Thời gian qua, với hàng trăm đề tài được triển khai mỗi năm, phong trào nghiên cứu khoa học (NCKH) đã có sự phát triển mạnh mẽ tại các trường thành viên của Đại học Thái Nguyên. Qua đó tạo sự hứng khởi, khơi dậy niềm đam mê để các sinh viên phát huy năng lực bản thân, tạo ra những sản phẩm hữu ích phục vụ cộng đồng.
Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp hỗ trợ các trường THPT trên địa bàn tỉnh giảng dạy theo phương pháp STEM, để các em học sinh sớm làm quen với nghiên cứu khoa học, tạo tiền đề tiếp tục phát triển các đề tài khi trở thành sinh viên. |
Nhận giải Nhì Giải thưởng Sinh viên NCKH cấp trường năm 2022 với đề tài “Nghiên cứu chế tạo các cấu trúc Nano lõi/vỏ dạng thanh Au/AgNRs", sinh viên Nguyễn Thị Minh Nguyệt, lớp Sư phạm Vật lý K54, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, phấn khởi chia sẻ: Việc tham gia NCKH là tiền đề quan trọng để sau này em thực hiện tốt khóa luận tốt nghiệp. Thông qua NCKH, em có cơ hội tích lũy kinh nghiệm, học hỏi phương pháp tư duy khoa học, giải quyết vấn đề, phương pháp viết báo cáo khoa học, làm việc nhóm cũng như trình bày ý tưởng, kết quả NCKH và sự hiểu biết về các vấn đề xã hội.
Được biết, trong 2 năm học vừa qua, Nguyệt đều đạt học lực loại Giỏi và rèn luyện loại Xuất sắc. Bản thân em đã tham gia và đạt giải trong 2 kỳ Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc năm 2021 và năm 2022. Với những thành tích trong học tập, rèn luyện và NCKH, tháng 6/2021, Nguyệt vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Không chỉ với Nguyệt, để tiếp tục hỗ trợ sinh viên tham gia NCKH, trung tuần tháng 12/2022, Trường Đại học Sư phạm đã tổ chức khoá tập huấn nâng cao năng lực NCKH, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, thu hút 300 sinh viên tham gia. Tại buổi tập huấn, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chia sẻ các mô hình về NCKH sinh viên, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thành công. Tại đây, các sinh viên cũng chia sẻ nhiều ý tưởng sáng tạo trong NCKH, định hướng nghề nghiệp. Khoá tập huấn đã mang lại nhiều điều bổ ích và khơi gợi ý tưởng sáng tạo cho sinh viên Nhà trường.
Trao đổi với chúng tôi, TS. Từ Quang Tân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, nhấn mạnh: Xác định hoạt động NCKH trong sinh viên là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, phát huy tính năng động, sáng tạo của sinh viên, tạo ra tri thức, sản phẩm mới cho xã hội, Nhà trường đã đưa vào nghị quyết, đề án của Đảng ủy; kế hoạch, chiến lược phát triển về lĩnh vực NCKH cũng được Hội đồng Trường thông qua. Theo đó, mục tiêu đề ra là tạo dựng, phát huy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên, phát triển các ý tưởng sáng tạo, thiết thực, hỗ trợ sinh viên phát triển các kỹ năng mềm; kết nối các nhà tuyển dụng giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm phù hợp.
Sinh viên Nguyễn Thị Minh Nguyệt, lớp Sư phạm Vật lý K54, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên (đứng thứ 2 từ trái sang) được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong kỳ thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc lần thứ XXIII năm 2021. |
Với những giải pháp cụ thể, thiết thực, phong trào NCKH trong sinh viên của Trường Đại học Sư phạm đã có bước phát triển mạnh mẽ. Hoạt động NCKH thu hút số lượng lớn sinh viên, tỷ lệ trung bình đạt 6.1% sinh viên chính quy của Trường tham gia. Giai đoạn 2018-2022, toàn trường có 706 đề tài NCKH của sinh viên, trong đó có 500 đề tài xếp loại Xuất sắc. Nhà trường đã trao 71 giải thưởng cấp Trường. Đặc biệt, 12 sinh viên của Trường đã đạt giải thưởng NCKH sinh viên cấp Bộ, gồm: 4 giải Nhì, 5 giải Ba và 3 giải Khuyến khích.
Không riêng Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, những năm gần đây, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp cũng nổi lên với nhiều đề tài KHCN được chuyển giao thực hiện thành công. Riêng trong năm học 2021-2022, cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường đã thực hiện 425 đề tài khoa học, trong đó có 4 đề tài cấp Nhà nước, 7 đề tài cấp Bộ và 123 đề tài cấp Đại học. Trong số này, có 291 đề tài do sinh viên thực hiện. Hai năm qua, Trường đã có hơn 400 hợp đồng chuyển giao công nghệ và phục vụ sản xuất, với tổng trị giá gần 30 tỷ đồng.
Là người trực tiếp hướng dẫn sinh viên phương pháp NCKH từ nhiều năm qua, TS. Ngô Minh Tuấn, Trưởng bộ môn Chế tạo máy, Khoa Cơ khí, cho biết thêm: Trong quá trình giảng dạy, các thầy, cô giáo đều định hướng cho sinh viên những vấn đề liên quan đến thực tiễn sản xuất. Từ đó, các em đề xuất ý tưởng thực hiện. Qua đó, giáo viên là người định hướng, hướng dẫn sinh viên triển khai ý tưởng, đề tài NCKH, thực hiện báo cáo tham gia hội thảo NCKH của Trường. Thuận lợi là nhờ bên cạnh giảng dạy, hầu hết thầy cô đều tham gia NCKH, vì thế ngoài nội dung sinh viên đề xuất, qua kinh nghiệm nghiên cứu, chúng tôi đã định hướng thêm cho các em. Đặc biệt, nhiều giảng viên đã huy động nguồn lực bên ngoài - nơi các thầy, cô đang nghiên cứu, để hỗ trợ sinh viên thực hiện các đề tài NCKH.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp còn thường xuyên mời các chuyên gia của doanh nghiệp đến làm việc, nhằm cung cấp thông tin, kỹ thuật mới nhất để nâng cao trình độ cho giảng viên và sinh viên. Đông thời đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp để sinh viên tham gia thực tập, giúp các em nắm bắt được yêu cầu thực tế sản xuất.
Mới đây nhất, nhóm sinh viên của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đã giành 10 giải thưởng tại Cuộc thi Olympic Cơ học toàn quốc, gồm: môn Nguyên lý máy đạt 1 giải Nhì, 5 giải Ba và 1 giải Khuyến khích; môn Chi tiết máy đạt 2 giải Ba; 1 giải Khuyến khích. Kết quả trên càng tiếp thêm "ngọn lửa" đam mê NCKH, thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên toàn trường.
Chỉ tính riêng hai năm (2021-2022), các trường thành viên của Đại học Thái Nguyên đã thực hiện 610 nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp, trong đó có 449 nhiệm vụ cấp cơ sở và sinh viên, đã thu hút hơn 2.000 sinh viên tham gia. Từ những kiến thức, kết quả nghiên cứu đạt được, các sinh viên đam mê NCKH sẽ có cơ hội phát triển, mở rộng hơn đề tài, từ đó ứng dụng vào thực tiễn công việc sau này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin