Trở thành đảng viên trẻ của bản

08:25, 13/05/2011

Bấy lâu nay, học sinh ở bậc trung học phổ thông (THPT) được kết nạp Đảng là việc khá hiếm đối với ngành Giáo dục - Đào tạo của Thái Nguyên. Vậy mà ở một nơi 100% học sinh là người dân tộc thiểu số như trường Phổ thông dân tộc Nội trú Vùng cao Việt Bắc lại có nhiều học sinh được đứng vào hàng ngũ của Đảng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Những việc làm tích cực trong việc “ươm mầm” đảng viên của Đảng bộ nhà trường đã tạo bước chuyển mạnh về chất lượng giáo dục.

 

Những đảng viên tương lai

 

Trong căn phòng của khu nội trú, ngồi quanh tôi là các em: Vi Văn Duy dân tộc Nùng ở Tân Long, Đồng Hỷ; Ma Thị Nhâm, dân tộc Tày ở xã Bình Yên, Định Hóa; Dương Văn Hoàng, dân tộc Sán Dìu, xã Đạo Trù, Tam Đảo, Vĩnh Phúc; Lưu Thị Sơn Trà, dân tộc Tày ở thị trấn Chợ Chu, Định Hóa. Các em là những đoàn viên xuất sắc của Trường Phổ thông dân tộc nội trú Vùng cao Việt Bắc vừa được lựa chọn đi học lớp cảm tình Đảng. Câu chuyện giữa chúng tôi diễn ra thật sôi nổi. Trong số 4 em có Sơn Trà là học sinh lớp 12, còn 3 em đang học hệ dự bị Đại học tại trường. Các em tíu tít kể chuyện gia đình, chuyện lớp, những suy nghĩ của mình về Đảng, hướng phấn đấu và ước vọng tương lai. Mỗi em một hoàn cảnh riêng nhưng cả 4 em đều là học sinh giỏi, đoạt nhiều giải cấp tỉnh, quốc gia và được nhận nhiều học bổng của các tổ chức giáo dục quốc tế. Tôi cảm nhận ở 4 “hạt nhân” tiêu biểu này sự năng động và giàu mơ ước. Hoàng và Duy đều có suy nghĩ về lần đầu nhìn thấy bức tượng Bác Hồ ôm các cháu thiếu nhi dân tộc rẻo cao khi đến thăm phòng Truyền thống của trường, các em thầm ước mình cũng được đứng trong vòng tay yêu thương ấy. Còn Sơn Trà và Ma Thị Nhâm thì nói nhiều đến phong trào đoàn sôi nổi: Chúng em không có lúc nào rỗi rãi để…buồn, hết chương trình này đến chương trình khác “cuốn” chúng em.

 

Cùng địa phương xóa bản “trắng” đảng viên

 

Trường Phổ thông dân tộc nội trú vùng cao Việt Bắc lâu nay là địa chỉ quen thuộc của khoảng 2.000 học sinh người dân tộc thiểu số từ Thừa Thiên - Huế trở ra đến miền cực Bắc Tổ quốc theo học. Vì vậy, Trường là nhà, là quê hương thứ hai của các em. Thày cô giáo cũng là cha mẹ, người thân của các em trong suốt 3 năm học ở đây.

 

Cô giáo Đinh Thị Kim Phương, Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng nhà trường rất say sưa khi nói về vấn đề phát triển Đảng trong trường. Cô nói: Chúng tôi biết hiện nay nhiều xóm, bản, buôn, làng trên khắp đất nước mình còn “trắng” đảng viên hoặc chưa thành lập được chi bộ do thiếu đảng viên. Vì vậy, chúng tôi muốn các em sẽ là những hạt nhân của bản, làng mình khi trở về quê hương. Bản thân các em khi được chọn đi học đã là người có phẩm chất đạo đức, được địa phương đánh giá tốt. Tuy vậy, về kiến thức, nhận thức xã hội các em yếu và thiếu hơn so với những học sinh phổ thông ở vùng, miền khác. Chúng tôi nắm được những mạnh, yếu ấy để bồi đắp nhận thức, tri thức cho các em. Không chỉ học trên lớp, các em còn trưởng thành từ các “sân chơi” là các cuộc thi, các phong trào Đoàn để rèn luyện đức, trí, thể, mỹ. Từ đó, chúng tôi lựa chọn những học sinh toàn diện, có nhận thức chính trị, văn hóa, có học lực giỏi đề nghị Đảng bộ giúp đỡ, có hướng bồi dưỡng kết nạp Đảng ngay trong trường.

 

Cô giáo Bùi Thị Thu Thủy, Bí thư Đoàn trường cung cấp cho tôi danh mục khá dài những hoạt động của 48 chi đoàn năm học vừa qua: diễn đàn “Văn hóa học đường” để rèn kỹ năng sống; các phong trào như thu dọn giấy vụn, thi giảng đường văn minh, lớp học sạch, đẹp; 12 lượt ‘Ngày tình nguyện vì môi trường” thu hút 421 lượt chi đoàn tham gia. 4 chương trình “Hành trình tri thức” có các chủ đề về Lịch sử, Sinh học, Văn học, Ngoại ngữ. Ngoài ra, các chi đoàn còn thi ẩm thực vùng cao, 58 món ăn các dân tộc vùng miền các em tự tay làm và mang dự thi. Các chương trình: Gặp nhau cuối năm, trình diện trang phục đặc sắc của 36 dân tộc anh em được tổ chức. Chưa kể các câu lạc bộ: Võ thuật, thể dục thẩm mỹ, dạy bài hát truyền thống liên tục hoạt động.

