Trải qua các giai đoạn triển khai Ðề án "Xây dựng xã hội học tập", đến nay, giáo dục nước ta đạt nhiều thành tựu đáng kể. Trong đó, nổi bật là hình thành được mô hình xã hội học tập ở cấp xã đã tạo động lực và huy động được người dân tham gia học tập.
Giờ học tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS xã Thanh Lòa (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn). |
Thời gian qua, Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Thiện Hòa (Bình Gia, Lạng Sơn) luôn chú trọng thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Thiện Hòa Lý Văn Thơ cho biết, ngay từ đầu năm học, trường rà soát những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt như: Con hộ nghèo, mồ côi, con gia đình chính sách để miễn giảm các khoản đóng góp. Với những học sinh có học lực yếu kém, trường mở các lớp phụ đạo, học thêm miễn phí; khen thưởng, hỗ trợ học sinh giỏi; tặng quà, động viên học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Từ năm 2019 đến nay, thông qua các nguồn quỹ, trường đã thưởng và hỗ trợ giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi 11.500.000 đồng; thưởng 45.420.000 đồng đối với học sinh khá, giỏi và đoạt giải cấp huyện…
Theo Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn Lê Kim Hòa, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của các cấp hội luôn gắn với thực hiện các cuộc vận động, phong trào trên địa bàn. Huyện có 147.149 gia đình học tập, đạt tỷ lệ 76,8%; hơn 1.500 cộng đồng học tập cấp thôn, đạt tỷ lệ 88,1%; 224 dòng họ học tập, đạt tỷ lệ 86,1%; 764 đơn vị học tập cấp xã, đạt tỷ lệ 94,6%. |
Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn, dân số đông nhưng người dân đã hình thành đức tính cần cù, ý chí tiến thủ, hiếu học, với tinh thần trách nhiệm trong công việc, cuộc sống. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An Ðoàn Hồng Vũ cho biết, hiện nay, số người trong độ tuổi 15 đến 35 biết chữ đạt tỷ lệ 99,7%; tất cả các huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu đọc, học tập của các tầng lớp nhân dân được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả; số đạt gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập vượt kế hoạch đề ra.
Phong trào học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, kỹ năng nghề trong lực lượng lao động được quan tâm; 76% lao động nông thôn tham gia học tập, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ sản xuất tại các trung tâm học tập cộng đồng.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Ðức cho rằng, để triển khai hiệu quả phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030", thành phố tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong nền kinh tế số, xã hội số; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền thành phố; đưa nội dung xây dựng xã hội học tập vào kế hoạch hằng năm của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và xác định đó là tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm...
GS, TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ được giao, các cấp hội đã sáng tạo, phát động nhiều phong trào thi đua nhằm liên kết, phối hợp các lực lượng xã hội, cơ sở giáo dục, động viên, thúc đẩy học tập suốt đời của nhân dân và thu nhiều kết quả tốt. Ðể thực hiện hiệu quả công tác xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh học tập suốt đời, Hội Khuyến học Việt Nam xây dựng kế hoạch và phát động phong trào thi đua trong toàn hệ thống với những nội dung, tiêu chí và giải pháp cụ thể nhằm triển khai các nội dung có liên quan, tiếp tục phối hợp chặt chẽ các đơn vị thực hiện tốt các mô hình học tập như: Công dân học tập, gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập, huyện học tập, tỉnh học tập. Chỉ khi thực hiện tốt các mô hình học tập nêu trên nước ta sẽ có xã hội học tập như mong muốn.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo Ngô Thị Minh cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, vấn đề xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời hiện nay cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Nguyên nhân là do nhận thức về công tác này ở một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang chưa đúng mức. Vấn đề đặt ra, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội, từ các cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, người dân về sự cần thiết, tác động, lợi ích của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Vì vậy, tất yếu phải xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy học tập suốt đời với các tiêu chí cụ thể, phù hợp, đáp ứng sự phát triển bền vững của đất nước, của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin