Khi người lao động là “thượng đế”

11:17, 21/12/2019

Nếu như trước đây, từ “thượng đế” thường được dành cho khách hàng của các doanh nghiệp (DN) thì khoảng 3-4 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh, nó còn được dùng để chỉ người lao động. Tất nhiên đó phải là những lao động đáp ứng được các tiêu chí của người sử dụng. Thực tế cho thấy, thay vì phải nhờ vả, mất tiền, lặn lội đi tìm việc làm có thu nhập ổn định, thì nay, nhiều nhà tuyển dụng đã về tận xóm, xã để tuyển người. Điều này phần nào cho thấy những thành công trong thu hút đầu tư của tỉnh những năm qua.

Theo báo cáo của ngành chức năng, chỉ tính riêng năm 2019, số lao động được tạo việc làm tăng thêm toàn tỉnh ước đạt 21,5 nghìn người, vượt 43,3% kế hoạch năm. Tính chung từ năm 2015-2019, đã có gần 90 nghìn lao động được tạo việc làm (về trước 1 năm theo kế hoạch Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX - chỉ tiêu Nghị quyết là tạo việc làm cho 15.000 lao động/năm).

Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 214,5 nghìn người lao động làm việc trong các DN. Trong đó, lao động làm việc trong các DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 52,1% (khoảng 112 nghìn người); lao động làm việc trong DN ngoài Nhà nước chiếm 41,6% (với 90 nghìn người); còn lại là lao động làm việc trong các DN Nhà nước. 

Có thể thấy, với sự thu hút ngày càng nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước, nhất là từ năm 2015 khi mà Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) chính thức đi vào hoạt động và tuyển dụng lao động với số lượng lớn, kéo theo đó là hàng loạt các công ty phụ trợ thì số lao động làm việc trong các DN trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng mạnh và chủ yếu là lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước và DN FDI. Đây là xu hướng tất yếu và tích cực vì DN Nhà nước đang trong quá trình tổ chức, sắp xếp lại và thực hiện cổ phần hóa. Cũng trong vòng 4 năm qua, khu vực DN ngoài Nhà nước đã thu hút thêm gần 25 nghìn lao động và khu vực FDI thu hút thêm trên 58 nghìn lao động. 

Cũng nhờ sự xuất hiện của các DN trên địa bàn nên người lao động ngày càng có nhiều sự lựa chọn về chỗ làm và mạnh dạn hơn trong việc thỏa thuận mức lương, chế độ đãi ngộ, những quyền lợi chính đáng khác của bản thân. Còn về phía DN, để giữ chân người lao động, bên cạnh việc thực hiện các quy định của pháp luật cũng đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi riêng, mà nhiều DN nhà nước chưa chắc đã làm được.

Một trong những DN chúng tôi muốn nhắc tới là Công ty TNHH Glonics (phường Phú Xá, T.P Thái Nguyên). Khi được hỏi, nhiều lao động ở đây đều có chung sự hài lòng bởi môi trường làm việc không chỉ sạch đẹp mà còn rất xanh với nhiều loại cây được trồng xung quanh Công ty. Từ nhiều năm trước, DN này đã đầu tư cả rạp chiếu phim và làm sân bóng để phục vụ nhu cầu thư giãn, rèn luyện sức khỏe cho người lao động. Ngoài ra, với đặc thù phần lớn lao động là nữ trong độ tuổi sinh đẻ, Công ty còn bố trí phòng vắt sữa và các máy móc, thiết bị đi kèm để giúp các bà mẹ nuôi con nhỏ yên tâm hơn trong thời gian làm việc...

Hay như đối với SEVT - DN được biết đến với vai trò tiên phong trong thực hiện các chế độ đãi ngộ dành cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Ngoài hàng chục ưu đãi dành trực tiếp cho nhân viên, SEVT còn có chính sách dành cho thân nhân của những lao động xuất sắc như mời bố/mẹ đến tham quan nơi ăn, ở, làm việc tại Samsung và được đi tham quan, nghỉ mát cùng con… Chính những đãi ngộ này của các DN FDI đã tác động trực tiếp đến các DN Nhà nước và ngoài Nhà nước.

Đơn cử như tại Công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG. Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty: Người lao động làm việc tại TNG ngoài được hưởng đầy đủ mọi chế độ, quyền lợi theo quy định của pháp luật còn được hưởng nhiều khoản phụ cấp và phúc lợi khác, như: Phụ cấp nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp chuyên cần; hỗ trợ tiền ăn ca; thưởng thành tích thi đua; thưởng tháng lương thứ 13; tiền Tết Nguyên đán; được đi tham quan du lịch; ở nhà tập thể với giá ưu đãi; được đưa đón bằng xe ô tô; có nhà trẻ tại khu tập thể cho cán bộ công nhân viên gửi con...

Ông Nguyễn Văn Thời còn khẳng định: Đối với người lao động làm lâu năm tại Công ty, khi nghỉ hưu còn được DN tài trợ mỗi năm công tác là 1 tháng lương và nếu ai phát hiện có người lao động nào của TNG bị cố tình làm sai các chế độ, lãnh đạo Công ty sẽ trực tiếp xin lỗi và bù đắp cho người lao động, đồng thời có hình thức khen thưởng đối với người phát hiện ra. Đặc biệt, TNG còn đặt mục tiêu trong khoảng 10 năm nữa, sẽ không để người lao động phải đi thuê nhà ở, mà sẽ được tạo điều kiện để mua nhà ở xã hội… Theo ông La Hồng Ninh, Cục trưởng Cục Thống kê: Thu nhập bình quân của người lao động trên địa bàn tỉnh những năm qua được cải thiện đáng kể. Trong khi năm 2015, mức thu nhập bình quân của người lao động là 7,74 triệu đồng/người/tháng thì đến năm 2018 đã đạt xấp xỉ 9 triệu đồng. Trong đó, lao động làm việc trong khu vực FDI đạt 10,4 triệu đồng; ngoài Nhà nước đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Có thể nói, những thay đổi tích cực trong việc tuyển dụng và cơ chế đãi ngộ của các DN trên địa bàn tỉnh đang và sẽ tiếp tục mở ra nhiều cơ hội tốt cho người lao động trên địa bàn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế thì trong một tương lai không xa, lao động giá rẻ - lao động giản đơn sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh của Thái Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung, mà thay vào đó sẽ là lao động có tay nghề, được đào tạo bài bản, chuyên sâu, có khả năng thích ứng với các loại máy móc, thiết bị hiện đại. Chính vì thế, mỗi gia đình và người lao động cần nắm bắt và đón đầu xu thế này để có định hướng và chuẩn bị các điều kiện cần thiết trong tương lai. Cùng với đó là rèn luyện ý thức kỷ luật, chịu được áp lực công việc và kỹ năng làm việc tập thể nếu không muốn bị đào thải hoặc phải làm những công việc nặng nhọc, thu nhập thấp.