Mặc dù là xã miền núi nhưng từ nhiều năm qua, Tân Đức luôn là địa phương đi đầu của huyện Phú Bình trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Nhờ đó, giá trị trung bình 1ha đất nông nghiệp của xã hiện đạt khoảng 60 triệu đồng, cao hơn bình quân chung của huyện 5 triệu đồng/ha. Tân Đức chính là điểm sáng để nhiều địa phương khác có thể tham khảo, học tập trên nhiều lĩnh vực mà không phải chỉ là trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Những ngày này, đi trên các cánh đồng của 17 xóm thuộc xã Tân Đức, chúng tôi dễ dàng nhận ra ở vụ Xuân năm nay, thêm một loại cây được nhiều hộ dân đưa vào trồng, đó là cây bí đỏ giống Nhật. Tuy chưa biết hiệu quả của lứa bí đầu tiên ra sao nhưng với diện tích 12ha được trồng phần nào cho thấy sự mạnh dạn của người dân trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng và sự vào cuộc đầy trách nhiệm, uy tín của cấp uỷ, chính quyền xã Tân Đức. Bởi thực tế cho thấy, nhiều địa phương, khi bắt đầu triển khai một loại cây nào đó thường gặp nhiều khó khăn, phải vận động cán bộ, đảng viên làm trước với diện tích hạn chế. ở Tân Đức, “cái khó” ấy cũng đã từng được biết đến nhưng đó là chuyện của 5-7 năm về trước. Vậy làm sao để có được thành công này?
Còn nhớ vào những năm 2004-2005, người dân nhiều địa phương của tỉnh đổ xô trồng cây thanh hao hoa vàng khiến loại cây này không có thị trường tiêu thụ. Nhiều nơi, bà con phải bán rẻ như cho, thậm chí còn đốt đi ngay tại ruộng. Lúc đó, diện tích thanh hao ở Tân Đức cũng rất lớn, xấp xỉ bằng diện tích trồng của cả 20 xã, thị trấn trên địa bàn huyện cộng lại. Sản phẩm không tiêu thụ được nên bà con mang đến UBND xã “bắt đền” cán bộ. 7 gian hội trường UBND xã suốt mấy tháng liền chỉ dành để chứa thanh hao. Nhiều cuộc họp của xã vì thế phải tạm ngừng hoặc chuyển địa điểm. Trước thực tế này, một số lãnh đạo xã đã được huy động để tìm mối tiêu thụ cho bà con. Sau vài tháng, bằng quan hệ và uy tín của lãnh đạo xã, đã có một công ty nhận mua toàn bộ số thanh hao của bà con với giá 5 nghìn đồng/kg (cao gấp 2-3 lần giá bán trên thị trường). Đây được xem là yếu tố quan trọng giúp người dân nơi đây củng cố thêm lòng tin vào đội ngũ cán bộ xã.
Không nản lòng trước thất bại của cây thanh hao, cuối năm 2005, xã Tân Đức lại mạnh dạn đi đầu trong việc triển khai mô hình trồng cây dưa chuột xuất khẩu. Sau khi tìm hiểu loại cây này ở một số tỉnh, cán bộ xã đã chủ động tìm đến một công ty ở Hải Dương để đặt vấn đề đầu tư khoa học kỹ thuật (KHKT), ứng trước giống, phân bón, gièo cắm và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Được Công ty chấp thuận, xã đã triển khai đến tất cả các xóm nhưng do tâm lý “thất thu” từ cây trồng trước nên trong vụ đầu tiên chỉ có gần 30 hộ dân đăng ký tham gia, với diện tích khoảng 2ha. ở từng vụ, một mặt xã đẩy mạnh việc tuyên truyền đến người dân thực hiện tốt kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bán sản phẩm theo đúng địa chỉ, một mặt yêu cầu bên B thực hiện mua theo đúng hợp đồng đã ký kết nên sản phẩm của bà con làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó; lợi nhuận lại cao hơn từ 2-3 lần so với trồng lúa nên lòng tin của người dân đối với cây trồng này ngày càng được nâng cao. Hiện đã có khoảng 400 hộ tham gia, với diện tích 14ha.
Bà Nguyễn Thị Hằng, xóm Ngọc Lý cho biết: Với 5 sào màu, vụ Đông Xuân này, gia đình tôi trồng 2 sào bí đỏ giống Nhật và 3 sào dưa chuột. Trung bình mỗi sào dưa, tôi thu được 2 tấn. Với giá bán 2 nghìn đồng/kg, tôi thu được 4 triệu đồng/sào. Trừ mọi chi phí, còn lãi 3,2-3,3 triệu đồng.
