Chè hữu cơ bắt đầu “lên hương”

07:25, 23/03/2022

Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, dùng phân bón hữu cơ thay thế phân vô cơ, không sử dụng thuốc diệt cỏ… là các biện pháp mà nhiều hộ trồng chè trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai khi áp dụng phương pháp sản xuất theo hướng hữu cơ. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, cân bằng lại hệ sinh thái nương chè, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Và sau một thời gian kiên trì với phương pháp sản xuất này, chè hữu cơ Thái Nguyên đã bắt đầu "lên hương", được khách hàng gần xa ưa chuộng.

Anh Ngô Viết Thuật, Giám đốc Hợp tác xã chè Thủy Thuật, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên), chia sẻ: Được sự hỗ trợ, tư vấn của Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên, từ năm 2020, chúng tôi bắt đầu sản xuất chè theo hướng hữu cơ, với quy mô 5ha. Trong năm đầu triển khai, cây chè có bị sụt giảm về sản lượng khoảng 30%, sâu bệnh gây hại cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, Hợp tác xã vẫn kiên trì thực hiện phương pháp sản xuất này. Ngoài sử dụng phân bón hữu cơ, các thành viên còn dùng vỏ cây keo, cây guột để vùi vào gốc chè nhằm tránh cỏ dại và giữ ẩm, tạo độ phì nhiêu cho đất.

Dần dà, sang năm thứ 3, cây chè đã sinh trưởng, phát triển tốt, búp mập, lá dày. Hiện, trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã tiêu thụ trên 1 tấn chè búp khô, với giá bán từ 250 nghìn đến 3 triệu đồng/kg. Điểm khác biệt rõ ràng nhất mà chính chúng tôi nhận thấy khi sản xuất chè hữu cơ là hệ sinh thái nương chè đã được cải thiện, đất đai trở nên phì nhiêu, có giun, dế sinh sôi. Ngoài ra, bà con khi phun thuốc trừ sâu sinh học cũng không phải mặc quần áo bảo hộ kín mít như trước, không lo ảnh hưởng đến sức khỏe, không khí không còn bị ô nhiễm.

Không chỉ riêng Hợp tác xã chè Thủy Thuật, trên địa bàn tỉnh hiện còn có Tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ Chính Phú, xã Phú Xuyên (Đại Từ); Tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ Khe Cốc 2, xã Tức Tranh (Phú Lương); Tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ); Tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ Tân Sơn và Tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ La Cút, xã La Bằng (Đại Từ) cũng đang sản xuất chè hữu cơ, với tổng diện tích 60ha.

Bà Đào Thị Thoi, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ Chính Phú, cho biết: Ban đầu, bà con cũng chưa mặn mà với sản xuất hữu cơ do lo ngại năng suất giảm, chi phí sản xuất cao. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền và hiểu rõ tác hại của việc ngày ngày phải tiếp xúc với phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng đến sức khỏe, bà con đã hưởng ứng tham gia. Ngoài được hỗ trợ vật tư phân bón, thuốc trừ sâu sinh học... chúng tôi còn được đào tạo để tự ủ được phân hữu cơ, thuốc xua đuổi côn trùng. Sau gần 3 năm sản xuất theo hướng hữu cơ, hầu hết bà con đều thấy được hệ sinh thái nương chè có sự thay đổi, môi trường sản xuất và môi trường sống được cải thiện, cây chè đã ổn định về năng suất và chất lượng.

Thành viên Tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ Chính Phú, xã Phú Xuyên (Đại Từ) kiểm tra sâu bệnh hại chè.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thông tin: Nhằm giúp người dân có phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện hơn với tự nhiên và môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng, từ năm 2020, Trung tâm thực hiện mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041 với quy mô 60ha. Mục tiêu của mô hình là xây dựng thành công chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm tại mỗi điểm mô hình, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, thu nhập của người sản xuất.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, để khuyến khích nông dân phát triển sản xuất chè theo hướng hữu cơ, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người trồng chè đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc đúng kỹ thuật để cây sinh trưởng tốt, có sức chống chịu và cho năng suất cao.

Chỉ tính riêng năm 2020, UBND tỉnh đã dành kinh phí hơn 2,6 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất chè hữu cơ. Cụ thể, bà con được hỗ trợ 40% kinh phí đầu tư phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu và chế phẩm sinh học cho diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ngoài ra, người trồng chè hữu cơ còn được hỗ trợ tem nhãn truy xuất nguồn gốc, túi đựng chè thân thiện với môi trường, hộp đựng sản phẩm chè khô… Dự kiến, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh sẽ có 60ha chè được cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041. Đây chính là tiền đề tạo vùng nguyên liệu sạch, ổn định cho các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu, khẳng định chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, mở rộng sản xuất và tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.

Mặc dù phương pháp hữu cơ đem lại nhiều hiệu quả, lợi ích thiết thực như: Bảo đảm sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường… nhưng hiện nay, diện tích chè cũng như các loại cây trồng khác sản xuất theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh vẫn còn khiêm tốn. Nguyên nhân là do việc phân định sản phẩm hữu cơ với sản phẩm thông thường trên thị trường vẫn chưa thực sự rõ ràng, khiến nhiều hộ nông dân chưa thực sự yên tâm khi chuyển hướng sang hướng sản xuất mới này. Chính vì vậy, theo các nhà hoạch định chính sách, cùng với việc hỗ trợ, khuyến khích phát triến sản xuất chè theo hướng hữu cơ, thời gian tới, ngành chức năng của tỉnh cần có chính sách khuyến khích bà con tăng cường quảng bá, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.