 

Các đoàn viên của trường đều được “hút” vào các hoạt động lành mạnh đó. Những đối tượng Đảng được giao việc cụ thể hơn: Lưu Sơn Trà hiện là Bí thư Chi đoàn, Ma Thị Nhâm phụ trách toàn bộ mảng văn nghệ, Dương Văn Hoàng đội trưởng đội xung kích…Có môi trường hoạt động, các em được thỏa sức bộc lộ khả năng của mình, đồng thời cũng nhanh nhẹn, bản lĩnh, trưởng thành lên nhiều.

 

Với cách làm này, không chỉ có những đoàn viên xuất sắc tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện nói trên, trong nhiều năm qua, đã có  hàng chục đoàn viên được cử đi học lớp bồi dưỡng và được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Từ năm học 2007 đến 2010, mỗi năm trung bình Đảng bộ nhà trường kết nạp 1-2 học sinh, riêng năm học 2010-2011 này có 6 em đang là đối tượng Đảng, dự kiến có thể kết nạp được 2-3 em khi còn học trong trường.

 

Một trong những đảng viên trẻ được kết nạp thời gian qua được các thầy cô nhắc đến nhiều là Lý Đức Hiền, dân tộc Cao Lan, quê ở Yên Thế, Bắc Giang. Hiền không chỉ là cán bộ đoàn năng động mà còn là học sinh giỏi toàn diện, được nhận học bổng Vừ A Dính, được rèn luyện thử thách và kết nạp Đảng tại trường năm 2009. Hiện nay Hiền đang là sinh viên phấn đấu tốt của trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

 

Và những điều đáng tiếc

Giọng tiếc nuối, bà Đinh Thị Kim Phương kể cho tôi nghe câu chuyện cách đây 2 năm của em Hà Thanh Nhàn, dân tộc Thái, quê ở Thanh Hóa. Mất cả bố và mẹ khi còn nhỏ tuổi, Thanh Nhàn đã ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với gia đình, em không những học rất giỏi mà còn kiếm việc làm nuôi em, giúp đỡ ông bà. Vào học ở trường năm 2007, Nhàn đã “cháy hết mình” với những công việc được giao: Phụ trách chương trình quà tặng âm nhạc, đội trưởng đội vệ sinh tình nguyện, đội trưởng đội thanh niên tự quản. Nhàn sôi nổi tham gia thi Vũ quốc tế, vũ dân tộc, em đoạt giải cuộc thi “Người đẹp văn hóa các dân tộc”, giải “Nữ công gia chánh”, tham gia bút nhóm “Hoa nắng vùng cao” và có nhiều bài được đăng trên báo Thiếu niên Tiền phong… Với “bề dày” thành tích ấy, Thanh Nhàn được Đảng bộ nhà trường quyết định cử đi học lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng năm học 2008-2009. Nhưng tiếc rằng, đến ngày ra trường, cô bé chưa đủ 18 tuổi để được kết nạp Đảng.

 

-Chúng tôi thật sự tiếc trường hợp em Nhàn. Đến môi trường mới, em lại phải phấn đấu khẳng định từ đầu. Thanh Nhàn hiện đang học tại Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), hồ sơ của em đã được chuyển đến cơ sở đảng của trường nhưng chưa được xem xét.

 

Một trường hợp nữa cũng được cô giáo Phương nhắc đến là em Đào Ngọc Thúy, dân tộc Tày ở Tuyên Quang, em là đối tượng Đảng khi 16 tuổi, nhưng đến khi ra trường em cũng chưa đủ tuổi để kết nạp.

 

 - Vấn đề tuổi đang là trở ngại đối với học sinh phổ thông. Tháng 6 các em đã ra trường, nếu em nào sinh từ tháng 7 trở đi đều không có cơ hội để kết nạp theo quy định. Chúng tôi đã báo cáo điều này với Thành ủy, nhưng không thể thay đổi vì Điều lệ Đảng quy định như vậy. Tôi nghĩ rằng đối với những đối tượng là người dân tộc ít người nên có quy định “mềm” hơn. Vì môi trường học tập, công tác của các em không giống nhau. Có thể chúng tôi rất quan tâm đến việc này, nhưng ở nơi khác lại không như vậy, từ đó không chỉ thiệt thòi cho các em mà còn hạn chế việc tăng cường đội ngũ đảng viên cho vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn của đất nước. Trước mắt, những đoàn viên sinh sau tháng 6 chúng tôi đành để lại, chưa đưa vào diện cảm tình Đảng. Đây là điều chúng tôi trăn trở nhưng chưa tìm ra hướng giải quyết.