Trở lại với cây bí đỏ giống Nhật, ban đầu, Công ty TNHH một thành viên Xuân Phát (Hà Nội) - đơn vị đưa giống bí đỏ về trồng tại xã nghĩ rằng, ở vụ đầu tiên, chỉ có thể triển khai được 5-7 mẫu. Nhưng, sau khi xã triển khai chủ trương đến từng xóm và Công ty tổ chức tập huấn KHKT cùng những hỗ trợ đi kèm (nhận bao tiêu sản phẩm và ứng trước giống cho bà con) thì số lượng các hộ đăng ký tham gia trồng lên tới 24ha (tuy nhiên, ở vụ đầu, Công ty mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu về giống). Đây được xem là tín hiệu hết sức khả quan để Tân Đức có thể nâng diện tích trồng bí vào các vụ tiếp theo, vì theo hợp đồng, bên B nhận bao tiêu sản phẩm cho bên A với số lượng không hạn chế. Ông Hoàng Minh Giáp, xóm Tân Ngọc cho biết: Tuy chưa được thu hoạch nhưng bước đầu cho thấy, trồng bí đỏ giống Nhật mang đến cho người dân nhiều lợi ích. Chỉ riêng tiền bán ngọn cũng đủ để trả tiền mua giống và vật tư phân bón. Trồng bí tốn ít công chăm sóc, không phải lo đầu ra mà chất lượng quả lại thơm ngon nên tôi sẽ tiếp tục trồng vào các vụ tiếp theo. Theo khuyến cáo, mỗi vụ bí kéo dài 2,5-3 tháng, năng suất đạt từ 0,7-1 tấn quả/sào, giá bán 3 nghìn đồng/kg, người dân có thể thu lãi từ 2-3 triệu đồng/sào. Mỗi năm, trồng được 2 vụ (vào vụ Xuân và vụ Hè - Thu).
Được biết, Tân Đức hiện có 580ha đất nông nghiệp, trong đó có 330ha đất 2 lúa, còn lại là đất màu. Trong vụ Xuân này, toàn xã trồng được 55ha lúa lai (chiếm 17% tổng diện tích lúa, cao hơn bình quân chung của huyện 6%), 19ha dưa chuột (trong đó có 14 ha dưa chuột xuất khẩu, 5 ha dưa chuột thường), 12ha bí đỏ giống Nhật, 5ha dưa bở, 80ha lạc, 7ha ngô, còn lại là rau màu các loại (ở từng loại cây, xã lại chỉ đạo người dân đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào trồng). Với sự đa dạng trong cơ cấu cây trồng như hiện nay phần nào cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền và các ngành, đoàn thể của Tân Đức trong việc lãnh đạo, tuyên truyền người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, để tăng giá trị trên 1 đơn vị diện tích. Bởi trước đó khoảng 7 năm, trên diện tích đất màu của xã chỉ có ngô, lạc và một số loại rau xanh, giá trị kinh tế trên một ha đất nông nghiệp chỉ đạt 35 triệu đồng/năm. Không bằng lòng với những gì hiện có, theo đồng chí Đào Minh Hải, Chủ tịch UBND xã: Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm hiểu những loại cây, con phù hợp với đồng đất của Tân Đức để giúp người dân phát triển kinh tế. Khi mà đời sống của trên 80% người dân trong xã vẫn phụ thuộc vào nông nghiệp và hiện gần 20% số hộ của xã vẫn thuộc diện hộ nghèo (theo chuẩn mới, thấp hơn trung bình chung của huyện là 5%) thì bài toán về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp vẫn là vấn đề được xã ưu tiên thực hiện.
Rời Tân Đức khi đã xế chiều, trên các cánh đồng, hình ảnh những người nông dân đang cần mẫn chăm sóc cho những luống rau hay hái những trái dưa chuột tươi ngon khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi nghĩ tới một số xã trên địa bàn huyện với những điều kiện tự nhiên tương tự, thậm chí còn thuận lợi hơn về vị trí địa lý nhưng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn hết sức “ì ạch”. Đáng ngại hơn là khi hỏi về nguyên nhân thì không ít lãnh đạo xã nói rằng đó là do không tìm được thị trường tiêu thụ hoặc do đồng đất không phù hợp, không chủ động được nước tưới… Thế mới thấy, sự năng động, nhiệt tình, tâm huyết và uy tín của đội ngũ lãnh đạo nói chung, lãnh đạo xã nói riêng đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.