Nằm dưới chân dãy núi Tam Đảo, vùng chè xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông và xóm Non Bẹo, xã La Bằng (Đại Từ) có nguồn nước dồi dào, thuận lợi cho cây chè phát triển xanh tốt quanh năm. Thêm vào đó, bà con nơi đây rất chịu khó, năng động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiêu biểu là việc đi tiên phong trong xây dựng mã số vùng trồng chè.
Trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Sử, ở xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông, thường mua các loại phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật tại các đại lý để chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại chè. Khi đó, bà Sử chưa hề quan tâm tới việc những loại vật tư đó có thuộc danh mục được phép sử dụng trên cây chè hay không. Từ năm 2021, tham gia mô hình xây dựng mã số vùng trồng, gia đình bà bắt đầu thay đổi thói quen canh tác.
Bà Sử bộc bạch: Trung bình mỗi lứa, nhà tôi thu hoạch trên 1 tấn chè búp tươi. Hiện tại, việc bón phân gì, phun thuốc vào thời điểm nào, quá trình chăm sóc ra sao đều được chúng tôi ghi chép tỉ mỉ. Ngoài ra, bà con cũng sử dụng phân hữu cơ thay thế phân vô cơ và dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép. Tôi nhận thấy khi áp dụng phương pháp canh tác này, cây chè rất xanh, lá mập, búp dày, ít sâu bệnh gây hại. Đặc biệt, môi trường sống của chúng tôi cũng trở nên trong lành hơn vì không còn mùi thuốc hóa học.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Minh Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Nông, cho biết: Không chỉ riêng ở Cầu Đá, thời gian qua, chè đã trở thành cây trồng mũi nhọn, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong xã. Tuy nhiên, các sản phẩm chè của bà con mới chủ yếu được tiêu thụ nhỏ lẻ ở trong nước và chè Hoàng Nông cũng chưa có thương hiệu riêng. Chính vì vậy, việc xây dựng mã số vùng trồng sẽ là bước đi đầu tiên giúp bà con thay đổi tư duy sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu, đưa các sản phẩm chè Hoàng Nông vươn ra thị trường nước ngoài.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, 36 hộ (có nương chè liền vùng, liền khoảnh) ở 2 xóm Cầu Đá và Non Bẹo, với diện tích 11,4ha đã tham gia xây dựng mã số vùng trồng. Thuận lợi là trước đây, nhiều hộ dân đã từng tham gia mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP nên bà con tuân thủ khá nghiêm các quy trình sản xuất theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Bà con xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông (Đại Từ) phun thuốc bảo vệ thực vật, loại nằm trong danh mục được sử dụng trên cây chè
Các vùng trồng được cấp mã số phải đáp ứng yêu cầu như: Nhận diện được vùng trồng (sử dụng GPS); bà con áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, ghi chép, bảo quản nhật ký canh tác để phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra; đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép theo quy định của nước nhập khẩu. Ngoài ra, còn một số yêu cầu khác tùy thuộc vào thị trường nhập khẩu và loại nông sản.
Để được cấp chứng nhận mã số vùng trồng, bà con phải dùng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép. Tuy nhiên, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được bày bán với nhiều loại tên khó đọc, khó nhớ nên bà con rất lúng túng để lựa chọn. Thấu hiểu những băn khoăn của người dân, Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Thái Nguyên (trụ sở tại phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên) đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn, tư vấn cho người dân cách nhận biết một số loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép. Đồng thời, hướng dẫn bà con cách sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học, thảo mộc phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây chè, đảm bảo đạt năng suất, hiệu quả cao nhất.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Thái Nguyên, chia sẻ: Các loại thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục cho phép đăng ký sử dụng trên cây chè do Công ty cung ứng đều được nhập khẩu từ nước ngoài, không còn tồn dư sau khi thu hái, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu. Ưu điểm của các loại thuốc này là quản lý dịch hại tốt, an toàn với người sử dụng và thời gian cách ly ngắn, thậm chí, có loại không cần thời gian cách ly. Còn đối với các loại phân bón hữu cơ cũng được Công ty nhập từ các đơn vị có uy tín, đảm bảo về chất lượng cũng như số lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.
Thêm một tin vui đó là, sau khi được cấp mã số vùng trồng, Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Thái Nguyên cam kết sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm chè cho bà con tham gia mô hình ở 2 xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông và xóm Non Bẹo, xã La Bằng. Qua đó, tạo ra sự liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân từ khâu cung ứng vật tư, xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng đến bao tiêu sản phẩm - điều mà từ trước đến nay, chưa có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh làm được.