Nhiệm vụ khoa học công nghệ: Chú trọng tính ứng dụng

Thu Nga 08:51, 21/02/2023

Theo số liệu từ Sở Khoa học và Công nghệ, năm 2022, Thái Nguyên có 93 nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN) thuộc các lĩnh vực: Nông lâm nghiệp; y dược; khoa học xã hội, nhân văn; khoa học tự nhiên; kỹ thuật công nghệ. Qua đánh giá cho thấy hầu hết các nhiệm vụ KHCN được triển khai đều chú trọng đến tính ứng dụng, bám sát thực tiễn, góp phần phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh kiểm tra tiến độ thực hiện dự án “Ứng dụng KHCN xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm từ cá Lóc đầu nhím (Channa sp.) tại Thái Nguyên”, đơn vị chủ trì thực hiện là Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và phát triển thủy sản - Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên).
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm từ cá Lóc đầu nhím (Channa sp.) tại Thái Nguyên”.

Một trong những dự án nổi bật thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp đó là “Ứng dụng KHCN xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm từ cá Lóc đầu nhím (Channa sp.) tại Thái Nguyên”. Đơn vị chủ trì thực hiện Dự án là Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Phát triển thủy sản - Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên). Dự án được nghiệm thu vào cuối năm 2022.

Theo đó, Dự án đã hoàn thành mô hình nuôi cá Lóc đầu nhím trong ao đất, với tỷ lệ sống khoảng 80%, khả năng sinh trưởng nhanh cùng với điều kiện nuôi với mật độ cao. Theo TS. Lê Minh Châu, Chủ nhiệm Dự án: Cá Lóc đầu nhím có thịt thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao, có khả năng chế biến thành nhiều món ăn. Đây là loại thủy sản chưa được phát triển trên địa bàn tỉnh. Sau quá trình nghiên cứu 2 năm, chúng tôi khẳng định khả năng áp dụng mô hình nuôi cá Lóc đầu nhím nuôi trong điều kiện tự nhiên trên địa bàn tỉnh là hoàn toàn khả thi. Từ đó sẽ góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước, tăng thu nhập từ nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ thủy sản, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tương tự, một số dự án khác thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp đang được triển khai có hiệu quả, như: Ứng dụng KHCN phát triển mô hình trồng cây dược liệu Cát sâm trên đất đồi kém hiệu quả tại tỉnh Thái Nguyên; Ứng dụng KHCN phát triển mô hình trồng cây dược liệu sâm Bố chính trên đất vườn rừng tại Thái Nguyên; Ứng dụng công nghệ nuôi cá Tầm Xibêri khai thác trứng thương phẩm tại tỉnh Thái Nguyên; Đánh giá khả năng thích ứng, xây dựng mô hình trình diễn cây Sacha inchi (Plukenetia Volubilis L.) tại tỉnh Thái Nguyên…

Đánh giá của cơ quan chuyên môn cho thấy, việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp đã bám sát định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh. Nội dung nghiên cứu tập trung vào đổi mới giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, kỹ thuật mới. Do vậy, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp Thái Nguyên; tạo được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mang lại giá trị kinh tế cao. 

Ngoài những dự án nông lâm nghiệp, kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn cũng đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học, hỗ trợ xây dựng, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phù hợp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Có thể kể đến nghiên cứu, như "Giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong học tập, bồi dưỡng tiếng Anh cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Thái Nguyên". Hay các nhiệm vụ KHCN trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ đã hỗ trợ phát triển sản phẩm của doanh nghiệp, tiêu biểu, như: Nghiên cứu thiết kế bộ điều khiển thông minh hệ thống điện đa nguồn ứng dụng cho các trang trại chăn nuôi tại tỉnh Thái Nguyên; Xây dựng hệ thống ảo hoá đám mây phục vụ lưu trữ dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu tỉnh Thái Nguyên…

Để nâng cao hiệu quả, tính ứng dụng của các nhiệm vụ KHCN, thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tiếp tục đề xuất, đặt hàng và lựa chọn các nhiệm vụ KHCN phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Thông qua đó, góp phần giải quyết những khó khăn trong sản xuất, đời sống của nhân dân; thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài ra, đơn vị tiếp tục tăng cường hoạt động KHCN cấp cơ sở: tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về hoạt động KHCN; phối hợp đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về KHCN (công nghệ, an toàn bức xạ hạt nhân, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng) trên địa bàn. Sở Khoa học và Công nghệ cũng sẽ tăng cường hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ KHCN khác. Đó là hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; nâng cao năng suất, chất lượng; tạo lập, quản lý và phát triển các nhãn hiệu hàng hóa... Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN tại các địa phương, đơn vị.