Hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp chủ động kết nối với nhau để phối hợp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Thông qua các hoạt động gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu hình thành.
Một trong những mô hình hiện nay là đào tạo lao động nghề may thời trang cho các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn. Hầu hết các doanh nghiệp may mặc lớn trong tỉnh như: Công ty cổ phần (CP) Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TDT, Công ty CP May Thành Hưng… đều liên kết với các cơ sở đào tạo nghề mở các lớp may công nghiệp ngay tại địa phương đóng chân. Chị Nguyễn Thị Thắm, Phó Trưởng phòng Tổ chức chi nhánh may TDT Đại Từ (Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT) cho biết: Trước khi Chi nhánh đi vào hoạt động, chúng tôi đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đại Từ, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở các lớp dạy nghề may công nghiệp cho lao động địa phương. Việc này giúp Chi nhánh có được nguồn lao động tại chỗ, đã qua đào tạo để nhanh chóng đi vào hoạt động. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề tiếp tục tuyển dụng lao động đã qua đào tạo đưa vào làm việc.
Là học viên tốt nghiệp lớp may công nghiệp của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đại Từ và được nhận vào làm việc tại Chi nhánh may TDT Đại Từ, chị Hoàng Thị Nhung, xóm Văn Khúc, xã Bình Thuận (Đại Từ) cho biết: Ngoài chương trình đào tạo theo đúng giáo trình, chúng tôi tiếp xúc với những kỹ thuật cắt may theo tiêu chuẩn may xuất khẩu của Công ty TDT. Vì thế, khi bắt tay vào công việc tôi không bị bỡ ngỡ và nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu về tay nghề.
Không chỉ trong lĩnh vực may mặc, nhiều cơ sở giáo dục đã bắt tay với doanh nghiệp ở các ngành nghề khác nhau để liên kết trong đào tạo. Ông Nguyễn Duy Nhất, Phó Hiệu trưởng Trưởng Trung cấp Dân tộc Nội trú Thái Nguyên chia sẻ: Những năm qua, Nhà trường đã bám sát nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, hợp tác, liên kết với doanh nghiệp lớn như: Công ty CP chế tạo điện cơ Hà Nội, Công ty CP Samtech Việt Nam, Công ty TNHH SR Tech, Công ty TNHH Điện Lạnh Hòa Phát, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG... trong việc đào tạo nâng cao tay nghề và giải quyết việc làm cho học sinh. Hàng năm, học sinh của Nhà trường được đi thực tế, thực tập tại chính các doanh nghiệp và đa phần trong số đó được chính doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc lâu dài với mức lương ưu đãi.
Được biết, nhiều cơ sở đào tạo nghề như Cao đẳng nghề số 1 - Bộ Quốc phòng, Cao đẳng Công thương Thái Nguyên, Trung cấp Dân tộc Nội trú Thái Nguyên… đã tìm kiếm và đặt vấn đề với một số doanh nghiệp phù hợp với ngành nghề đào tạo của Nhà trường để nhận học sinh vào thực tập. Trong chương trình đào tạo, tất cả học sinh hệ trung cấp, cao đẳng đều phải đi thực tập 2-3 tháng tại một đơn vị sản xuất trực tiếp. Tại đây, học sinh sẽ được tiếp cận với dây chuyền làm việc thực tế, rèn luyện tác phong, kỷ luật trong công việc. Bên cạnh đó, sau khi học sinh các khóa hoàn tất kỳ thi tốt nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề phối hợp tổ chức các buổi hội chợ việc làm, ngày hội tư vấn việc làm. Trong đó, mời các doanh nghiệp uy tín đến giới thiệu về công ty, nhu cầu việc làm, phỏng vấn và tuyển dụng những học sinh phù hợp. Nhiều học sinh đã tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp thông qua những buổi giới thiệu như vậy.
Trên thực tế, mô hình liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm đã đem lại hiệu quả thiết thực cho cả 4 bên đó là học viên, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và Nhà nước. Từ đó, mở ra cơ hội lớn để trường nghề phát huy thế mạnh trong đào tạo, đồng thời thiết lập mối quan hệ bền chặt giữa doanh nghiệp - nhà trường - nhân lực chất lượng cao, đem lại cho học viên học nghề nền tảng kiến thức và thực tiễn tốt, tạo lợi thế cạnh tranh giúp dễ dàng tìm kiếm công việc sau khi học nghề ở những vị trí đòi hỏi trình độ cao hơn. Hiện nay, các cơ sở đào tạo nghề đã và đang tiếp tục triển khai liên kết đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Việc liên kết này vừa thu hút được học viên, vừa góp phần giúp người lao động tìm được việc làm tại các doanh nghiệp. Ông Dương Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian tới, bên cạnh việc sắp xếp và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo nghề, Sở sẽ chỉ đạo các Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh liên kết, phối hợp với các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh… tư vấn, định hướng nghề nghiệp; kết hợp với nhu cầu doanh nghiệp trong chương trình đào tạo nghề, chủ động liên kết tạo việc làm cho học viên sau học nghề. Qua đó, nhằm thu hút thêm học viên tham gia học nghề, góp phần nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động.