Kỳ 2: Để xe buýt không còn là nỗi bất an

10:06, 24/06/2020

Để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trong hoạt động xe buýt công cộng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó có sự chung tay từ doanh nghiệp, tăng cường công tác quản lý Nhà nước và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.  

Đối với các loại hình xe kinh doanh vận tải, nhất là xe buýt, để đảm bảo ATGT trước hết cần sự chủ động của doanh nghiệp, trong đó có việc thắt chặt quy định tuyển chọn lái xe, kiên quyết không sử dụng lái xe nghiện ma túy, rượu bia, có dấu hiệu sử dụng bằng giả, đạo đức yếu kém. Trong công tác vận hành phải thực hiện nghiêm “3 đúng”: Đúng giờ giấc - đúng tần suất - đúng lộ trình. Hàng ngày, trung bình mỗi xe buýt hoạt động liên tục từ 5 giờ đến 20 giờ, vì vậy việc kiểm tra kỹ thuật như hệ thống phanh xe, điều hòa, cửa lên/xuống, hệ thống xả khói… cần được thực hiện kỹ lưỡng trước khi xuất bến nhằm kịp thời phát hiện, xử lý sự cố, hỏng hóc.

Ông Tân Hoàng Long, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh: Hiện nay, một số tuyến xe buýt còn chồng chéo, Ban ATGT kiến nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng liên quan rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt phù hợp theo từng giai đoạn. 

Theo ông Nguyễn Tiến Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh: Định kỳ hàng năm, mỗi doanh nghiệp đều tổ chức kiểm tra sức khỏe cho lái xe; cử người tham gia lớp tập huấn chuyên môn và các quy định pháp luật về trật tự ATGT. Các đơn vị cũng chủ động nâng cao năng lực đội ngũ lái xe, tập trung vào tuyên truyền, phổ biến, cập nhật các kiến thức pháp luật mới cũng như nâng cao trình độ nghiệp vụ. Để cải thiện chất lượng phương tiện, các đơn vị còn trang bị hệ thống thiết bị, công nghệ để hỗ trợ điều hành, giám sát lộ trình xe chạy, mở đường dây nóng, trang facebook của công ty để tiếp nhận, xử lý ý kiến phản hồi của hành khách và người dân... 

Một trong những giải pháp để kiềm chế, đẩy lùi TNGT đối với các phương tiện tham gia giao thông nói chung và xe buýt nói riêng là việc siết chặt công tác đào tạo, sát hạch lái xe, song song với việc tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm của lực lượng chức năng. Thiếu tá Chu Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh cho biết: Thời gian qua, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường xử lý các hành vi vi phạm của người điều khiển xe khách, trong đó có xe buýt trên tất cả các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, nội thành, nội thị. Lực lượng Cảnh sát Giao thông cũng phối hợp với Thanh tra giao thông tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm xe buýt vi phạm tại các bến bãi, các trạm và tuyến đường có lộ trình lưu thông để phát hiện và xử lý các lỗi là nguyên nhân dẫn đến TNGT, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc kiểm tra chất kích thích đối với nhân viên xe buýt của các doanh nghiệp. Tổ chức ký cam kết với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh xe buýt, xe khách chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự ATGT, nhất là đối với nhân viên, lái xe của các hãng xe buýt, xe khách.

Hiện, công tác quy hoạch các bến đỗ, điểm đầu, điểm cuối một số tuyến chưa hợp lý, thậm chí có tình trạng thường xuyên phải thay đổi, điều chỉnh do có nhiều đoạn đường thi công dẫn tới xáo trộn lộ trình hoạt động của các tuyến. Đơn cử như Tuyến 03: Thái Nguyên - Quân Chu, hoạt động từ tháng 02-2018, việc điều chỉnh kéo dài điểm cuối từ xã Ký Phú đến thị trấn Quân Chu (Đại Từ) trong thời gian qua không phát huy hiệu quả mà còn làm tăng số km không có khách, phương tiện thường xuyên phải sửa chữa do đường xuống cấp và liên tục phải bù lỗ. Còn tuyến 02 Yên Lãng - Gang Thép đang phục vụ người dân theo hai lộ trình, quãng đường trùng nhau ước chừng 80%, trong đó lộ trình vào khu vực Đán, nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến thấp, không hiệu quả. Tuyến 02, 03 trước kia do 2 đơn vị vận hành, nhưng hiện tại cả hai tuyến đều thuộc sự quản lý, điều hành của Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan. Do đó, cần phải quy hoạch, điều chỉnh phương án tổ chức hoạt động cũng như lộ trình tuyến, đảm bảo hoạt động hợp lý, hiệu quả, tránh sự chồng chéo, lãng phí.

Cùng với công tác quy hoạch, một trong những giải pháp được tỉnh đề ra là lắp đặt camera giám sát tại các nút giao thông. Qua đó, sẽ góp phần giám sát luồng giao thông trên các tuyến đường, kịp thời xử lý những tình huống kẹt xe gây ùn tắc. Hỗ trợ truy tìm và xử lý các trường hợp vi phạm TTATTG, TNGT; lưu lại chính xác và chi tiết thông tin của người và phương tiện tham gia giao thông, trong đó có xe buýt…

Tuy nhiên, để xe buýt trở thành phương tiện giao thông an toàn, thân thiện, bên cạnh các giải pháp đồng bộ từ doanh nghiệp, các cơ quan chức năng thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ và có văn hóa khi tham gia giao thông.