Những năm trở lại đây, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực từ phía những người dân, tỷ lệ giảm nghèo của huyện Phú Bình hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, kết quả điều tra theo chuẩn mới tỷ lệ hộ nghèo của Phú Bình hiện còn tới 24,83%, đây được xem là một thách thức không nhỏ đối Phú Bình…
Ngược thời gian trở về với năm 2006, khi đó, số hộ nghèo của huyện theo chuẩn cũ là 9.228 hộ, (28,12%). Đến năm 2010, huyện còn 5.182 hộ nghèo, tương ứng với 15,38%. Điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của Phú Bình trong việc xóa nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Để đạt được kết quả này, theo đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo của huyện thì: Công tác giảm nghèo luôn được cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành. Theo đó, hàng năm, huyện chỉ đạo các ngành liên quan và 21 xã, thị trấn thực hiện tốt việc rà soát số hộ nghèo, cận nghèo để xây dựng, kế hoạch, chương trình công tác, phấn đấu cho được mục tiêu mỗi năm giảm ít nhất 3% hộ nghèo như mục tiêu Nghị quyết của huyện Đảng bộ lần thứ XXIII và XXIV đề ra; chỉ đạo các cơ quan liên quan và các hội, đoàn thể tập trung ưu tiên, giúp đỡ các hộ hội viên nghèo có điều kiện phát triển kinh tế với những biện pháp thiết thực, cụ thể.
Thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến nghèo của phần lớn các hộ dân là do thiếu vốn và KHKT. Bên cạnh đó là thiếu lao động hoặc do ốm đau, bệnh tật, gặp hoạn nạn, rủi ro trong cuộc sống. Bởi vậy, một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền, các ngành, đoàn thể là tạo điều kiện tối đa để các hộ nghèo có nhu cầu được vay vốn của Ngân hàng chính sách hoặc từ các chương trình, dự án với lãi suất ưu đãi. Chỉ tính riêng trong năm 2010, đã có 2.815 lượt hộ nghèo trên địa bàn được vay vốn để mua sắm công cụ lao động, vật tư, con giống phục vụ cho sản xuất, với tổng số tiền trên 37,4 tỷ đồng.
Chị Hoàng Thị Luyến, xóm Hoàng Mai 1, xã Tân Khánh cho biết: Do tôi thường xuyên đau yếu, con lại nhỏ và cũng hay ốm nên trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Năm 2007, thông qua Chi hội phụ nữ xóm, tôi được vay 15 triệu đồng. Tôi đã dành 6 triệu đồng để mua 1 con bò, số còn lại dùng để cải tạo chuồng trại. 6 tháng sau, tôi bán con bò được hơn 8 triệu đồng. Tôi dành 5 triệu đồng mua 1 con bò con; còn hơn 3 triệu đồng, tôi mua 200 con gà giống về nuôi. Tôi còn được tham gia các lớp tập huấn KHKT về chăn nuôi nên đã mạnh dạn phát triển đàn gà. Khoảng 1 năm trở lại đây, gia đình tôi duy trì mức nuôi 1.000 con/lứa. Năm 2010, gia đình tôi được làm nhà theo Quyết định 167 của Chính phủ nên từ năm 2011, gia đình tôi đã được công nhận thoát nghèo.
Cũng trong năm trong 2010, các cơ quan chức năng của huyện đã tổ chức và phối hợp tổ chức được hàng trăm lớp tập huấn KHKT về chăn nuôi, trồng trọt thu hút trên 20 nghìn lượt hộ nghèo tham gia; tổ chức đào tạo nghề cho trên 700 người (kế hoạch năm 2011 là 800 người); trung bình mỗi năm, giải quyết việc làm cho trên 2,2 nghìn lao động. Ngoài ra, để giúp hộ nghèo có thể tiếp cận với các dịch vụ y tế khi ốm đau, cơ quan chuyên môn của huyện đã thực hiện tốt việc cấp thẻ khám chữa bệnh (KCB) miễn phí cho 100% người nghèo (22 nghìn người); KCB miễn phí cho trên 7,7 lượt người với số tiền gần 110 triệu đồng; miễn giảm học phí cho 3 nghìn học sinh, với số tiền 550 triệu đồng; hỗ trợ làm nhà mới cho trên 500 hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có 425 ngôi nhà 167, số còn lại là nhà đại đoàn kết, nhà nhân đạo…
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo của huyện hiện gặp phải không ít khó khăn: Nhiều hộ tuy đã thoát nghèo nhưng do không có nguồn thu nhập ổn định nên nguy cơ tái nghèo cao; một bộ phận người nghèo, thậm chí cả cán bộ một số xã vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà thiếu chủ động vươn lên thoát nghèo; trình độ dân trí còn hạn chế nên khả năng tiếp thu tiến bộ KHKT không cao; nguồn lực huy động cho chương trình giảm nghèo so với đòi của thực tế còn ít; vẫn còn nhiều hộ nghèo có nhu cầu chưa được tiếp cận với nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Trong khi đó, tiêu chí về hộ nghèo theo chuẩn mới ngày càng được nâng cao. Thực trạng này đang và tiếp tục là những khó khăn trong công tác giảm nghèo của huyện.
Vậy các giải pháp tiếp theo để giúp người dân thoát nghèo trong thời gian tới là gì?