Giải bài toán cơ sở vật chất để giữ và nâng chuẩn

07:48, 22/03/2022

Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra là đến 2025, Thái Nguyên có 90% số trường đạt chuẩn quốc gia. Và một trong các nội dung khó khăn nhất khi thực hiện mục tiêu này là cơ sở vật chất trường, lớp học. Với quyết tâm cao nhất, ngành Giáo dục đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Đề án Đảm bảo cơ sở vật chất các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở để các địa phương huy động tối đa mọi nguồn lực để giữ chuẩn và nâng chuẩn trường học.

Những ngày này, công trình nhà lớp học 2 tầng, 8 phòng học ở Trường Tiểu học số 2 Minh Lập (Đồng Hỷ) đang được đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành. Các phần việc cuối cùng như sơn tường các phòng học và đổ bê tông khu sân chơi phía trước đang được gấp rút triển khai. Công trình có tổng nguồn vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng, khởi công ngày 25/10/2021 và theo đúng cam kết sau 150 (ngày 25/3/2022), đơn vị thi công sẽ hoàn thành và bàn giao cho Nhà trường.

Cô giáo Đỗ Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Minh Lập phấn khởi: Năm 2022, Nhà trường đến chu kỳ công nhận lại chuẩn quốc gia. Cùng với nguồn lực của Nhà nước, các đơn vị kết nghĩa với chúng tôi và phụ huynh học sinh cũng ủng hộ nhiệt tình bằng vật chất và hàng trăm ngày công lao động. Khi công trình nhà lớp học 2 tầng này được đưa vào sử dụng, Nhà trường sẽ có thêm các phòng bộ môn như Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật, phòng dành cho trẻ khuyết tật. Qua đó, đáp ứng tốt tiêu chí trường chuẩn quốc gia.

Đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thành công trình nhà lớp học 2 tầng, 8 phòng học, Trường Tiểu học số 2 Minh Lập.

Tương tự, năm 2022, Trường Tiểu học Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) cũng đến chu kỳ công nhận lại chuẩn. Do đó, Nhà trường đã có sự chuẩn bị từ rất sớm. Ngay khi bước vào năm học 2020-2021, Nhà trường đã tiến hành lát nền sân chơi, làm mới toàn bộ các khẩu hiệu, bảng biểu, sửa chữa công trình vệ sinh và hệ thống điện thắp sáng. Đồng thời, các thầy cô và phụ huynh học sinh đã dành nhiều ngày công lao động để trồng cây, tu sửa cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Cô giáo Lý Thị Huệ, Hiệu trưởng Nhà trường, thông tin: Năm 2012, Trường Tiểu học Phúc Xuân được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và đến năm 2017 được công nhận lại lần thứ 2. Để chuẩn bị tốt cho đợt công nhận lại vào tháng 7 sắp tới, chúng tôi đã chủ động tham mưu, đề xuất tăng cường cơ sở vật chất cho trường. Theo kế hoạch vốn trung hạn, Nhà trường đã được ghi vốn xây dựng một nhà lớp học 3 tầng với 12 phòng học. Đây sẽ là cơ sở để trường đảm bảo về cơ sở vật chất để giữ danh hiệu trường chuẩn quốc gia và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện.

Theo mục tiêu ngành Giáo dục đề ra, đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 628/694 trường đạt chuẩn quốc gia, bằng 90,48%. Trong đó công nhận lại 579 trường đã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2021 và công nhận mới 49 trường (mầm non 10, tiểu học 4, THCS 27, THPT 8).

Để đạt được mục tiêu này và đảm bảo thực hiện lộ trình giáo dục phổ thông thì cơ sở vật chất của các trường mầm non, phổ thông phải có đủ 1 phòng học/lớp; đủ phòng học bộ môn, phòng chức năng và các hạng mục tối thiểu. Theo kế hoạch triển khai Đề án Đảm bảo cơ sở vật chất các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh, trong giai đoạn 2021-2025, Thái Nguyên cần đầu tư xây dựng bổ sung 1.566 phòng học, 3.007 phòng học bộ môn và phòng phục vụ học tập. Ngoài ra đầu tư mua sắm bổ sung trên 7.700 bộ thiết bị dạy học cho các cấp học. Tổng kinh phí của cả giai đoạn 2021-2025 dự tính trên 2.800 tỷ đồng, trong đó kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất “ngốn” tới trên 2.200 tỷ đồng. Nguồn vốn được huy động, lồng ghép tất cả các nguồn kinh phí của Trung ương, địa phương và toàn xã hội để thực hiện cho cả giai đoạn.

Bám sát vào mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, các địa phương đã xây dựng kế hoạch huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất để duy trì, nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia.

Đơn cử như huyện Phú Bình, giai đoạn 2015-2020, 100% số trường mầm non, tiểu học,THCS trên địa bàn (61/61 trường) đã đạt chuẩn quốc gia từ mức độ 1 trở lên, trong đó có 17/61 trường đạt chuẩn mức độ 2. Để duy giữ và nâng chuẩn, năm học 2021-2022, UBND huyện đã quyết định đầu tư trên 100 tỷ đồng xây dựng mới và kiên cố hóa nhà lớp học (từ 2-3 tầng) cho cả 3 cấp học; dành trên 10 tỷ đồng để sửa chữa, bổ sung trang, thiết bị dạy học cho các nhà trường…

Đối với Phú Lương, năm 2022, huyện phấn đấu công nhận công nhận lại 7 trường và công nhận mới 3 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường học đạt chuẩn của toàn huyện lên 48, bằng 90,05%. Để đạt được chỉ tiêu đề ra, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tới phụ huynh, học sinh; tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ và chất lượng đào tạo. Cùng với đó, rà soát các trường tới chu kỳ công nhận lại chuẩn và các trường trong lộ trình công nhận mới để huy động, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư đảm bảo trọng tâm, trọng điểm. Dự kiến, trong năm 2022, huyện sẽ khởi công 10 dự án xây mới, cải tạo, sửa chữa tại các trường học trên địa bàn, với tổng mức đầu tư trên 34 tỷ đồng.

Cùng với nguồn lực đầu tư từ ngân sách, các địa phương cũng đã làm tốt công tác công tác xã hội hóa giáo dục, huy động được hàng nghìn ngày công lao động của các đơn vị, người dân chung tay hỗ trợ đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường học. Từ đó, góp phần cải thiện môi trường giáo dục ngày một tốt hơn, nâng cao chất lượng trường chuẩn quốc gia.