Thái Nguyên hiện có 686 trường mầm non, phổ thông, trong đó có 248 trường mầm non, 210 trường tiểu học, 192 trường THCS, 36 trường THPT; số trường công lập là 647, trường ngoài công lập là 39 trường. Tổng số học sinh tại các trường công lập là 323.739 em, tăng 15.866 học sinh so với năm 2020. Nhằm phục vụ tốt cho công tác giảng dạy và học tập, thời gian qua, ngành Giáo dục – Đào tạo (GDĐT) tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường.
Cơ sở vật chất của Trường Tiểu học Núi Voi (Đồng Hỷ) đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi của học sinh. |
Theo ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GDĐT: Thời gian qua, ngành GDĐT đã tham mưu với UBND tỉnh và các địa phương quan tâm, bố trí kinh phí đầu tư xây mới và sửa chữa các phòng học, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Đồng thời tiến hành quy hoạch, rà soát và điều chỉnh mạng lưới trường, lớp học; sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thu gọn điểm trường trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, hằng năm, Ngành thực hiện rà soát, đánh giá khách quan, đúng thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị của các nhà trường, cơ sở giáo dục, xây dựng kế hoạch bổ sung thiết bị còn thiếu, ưu tiên các hạng mục công trình, thiết bị tối thiểu.
Đặc biệt là quan tâm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với trường mầm non, phổ thông; danh mục thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi bảo đảm đủ về số lượng, đúng về chủng loại và đạt chuẩn theo quy định.
Một trong những giải pháp được ngành GDĐT quan tâm là tập trung nguồn lực, ưu tiên bố trí ngân sách Trung ương, địa phương và nguồn vốn khác... đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm đồ dùng, thiết bị cho các trường mầm non và phổ thông theo lộ trình của Chương trình giáo dục phổ thông. Phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Song song với đó là đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư, mua sắm. Ngành còn hướng dẫn các nhà trường tăng cường bảo quản và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; có kế hoạch tổ chức kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo khai thác và sử dụng đạt hiệu quả.
Với nhiều nỗ lực của Ngành và địa phương, cộng với sự hỗ trợ tích cực từ các nguồn lực xã hội, đến nay, mạng lưới trường, lớp các cấp học trên địa bàn tỉnh được củng cố, phát triển, có cơ cấu hợp lý, đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh.
Các trường học đã cơ bản đủ lớp học, với cơ ngơi khang trang, khuôn viên sạch, đẹp. Chị Đặng Thị Lư, xóm Cầu Đá, xã Trung Lương (Định Hóa), cho biết: Các con, cháu tôi được học tập trong ngôi trường sạch, đẹp, đầy đủ trang thiết bị. Tôi cũng như nhiều phụ huynh khác rất vui, động viên con, cháu tích cực hoc tập để đạt kết quả tốt nhất.
Chỉ riêng 2 năm qua, toàn tỉnh đã đầu tư trên 1.770 tỷ đồng xây mới 1.149 phòng học, 631 phòng chức năng và các công trình phụ trợ; sửa chữa 1.616 phòng học; 1.195 phòng chức năng, các công trình phụ trợ khác và mua sắm thiết bị, đồ dùng học tập...
Ngoài ra, tỉnh đã hoàn thành hai dự án xây dựng Trường THPT Đội Cấn (Đại Từ) và Trường THPT Tức Tranh (Phú Lương); với tổng quy mô 54 phòng học, 34 phòng chức năng, kinh phí đầu tư trên 148 tỷ đồng...
Hiện, tỷ lệ phòng học kiên cố các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông đạt 90,3% tăng 18,92% so với năm 2021.
Nhằm phục vụ tốt công giảng dạy và học tập, thời gian tới, ngành GDĐT tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng bổ sung phòng học, phòng bộ môn; mua sắm bổ sung thiết bị tối thiểu tại các trường còn thiếu. Phấn đấu đến hết năm 2025, trong các nhà trường đảm bảo mỗi lớp có 1 phòng học riêng, đủ phòng học bộ môn, phòng chức năng và các hạng mục tối thiểu; có đủ trang thiết bị tối thiểu, đồ dùng phục vụ dạy học...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin