Xác định chuyển đổi số (CĐS) sẽ tạo cơ hội bứt phá trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đưa địa phương phát triển nhanh và bền vững, Thái Nguyên là tỉnh sớm ban hành nghị quyết về Chương trình CĐS giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; trở thành địa phương đầu tiên của cả nước có Ngày CĐS (31-12 hằng năm). Với quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền, cùng sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, Chương trình CĐS của tỉnh đã tạo bước đột phá trên cả 3 trụ cột là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Hoạt động tại Trung tâm Điều hành thông minh - IOC Thái Nguyên. Ảnh TL |
Kết thúc năm 2021, Thái Nguyên được xếp vào top 10 tỉnh, thành phố đứng đầu về CĐS, với vị trí thứ 8/63, tăng 4 bậc so với năm 2020. Trong 3 trụ cột của CĐS, Thái Nguyên đứng thứ 9/63 tỉnh, thành về chính quyền số; 5/63 về kinh tế số và 8/63 về xã hội số.
Đối với chính quyền số, điểm nhấn đáng chú ý là Thái Nguyên đã sớm đưa vào sử dụng Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) với 11 nền tảng công nghệ số; ứng dụng công dân số Thái Nguyên “C-ThaiNguyen” thu hút gần 240 nghìn lượt tải và cài đặt; phát triển nền tảng xã hội số “Thai Nguyen ID” nhằm xây dựng và phát triển một hệ sinh thái trên môi trường số, lấy người dân là trung tâm, cung cấp cho người dân, doanh nghiệp những tiện ích số hữu hiệu phục vụ cuộc sống.
Bên cạnh đó, 100% thủ tục hành chính công mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, 100% cuộc họp đã được triển khai giải pháp phòng họp không giấy; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được xây dựng, kết nối từ Trung ương về tỉnh, 9 đơn vị cấp huyện và 178 đơn vị cấp xã.
Tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tính từ đầu năm tới nay đạt tới khoảng 18 tỷ USD. Toàn tỉnh có 324 doanh nghiệp công nghệ số. Tỉnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp trải nghiệm, sử dụng các nền tảng số; thí điểm đánh giá mức độ chuyển đổi số (DBI) đối với 6 doanh nghiệp; triển khai hóa đơn điện tử và thuế điện tử cho 7.314/7.314 tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, đạt tỷ lệ 100%.
Tính đến tháng 8-2022, Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên có trên 5 triệu lượt người truy cập với tổng số 2.222 sản phẩm được cập nhật trên sàn và đã được tích hợp trên phần mềm C-Thainguyen.
Về trụ cột xã hội số, kết quả nổi bật của của Thái Nguyên là việc triển khai ứng dụng Thái Nguyên-ID với hơn 71.000 tài khoản cài đặt; ứng dụng sổ sức khoẻ điện tử trong lĩnh vực y tế; thí điểm mô hình chợ 4.0 tại Hùng Sơn (Đại Từ). Triển khai xây dựng dữ liệu dùng chung ngành Giáo dục, ứng dụng du lịch thông minh, các phần mềm quản lý vận tải, hệ thống quản lý thiết bị giám sát hành trình, quản lý bến xe, quản lý tuyến cố định…
Đặc biệt, Thái Nguyên triển khai nhiều giải pháp quyết liệt trong thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, sớm hoàn thành việc số hoá dữ liệu hộ tịch trên Cơ sở dự liệu quốc gia về dân cư.
Ngày 9-10, tại chương trình trao giải thưởng Chuyển đổi số quốc gia - Vietnam Digital Awards năm 2022 (VDA 2022), tổ chức tại Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên vinh dự được tuyên dương ở hạng mục “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” với nền tảng xã hội số Thái Nguyên - ID.
Có thể khẳng định, CĐS đã và đang tạo sự đột phá và lan toả mạnh mẽ trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Thái Nguyên.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin