Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh: “Chìa khóa” phát triển chăn nuôi

07:38, 24/03/2022

Những năm qua, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh từng bước hướng đến phát triển đàn gia súc, gia cầm có lợi thế và giá trị kinh tế cao. Thái Nguyên hiện có 738 trang trại chăn nuôi, tổng đàn gia súc đạt 740.000 con, đàn gia cầm đạt 3,5 triệu con. Tuy nhiên chăn nuôi quy mô nông hộ, nhỏ lẻ vẫn đang chiếm đến 60% tổng đàn và tiềm ẩn nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh. Vì vậy ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đã đẩy mạnh xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật (ATDBĐV), tiến tới xây dựng vùng ATDBĐV.

Nhiều năm nay, trang trại của gia đình ông Nguyễn Quang Tiếp, xóm 5, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) luôn duy trì nuôi khoảng 1.200 con lợn nái. Để bảo vệ đàn lợn không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời, bảo đảm đầy đủ các điều kiện về pháp lý trong quá trình chăn nuôi và tiêu thụ, gia đình ông lựa chọn giải pháp xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDBĐV.

Ông Tiếp cho biết: Năm 2011, tôi đầu tư gần 20 tỷ đồng mua 2ha đất để xây dựng chuồng trại khép kín, có hệ thống làm mát, biogas, bể lắng, bể lọc. Cùng với đó, tôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chú trọng tiêm phòng cho đàn vật nuôi, khử khuẩn chuồng trại… Do vậy, trang trại chăn nuôi lợn của gia đình tôi đã được Chi cục Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản tỉnh kiểm tra, thẩm định, cấp Giấy chứng nhận ATDBĐV đối với bệnh lở mồm long móng và bệnh dịch tả lợn. Từ đó đến nay, trang trại không phát sinh dịch bệnh, luôn đáp ứng các điều kiện chăn nuôi gia công cho Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam. 

Còn gia đình anh Trần Văn Triệu, tổ dân phố 4, phường Phố Cò (T.P Sông Công) đã đăng ký xây dựng cơ sở chăn nuôi gà ATDBĐV vào năm 2016. Anh Triệu chia sẻ: Mục tiêu gia đình tôi hướng tới là chủ động kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu tối đa chi phí phòng và điều trị bệnh, tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Vì vậy, gia đình tôi thực hiện nghiêm túc việc vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất tiêu độc khử trùng, chú trọng nguồn thức ăn sạch và dinh dưỡng hợp lý… Năm 2017, trang trại của gia đình tôi được cấp Giấy chứng nhận cơ sở ATDBĐV đối với bệnh cúm gà H5N1 và Newcastle. Từ đó đến nay, hoạt động ấp nở gia cầm của trang trại luôn ổn định, đảm bảo cung ứng gà giống chất lượng, uy tín cho thị trường.

Ngoài 2 trang trại trên, hiện toàn tỉnh có 50 cơ sở chăn nuôi khác cũng đã được công nhận ATDBĐV (20 cơ sở chăn nuôi lợn, 32 cơ sở chăn nuôi gia cầm, thủy cầm). Để có được kết quả này, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền Thông tư 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về vùng, cơ sở ATDBĐV; vận động các hộ chăn nuôi gia trại, trang trại thực hiện xây dựng cơ sở chăn nuôi bảo đảm ATDBĐV, ký cam kết chăn nuôi ATDB.

Trang trại chăn nuôi, ấp nở gia cầm của ông Nguyễn Văn Đường (thị trấn Hương Sơn, Phú Bình) là một trong số 52 cơ sở được công nhận cơ sở ATDBĐV của tỉnh.

Ngoài ra, hằng năm, Chi cục xây dựng, thực hiện thẩm định và cấp Giấy chứng nhận ATDBĐV cho các cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện; tổ chức đánh giá một lần đối với vùng, cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận và đánh giá đột xuất khi cần thiết; triển khai công tác tiêm phòng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua vắc-xin tiêm phòng cho đàn lợn, gà của các hộ chăn nuôi (đạt 80% tổng đàn gia súc, gia cầm). Cùng với đó là tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý các cơ sở chăn nuôi, cơ sở sản xuất và kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, điểm buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm, quản lý hành nghề thú y tư nhân; nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác thú y…

Tìm hiểu chúng tôi được biết, khi được cấp Giấy chứng nhận ATDBĐV, các cơ sở chăn nuôi được xem xét cấp chứng nhận đạt Quy phạm thực hành chăn nuôi tốt Việt Nam (VietGAHP) hoặc Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt Việt Nam (VietGAP) khi có yêu cầu; được ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Đối với vùng, cơ sở ATDBĐV trên cạn thì được phép vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi vùng dịch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT…

Tuy nhiên, việc khuyến khích các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn thực hiện đăng ký xây dựng tiêu chí ATDBĐV còn gặp khó, bởi: Chi phí cho công tác xét nghiệm chứng nhận và duy trì cơ sở còn khá cao (trung bình 15 triệu/năm đối với chăn nuôi gia cầm và 25 triệu/năm đối với cơ sở chăn nuôi lợn); một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chưa có vắc-xin tiêm phòng gây khó khăn cho công tác kiểm soát, khống chế dịch bệnh. Hình thức chăn nuôi chủ yếu trên địa bàn tỉnh là nhỏ lẻ, phân tán, không đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, khó áp dụng các biện pháp về chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; chưa thu hút được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất - chế biến công nghiệp, chế biến công nghệ cao…

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Thái Nguyên sẽ có ít nhất 200 cơ sở ATDBĐV, ít nhất 20 cơ sở ATDBĐV cấp xã và 2 vùng ATDBĐV cấp huyện, thời gian tới, ngành chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm khuyến khích, triển khai hiệu quả các chính sách theo quy định của Nhà nước để hỗ trợ hộ, cơ sở chăn nuôi; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, vai trò chủ động của nông hộ. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu đề xuất Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ công tác phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh.

Cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên cạn là cơ sở chăn nuôi hoặc một xã, một phường, thị trấn được xác định không xảy ra ca bệnh đăng ký an toàn dịch bệnh trong một khoảng thời gian quy định cho từng bệnh, từng loài động vật và hoạt động thú y tại cơ sở đó bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh.

Cơ sở an toàn dịch bệnh động vật thủy sản là cơ sở sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản được xác định không xảy ra ca bệnh đăng ký an toàn dịch bệnh trong một khoảng thời gian quy định cho từng bệnh, từng loài động vật thủy sản và hoạt động thú y tại cơ sở đó bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh.