Năm học mới sắp bắt đầu, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là sách giáo khoa (SGK) cho học sinh phổ thông. Những bất cập, lãng phí trong thực hiện SGK, chương trình mới là chủ đề “nóng” được bàn luận cả ở nghị trường đến ngoài xã hội.
Từ 2019 trở về trước, chương trình giáo dục phổ thông chỉ có một bộ SGK cho từng lớp. Sách hiện hành bắt đầu sử dụng từ 2002, chỉnh sửa qua từng năm nhưng cơ bản không thay đổi đáng kể. Do đó, học sinh phổ thông giai đoạn 2002-2019 có thể dùng lại sách của khóa trên.
Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới và Luật Giáo dục 2019, lần đầu tiên Việt Nam triển khai “một chương trình, nhiều bộ sách”. Bộ Giáo dục và Đào tạo từng giải thích, đây là cách làm của các nước có nền giáo dục phát triển, đa dạng hóa cách tiếp cận chương trình, thu hút nhiều người tài tham gia viết sách.
Từ đó tới nay, mỗi năm các nhà xuất bản cho “ra lò” hàng trăm bộ SGK cho các cấp học. Các bộ SGK liên tục được thay thế, bổ sung để theo kịp chương trình mới và đặc biệt là những cuốn thuộc dạng bài tập, tham khảo có “tuổi thọ” chỉ một năm đã gây lãng phí lớn nguồn lực của xã hội.
Liên quan đến việc biên soạn SGK mới, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đánh giá: Qua công tác giám sát cho thấy, việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định SGK còn nhiều bất cập; quy định về lựa chọn SGK chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương. Đáng lưu ý, giá bộ SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tăng gấp 2-4 lần so với trước. Số đầu SGK tăng, tình trạng bán SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo dẫn đến tăng chi phí mua sách.
Phát biểu tại phiên giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Chi phí phát hành có tỷ lệ 29 đến 29,5% đối với SGK và 35% đối với sách bài tập là chưa thật hợp lý so với mặt hàng thiết yếu có số lượng phát hành lớn và ổn định. Đồng thời đề nghị sớm ban hành phương pháp định giá SGK, định giá tối đa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian; nghiên cứu giảm tỷ lệ chiết khấu đến mức hợp lý để giảm giá SGK theo yêu cầu của Luật Giá (sửa đổi).
Đoàn giám sát của Quốc hội cũng cho rằng, việc không tổ chức biên soạn được bộ SGK của Nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa như hiện nay là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội đã phân tích rõ tinh thần của Nghị quyết số 88/2014/QH13 là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức biên soạn một bộ SGK đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12. Các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn SGK, một hoặc một số đầu sách theo khả năng, không nhất thiết phải biên soạn đầy đủ một bộ SGK. Chủ trương xã hội hóa là cần thiết nhưng vẫn phải bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin