Ngày 22-8, Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về hệ thống chỉ huy điều hành, giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Bộ Công an dự thảo các tiêu chuẩn nêu trên nhằm thống nhất đối với trung tâm giám sát, xử lý các hành vi vi phạm trong hệ thống chỉ huy điều hành, giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; kết nối các hệ thống camera giám sát của các đơn vị trong và ngoài ngành công an.
Theo đề xuất, Bộ Công an yêu cầu thiết bị camera quan sát phải ghi được hình ảnh, video mà khi phóng đại có thể nhìn rõ phương tiện, khuôn mặt người điều khiển, biển số xe ở khoảng cách tối thiểu 30m (ban ngày) và phương tiện di chuyển chậm dưới 5km.
Thiết bị camera giám sát cần đảm bảo khi hình ảnh, video phóng đại có thể nhìn rõ các hành vi như: vượt xe khi không được vượt; dừng xe, đỗ xe trái quy định; điều khiển xe máy đi ngược chiều, đi vào đường cao tốc; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông...
Trung tâm thông tin chỉ huy tại Cục Cảnh sát giao thông. Ảnh: GIA KHÁNH |
Đồng thời, dữ liệu truyền về trung tâm phải rõ nét về phương tiện, biển số, thời gian, địa điểm, dữ liệu nhận dạng biển số. Đáng chú ý, video ghi nhận hành vi vi phạm đảm bảo xác định được thời điểm trước, trong và sau khi vi phạm xảy ra.
Cũng theo dự thảo, đối với các thiết bị camera, yêu cầu phải nhận dạng được biển số của phương tiện phục vụ công tác phát hiện vi phạm, phòng chống tội phạm trên tuyến, đo đếm được lưu lượng phương tiện để phân luồng giao thông.
Đáng chú ý, Bộ Công an cũng đề xuất lắp đặt thiết bị trung gian (AI Box) nhằm tiếp nhận tín hiệu từ camera để phân tích, xử lý dữ liệu truyền về trung tâm giám sát. AI Box có khả năng nhận ra, phát hiện tối thiểu một trong các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhận dạng biển số, địa điểm xảy ra vi phạm.
Theo đề xuất của Bộ Công an, camera giao thông cần nhận diện rõ mặt người điều khiển phương tiện (ban ngày). Ảnh: GIA KHÁNH |
Để có những đề xuất trên, theo Bộ Công an, những năm qua các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh… đã tích cực ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào quản lý, điều hành giao thông. Điển hình, các địa phương đã lắp camera giao thông tại nhiều nút giao trọng điểm và truyền dữ liệu về Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của hệ thống xe buýt, phần mềm quản lý kết cấu giao thông và tiếp tục xây dựng hệ thống bản đồ kỹ thuật số, hiển thị tình trạng giao thông theo thời gian thực.
Tuy nhiên, việc triển khai giao thông thông minh hiện gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị khác nhau trong cùng địa phương, giữa các địa phương với nhau và giữa các địa phương với bộ, ngành do nền tảng công nghệ chưa tương thích.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin