Nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26-4:
Thúc đẩy hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Thu Nga 09:28, 26/04/2023

Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ tích cực đẩy mạnh nhiều hoạt động có liên quan đến việc bảo hộ, xác lập, khai thác và bảo vệ; thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và tạo chuyển biến trong nhận thức, công tác phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu quét mã QR truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chè Tân Cương tại Hội nghị giới thiệu hệ thống truy xuất nguồn gốc gắn với nhận diện thương hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chè mang chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”.
Các đại biểu quét mã QR truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chè Tân Cương tại Hội nghị giới thiệu hệ thống truy xuất nguồn gốc gắn với nhận diện thương hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chè mang chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”.

Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Giá trị gia tăng mà tài sản trí tuệ mang lại cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, xã hội ngày càng cao.

Xác định rõ điều này, hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ  (KH&CN) phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn về sở hữu trí tuệ để nâng cao nhận thức cho người dân, các tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Trong năm, các cơ quan chuyên môn đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, các đơn vị tư vấn tổ chức 9 hội nghị tập huấn về sở hữu trí tuệ cho trên 800 lượt người tham gia gồm: Cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của địa phương... có liên quan đến hoạt động sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh.

Thực tế cho thấy, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ góp phần giảm thiểu tổn thất cho các nhà sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy họ phát triển sản xuất, kinh doanh hợp pháp. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả giúp cho người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn và được sử dụng các hàng hoá, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Đơn cử như Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” được cấp cho sản phẩm chè được trồng, chế biến và đóng gói tại 6 xã: Tân Cương, Phúc Xuân và Phúc Trìu, Quyết Thắng, Thịnh Đức, Phúc Hà (TP. Thái Nguyên) do Sở KH&CN quản lý. Thời gian qua, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ gia đình được cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn đã duy trì, phát huy hiệu quả việc sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” trên địa bàn. Trong đó, phải kể đến Hợp tác xã Chè Hảo Đạt, xã Tân Cương.

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã Chè Hảo Đạt, cho biết: Hợp tác xã Chè Hảo Đạt là đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè mang Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”. Thời gian qua, việc xây dựng, duy trì và phát triển sản phẩm chè mang Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý, phòng ngừa, bảo vệ, đấu tranh với các hành vi gian lận trong sử dụng nhãn hiệu sản phẩm; hạn chế được các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng nhái, hàng kém chất lượng và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác.

Theo số liệu của Cục Sở hữu trí tuệ, riêng năm 2022, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 203 đơn đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp của các tổ chức, cá nhân. Đây là cơ sở pháp lý để chủ sở hữu nhãn hiệu triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động quản lý và khai thác giá trị của tài sản trí tuệ đã được bảo hộ, góp phần nâng cao đời sống của người nông dân và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo đó, Sở KH&CN đã hướng dẫn các thủ tục thẩm định giá tài sản trí tuệ; tra cứu các thông tin về sở hữu công nghiệp; đào tạo, tập huấn về sở hữu trí tuệ; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm về sở hữu trí tuệ cho trên 50 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong tỉnh, giúp các tổ chức, cá nhân chủ động tiếp cận, sử dụng thông tin sở hữu công nghiệp cho hoạt động nghiên cứu và triển khai, tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ cũng như khai thác, thương mại hóa sản phẩm.

Qua đó giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân quản lý và khai thác tốt nguồn tài sản trí tuệ, phát huy lợi thế cạnh tranh trên thị trường; góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm đặc thù, chủ lực của địa phương; dịch chuyển từ mô hình sản xuất đơn lẻ sang sản xuất tập trung, từ sản phẩm thô sang sản phẩm có bao bì và tem nhãn; thay đổi thói quen của cộng đồng từ việc sản xuất, phát triển sản phẩm tự do thành sản xuất, kinh doanh sản phẩm được kiểm soát về nguồn gốc.

Tuy nhiên, hiện nay mức độ, hiệu quả của việc khai thác, thực thi về quyền sở hữu trí tuệ còn khiêm tốn. Đối với thương hiệu, nhãn hiệu trong nước hoặc ít nổi tiếng, công tác phối hợp giữa đại diện của chủ thể quyền còn chưa được thường xuyên. Một số nội dung hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ thực hiện chưa hiệu quả như: Thương mại hóa các sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ; khai thác thông tin sở hữu trí tuệ phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; khai thác sản phẩm bảo hộ tại các thị trường nước ngoài còn hạn chế.

Để thúc đẩy hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trong thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ đào tạo chuyên sâu cho cán bộ làm công tác sở hữu trí tuệ; hỗ trợ khai thác thông tin sở hữu trí tuệ phục vụ hoạt động nghiên cứu, triển khai và sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ triển khai các hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là hỗ trợ việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh.

Phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ, phát triển tài sản trí tuệ đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa sở hữu trí tuệ trở thành một công cụ quan trọng thúc đẩy năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trên địa bàn tỉnh.