Nông dân “bắt” đất cằn cho trái ngọt

22:11, 14/10/2019

Dưới bàn tay của những người nông dân, các mảnh đất cằn cỗi ở xóm Thuận Đức, xã Minh Đức (T.X Phổ Yên) đã trở thành vùng trồng cây ăn quả cho trái ngọt quanh năm. Cây ăn quả đã trở thành cây hàng hóa mũi nhọn, mang lại giá trị kinh tế cao cho những người nông dân nơi đây.  

Gặp chúng tôi khi đang chăm sóc khu vườn trồng cây ăn quả, ông Nguyễn Văn Hằng ở xóm Thuận Đức cho biết: Trước kia, giống như hầu hết hộ dân khác ở xóm, gia đình tôi sử dụng những khoảng đất đồi để trồng sắn, lạc, đỗ… Ngày đó, thu nhập từ các loại cây này đủ ăn còn khó chứ chưa nói đến phát triển kinh tế. Từ năm 2001, qua quen biết với một số người dân ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên), tôi bắt tay vào cải tạo vườn đồi để trồng bưởi. Qua một thời gian, cây bưởi cho hiệu quả kinh tế khá nên tôi chuyển dần toàn bộ diện tích đất đồi kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Đến nay, gia đình ông Hằng đã có 1,2ha trồng các loại cây ăn quả: bưởi, ổi, táo… Trong đó, có khoảng 70 gốc bưởi và gần 100 gốc ổi đã được thu hoạch, cho thu nhập ổn định khoảng 100-150 triệu đồng/năm.

Không chỉ gia đình ông Hằng, những năm gần đây, nhiều hộ dân khác ở Thuận Đức cũng bắt tay vào chuyển đổi diện tích đất đồi cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả. Anh Phạm Văn Xuất, ở xóm Thuận Đức nhẩm tính: Trước khi tôi mua mảnh đất này, nơi đây chỉ là khu vực nông trường cũ bỏ hoang. Mất gần 2 năm cải tạo, tôi đã có khu vườn cây ăn quả rộng 1,4ha trồng cam Vinh và bưởi da xanh. Trong đó, diện tích cam Vinh 6 năm tuổi chiếm chủ yếu. Trung bình mỗi năm, thu nhập từ cây cam đem lại cho gia đình tôi 200-300 triệu đồng. Mấy năm gần đây, do có đường ô tô thuận lợi nên lái buôn vào tận nơi lấy hàng, tôi không cần mang đi bán ở chợ. 

Bà Nguyễn Thị Sơn, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Thuận Đức cho hay: Do đất ở xóm chủ yếu là đất đồi, lại cằn cỗi nên hầu hết các hộ dân đều phải bỏ vốn để cải tạo đất. Trồng cây ăn quả không quá nặng nhọc nhưng những công việc như làm cỏ, thụ phấn cho hoa, bón phân hay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần phải “canh” đúng thời điểm và thao tác một cách khoa học. Vì vậy, để có được những vườn cây sai trĩu quả như hiện nay không phải là việc đơn giản. Từ hiệu quả ban đầu, nhiều nông dân ở xóm Thuận Đức đã chuyển đổi diện tích đất vườn tạp, đất đồi kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Toàn xóm Thuận Đức có 115 hộ thì có đến trên 80 hộ trồng các loại cây ăn quả như: nhãn, ổi, táo, bưởi, cam... Đến nay, diện tích cây ăn quả của xóm đã là 15ha, hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung của xã Minh Đức.

Chị Phạm Thị Hường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Đức cho biết: Để hỗ trợ các hội viên nông dân nâng cao giá trị cây ăn quả, hàng năm, Hội Nông dân xã đều tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đồng thời cung ứng vật tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) trả chậm. Cùng với đó, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền, vận động bà con thay đổi thói quen sản xuất theo hướng an toàn. Hiện nay, các hội viên nông dân ở xóm Thuận Đức đã hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà chuyển sang các chế phẩm có nguồn gốc sinh học và đảm bảo thời gian cách ly 15-20 ngày trước khi thu hái và tiêu thụ. Mô hình trồng cây ăn quả ở Thuận Đức được đánh giá là một trong số những mô hình kinh tế cho thu nhập cao ở địa phương.

Để giúp đỡ người dân nâng cao giá trị sản xuất cây ăn quả, thời gian tới, Hội Nông dân xã Minh Đức sẽ từng bước hướng dẫn thành lập tổ hợp tác, nhóm sở thích để hội viên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm cùng hỗ trợ nhau phát triển mô hình. Đồng thời, Hội sẽ tham mưu đề xuất với các cấp, ngành liên quan để hỗ trợ các hội viên nông dân liên kết sản xuất, giới thiệu, quảng bá và bao tiêu sản phẩm. Thời điểm hiện tại, xã Minh Đức đang phối hợp với Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp - PTNT) xây dựng dự án quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả tập trung mang giá trị kinh tế hàng hóa tại xóm Thuận Đức và một số xóm có diện tích cây ăn quả lớn ở địa phương. Trong đó, tập trung định hướng người dân trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, phù hợp với địa phương; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Cùng với đó, đẩy mạnh phối hợp giữa các hộ nông dân, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nhà khoa học để phát triển vùng trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa, đem lại giá trị kinh tế cao.