Chiều 29-9, tại Thái Nguyên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thực hiện Quyết định 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) - ảnh. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Triển khai Đề án 06 là một nhiệm vụ quan trọng, đem lại lợi ích thiết thực
Tham gia Hội nghị có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; lãnh các bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Về phía tỉnh Thái Nguyên, tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trong cả nước. |
Là một trong những địa phương được Chính phủ giao thực hiện điểm Đề án 06, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ và linh hoạt các giải pháp với quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đến nay, Thái Nguyên có 1.023 dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Từ ngày 18-2 đến ngày 15-9, toàn tỉnh đã tiếp nhận và xử lý đúng quy định 54.621 hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công của tỉnh.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, phát biểu tại Hội nghị. |
Hiện, Thái Nguyên đang quyết liệt chỉ đạo chuẩn bị tốt các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ cho việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại cấp huyện từ ngày 15-9 và cấp xã từ ngày 1-12-2022. Cùng với đó, tỉnh đã cấp 82.388 tài khoản định danh điện tử cho công dân trên địa bàn và cấp trên 1,01 triệu căn cước công dân có gắn chip, đạt 97%...
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại Hội nghị. |
Đặc biệt, tính đến ngày 13-9, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành việc nhập hồ sơ hộ tịch trên địa bàn tỉnh, vượt chỉ tiêu được giao trước 47 ngày. Ngoài ra, việc “Xây dựng phần mềm số hóa và quản lý kết quả giải quyết thủ tục hành chính” đã được tỉnh triển khai hoàn thiện; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu sổ sức khỏe điện tử - Bộ Y tế; Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; Cơ sở dữ liệu thuế và Cơ sở dữ liệu an sinh xã hội… Qua đó từng bước hình thành hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, làm giàu dữ liệu dân cư.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng báo cáo kết quả thực hiện Đề án 06 của tỉnh. |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, cách làm đồng bộ, sáng tạo của tỉnh Thái Nguyên trong việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Việc triển khai Đề án 06 là một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả trước mắt và lâu dài. Chính vì vậy, thời gian tới Thái Nguyên và các bộ, ngành, địa phương trong cả nước cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, tuyên truyền sâu rộng để nhân dân, doanh nghiệp ủng hộ, cùng thực hiện hiệu quả Đề án này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số, phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Thái Nguyên. |
Riêng đối với tỉnh Thái Nguyên, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai điểm việc rà soát quản lý số điện thoại không rõ người dùng, loại bỏ tình trạng sim rác; đồng thời đẩy nhanh việc thực hiện kết nối đồng bộ giữa dữ liệu đất đai với dữ liệu về dân cư…
Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương đã báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ những kết quả đạt được, thuận lợi và khó khăn trong triển khai thực hiện Đề án 06. Một số khó khăn được nhiều địa phương đề cập đến như: Chất lượng đường truyền, hạ tầng internet, đường truyền phục vụ tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả cho người dân chưa ổn định; trang thiết bị phục vụ còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu công tác; nguồn nhân lực chưa có kinh nghiệm, chưa được tập huấn đào tạo sử dụng công nghệ dẫn đến việc tiếp nhận, xử lý, hướng dẫn công dân đạt hiệu quả chưa cao…
Thực hiện Đề án 06, đến nay tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả bước đầu ở cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số, như: thành lập Trung tâm Điều hành thông minh (IOC); cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện mức độ 4 trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; triển khai các ứng dụng nhằm phát triển Chính quyền số, Xã hội số như: “C-ThaiNguyen”, “ThaiNguyen ID”, Sổ tay đảng viên điện tử, khai trương mạng 5G… Những kết quả này là “chìa khóa” để Thái Nguyên đạt mục tiêu trở thành địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện Đề án 06. |
Nguyên Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin