Thời gian gần đây, nội ngành dịch vụ vận tải hành khách trên cả nước cũng như tỉnh Thái Nguyên có sự chuyển dịch mạnh theo hướng giảm lượng khách đi tuyến cố định, tăng lượng khách đi theo hình thức hợp đồng và dịch vụ tự phát (tạm gọi là xe chung, xe ghép). Sự chuyển dịch này đang đặt ra vấn đề lớn về công tác quản lý, nhất là với loại hình xe chung, xe ghép, đòi hỏi cơ quan chức năng thêm chế tài, tăng kiểm soát để tạo “sân chơi” công bằng giữa các loại hình vận tải.
So với cách đây 5 năm, lượng phương tiện đăng ký hoạt động tại Bến xe khách trung tâm TP. Thái Nguyên giảm 181 xe và giảm 127 chuyến/ngày. |
Xe tuyến cố định, taxi "đói" khách
Về quản lý vận tải hành khách (VTHK), Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ đã quy định cụ thể về kinh doanh và điều kiện kinh doanh VTHK bằng xe ô tô. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban hành Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, trong đó có các loại hình gồm: VTHK tuyến cố định; VTHK bằng xe buýt; VTHK bằng xe taxi; VTHK theo hợp đồng du lịch.
Theo đánh giá của Sở GTVT, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, lượng xe buýt, xe hợp đồng có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Ngược lại, loại hình VTHK tuyến cố định và xe taxi lại giảm sâu. Cụ thể, về kinh doanh VTHK bằng xe taxi, năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 2.051 xe/38 doanh nghiệp, thì đến tháng 9/2023 chỉ còn 1.351 xe/27 doanh nghiệp, giảm 700 xe, 11 doanh nghiệp.
Về kinh doanh VTHK tuyến cố định hoạt động tại Bến xe khách trung tâm TP. Thái Nguyên, năm 2018, Thái Nguyên có 117 doanh nghiệp nội và ngoại tỉnh, với 572 phương tiện đăng ký hoạt động trên 124 tuyến đi/đến 34 tỉnh, thành phố, bình quân mỗi ngày có 438 chuyến xe xuất bến.
Tuy nhiên, đến tháng 9/2023 chỉ còn 96 doanh nghiệp nội và ngoại tỉnh, với 391 xe đăng ký hoạt động trên 113 tuyến đi đến 34 tỉnh, thành phố, bình quân mỗi ngày có 311 chuyến xe xuất bến (giảm 21 doanh nghiệp, 181 phương tiện, 11 tuyến, 127 chuyến/ngày).
Ông Trịnh Văn Quyến, Phó Giám đốc Bến xe khách trung tâm TP. Thái Nguyên, thông tin: Giảm sâu nhất là tuyến Thái Nguyên - Hà Nội, năm 2018 có 117 “lốt” (tạm hiểu là 1 tuyến cố định có điểm đầu, điểm cuối được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động - P.V) và hơn 50 xe, thì hiện tại chỉ còn 22 “lốt” với 21 phương tiện.
Xe hợp đồng, xe chung, xe ghép "nở rộ"
Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh và các ngành chức năng cho thấy, doanh thu VTHK hàng năm trên địa bàn tỉnh vẫn tăng, lượng khách di chuyển cũng tăng trung bình 5-10%/năm. Cộng hưởng với việc loại hình VTHK tuyến cố định và bằng xe taxi giảm, có thể hiểu rằng, một lượng hành khách không nhỏ đã chuyển sang di chuyển bằng xe hợp đồng, xe chung, xe ghép và các loại hình khác.
Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng theo ước tính, hiện nay có hàng trăm xe chạy tuyến Thái Nguyên - Hà Nội theo dạng xe hợp đồng đặt chỗ. Khách hàng đặt chỗ qua điện thoại, app, website, mạng xã hội… và được nhà xe đón, trả tại vị trí thuận tiện nhất.
Một hình thức VTHK khác là xe chung, xe ghép cũng phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây, thu hút một lượng lớn khách hàng. Đây là dịch vụ VTHK tự phát, không nằm trong quy định tại Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT của Bộ GTVT.
Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan đã ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đưa vào vận hành loại hình dịch vụ xe hợp đồng đặt chỗ tuyến Thái Nguyên - Hà Nội, Thái Nguyên - Bắc Kạn, thu hút lượng lớn hành khách. |
Tại Thái Nguyên, xe chung, xe ghép hoạt động nhiều nhất trên tuyến Thái Nguyên - Hà Nội và kết nối TP. Thái Nguyên với các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, với hàng trăm xe.
Chị Lê Huyền Nhung, tổ 11, phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Nhiều năm nay, tôi đi xe dạng hợp đồng đặt chỗ hoặc xe chung, xe ghép vì được đón tận nhà, trả tận nơi. Cách di chuyển này vừa tiết kiệm thời gian, trong khi chi phí không cao hơn nhiều so với tổng chi phí để đi xe từ bến xe khách.
Nhiều bất cập
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực vận tải nhận định, VTHK dưới dạng xe hợp đồng đặt chỗ, xe chung, xe ghép đang đáp ứng nhu cầu xã hội, nhưng cũng làm nảy sinh một số tồn tại, bất cập. Các doanh nghiệp, nhà xe VTHK dưới dạng xe hợp đồng đặt chỗ tạo lập nhiều điểm đón, trả khách khiến “bến cóc” xuất hiện khắp nơi.
Đối với xe chung, xe ghép tự phát, nhiều phương tiện VTHK nhưng mang biển trắng, không đăng ký kinh doanh, không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình khiến cơ quan chức năng khó quản lý, gây thất thu ngân sách.
Mặt khác, hành khách đi xe chung không có bảo hiểm dẫn đến nguy cơ chịu thiệt khi có bất trắc xảy ra. Thêm vào đó, thực tế cho thấy, không ít lái xe hợp đồng đặt chỗ, xe chung, xe ghép liên tục sử dụng điện thoại trong quá trình lái xe; điều khiển xe với tốc độ cao; lạng lách trên đường...
Những lái xe khách tuyến cố định thì bức xúc cho rằng, việc khó quản lý xe ghép, xe chung gây ra sự cạnh tranh không công bằng, thiếu lành mạnh trong VTHK. Nhiều tài xế xe khách chạy tuyến cố định tại Bến xe khách trung tâm TP. Thái Nguyên nêu quan điểm: Chúng tôi mất tiền đóng phí vào bến nhưng các xe chung, xe ghép, xe hợp đồng không vào bến. Họ không mất tiền phí vào bến, đón, trả khách ở nhiều điểm khiến người dân không vào bến. Đây là sự bất cập nên đề nghị cơ quan chức năng có phương án siết chặt quản lý.
Trong 9 tháng năm 2023, Sở GTVT Thái Nguyên đã triển khai 5 quyết định kiểm tra đột xuất đối với 21 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách. Thanh tra Sở GTVT đã lập biên bản vi phạm hành chính gần 20 đơn vị, xử lý hơn 100 lượt phương tiện vận tải khách, tước giấy phép lái xe 13 trường hợp, tước phù hiệu gần 100 trường hợp. Tổng số tiền xử phạt là 286,8 triệu đồng. |
Cần giải pháp lâu dài
Trả lời về vấn đề này, ông Trần Văn Long, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết: Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp tăng cường quản lý hoạt động VTHK. Như cuối năm 2022 và tháng 8-2023, Bộ GTVT đã ban hành các văn bản chỉ đạo về tăng cường kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến”. Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến” trên địa bàn; phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch của Bộ Công an về tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh VTHK và vận tải hàng hóa bằng container.
Sở GTVT Thái Nguyên cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp VTHK trên địa bàn; chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động VTHK thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động VTHK.
“Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với bộ phận chuyên môn và các lực lượng thuộc Công an tỉnh tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến” trên địa bàn.” – Ông Trần Văn Long nhấn mạnh.
Còn theo ông Phạm Công Huấn, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh: Ban An toàn giao thông tỉnh cũng đã tăng cường tuyên truyền đến các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh VTHK trên địa bàn tỉnh.
Đối với loại hình VTHK bằng xe ghép, xe chung, ông Trần Văn Long và ông Phạm Công Huấn đều có quan điểm: Việc quản lý, kiểm tra, xử lý xe chung, xe ghép còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có các quy định cụ thể để xác định vi phạm và chế tài xử lý. Bộ GTVT đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo nghị định của Chính phủ sửa đổi một số điều của các nghị định liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; dự thảo thông tư về quản lý vận tải đường bộ, trong đó quy định chặt chẽ, cụ thể hơn trong công tác quản lý VTHK bằng xe ô tô.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin