây thì chỉ khoảng 2 năm, gia đình anh sẽ hoàn được vốn xây vỏ lò.

 

Việc đốt gạch bằng lò cải tiến có ống khói đã khắc phục được rất nhiều hạn chế so với lò gạch trước kia nhưng trên thực tế vẫn còn ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Do vậy, theo lộ trình đưa ra tại các Quyết định có liên quan của Thủ tướng Chính phủ, những lò gạch như thế này chỉ được phép tồn tại đến hết năm 2015, để rồi sau đó, gạch chỉ được sản xuất bằng lò tuy len. Chủ trương này đều được các chủ lò nắm được và có cam kết thực hiện theo quy định. Trên cơ sở đó, UBND huyện Phú Bình cũng ra quy định, chậm nhất đến ngày 30-6-2011, các chủ cơ sở phải hoàn tất các thủ tục để cơ quan chức năng tiến hành thẩm định, cấp phép.

 

Ngoài khó khăn về vốn thì vấn đề đất sản xuất gạch hiện cũng là rào cản lớn của không ít hộ dân khi muốn xây dựng lò gạch. Theo đồng chí Dương Văn Binh, Phó Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phó Ban Chỉ đạo thực hiện chủ trương xóa bỏ sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công của huyện cho biết: Có khoảng 2/3 hồ sơ của người dân gửi đến cơ quan chức năng không đủ điều kiện để cấp phép xây lò do địa điểm xây lò và lấy đất nguyên liệu không phù hợp với quy hoạch. Ngược lại, nhiều trường hợp có điều kiện về nguyên liệu thì lại không có kinh phí để xây lò. Do đó, mong muốn của các gia đình này là được Nhà nước cho vay vốn với lãi suất ưu đãi hoặc được đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp.

 

Thiết nghĩ, đây cũng là mong muốn chung của chính quyền, người dân các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, hiện rất cần sự quan tâm, vào cuộc của cơ quan chức năng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thực hiên chủ trương xóa nghèo bền vững trong những năm tiếp theo.