Ba phi hành gia của tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 15 vừa hoàn thành chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên kể từ khi được phóng vào vũ trụ và bắt đầu làm việc tại trạm Thiên Cung cuối tháng 11/2022.
Phi hành gia Phí Tuấn Long đang thao tác lắp đặt ngoài không gian. (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Thông tin từ Văn phòng Công trình hàng không vũ trụ có người lái Trung Quốc cho biết, lúc 0 giờ 16 phút ngày 10/2 (giờ địa phương), phi hành đoàn của tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 15 đã hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ của chuyến đi bộ ngoài không gian kéo dài khoảng 7 tiếng. Các phi hành gia Phí Tuấn Long và Trương Lục đã quay trở lại mô-đun thí nghiệm Vấn Thiên an toàn.
Trong chuyến đi bộ đầu tiên, phi hành đoàn Thần Châu 15, đã triển khai thuận lợi việc lắp đặt bộ máy bơm mở rộng ngoài khoang mô-đun Mộng Thiên và các nhiệm vụ khác.
Đây cũng là chuyến đi bộ đầu tiên của các phi hành gia Trung Quốc, sau khi trạm vũ trụ Thiên Cung của nước này được xây dựng xong, chính thức bước vào giai đoạn vận hành và ứng dụng. Theo kế hoạch, thời gian tới, phi hành đoàn Thần Châu 15 sẽ còn triển khai nhiều chuyến đi bộ ngoài không gian vũ trụ.
Ngoài ra, nhiệm vụ lắp đặt hàng hóa ngoài mô-đun của trạm vũ trụ cũng đã được triển khai trước đó. Các thiết bị dò hạt năng lượng, dò hình ảnh plasma tại chỗ đã được lắp đặt bên ngoài mô-đun, đã kiểm chứng được quy trình lắp đặt tải ngoài mô-đun và chức năng của các thành phần cấu tạo nên trạm vũ trụ.
Được biết, nhiệm vụ lắp đặt hàng hóa bên ngoài mô-đun trạm vũ trụ được tiến hành dựa trên sự phối hợp của bộ phận chuyển tải, khoang nén khí hàng, cánh cửa trong và ngoài cũng như cánh tay robot, từ đó có thể đưa hàng hóa từ trong ra ngoài mô-đun và ngược lại theo điều khiển của phi hành gia trong trạm vũ trụ hoặc thao tác từ dưới mặt đất.
Đây là một công nghệ cốt lõi có tính đột phá, có thể nâng cao hiệu quả trao đổi hàng hóa trong và ngoài mô-đun, giảm số lần ra ngoài không gian và lượng công việc cho phi hành đoàn.
Sau nhiều năm khởi động và thúc đẩy chương trình hàng không vũ trụ có người lái, trạm vũ trụ của Trung Quốc với tên gọi Thiên Cung đã được xây dựng xong vào cuối năm 2022, và chính thức bước vào giai đoạn khai thác và ứng dụng, với nhiều sứ mệnh quan trọng về nghiên cứu khoa học liên quan lĩnh vực hàng không vũ trụ sẽ được triển khai.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin