Với mục tiêu xây dựng chính quyền số để quản lý và phục vụ nhân dân tốt hơn, doanh nghiệp chuyển đổi số để phát triển, nhân dân chuyển đổi số để thụ hưởng nhiều lợi ích, thời gian qua, huyện Đại Từ đã tích cực triển khai thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Kết quả, năm 2022 là năm ghi nhận những chuyển biến rõ nét trong công tác chuyển đổi số ở địa phương này.
Công an xã Phục Linh nắm bắt tình hình an ninh qua hệ thống camera. |
Nhận thức rõ, việc chuyển đổi số cần phải có sự tham gia tích cực của tất cả các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương và từng cán bộ, người dân, huyện Đại Từ đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, tạo thành phong trào rộng khắp.
Theo đó, huyện ban hành, triển khai Kế hoạch chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng năm 2022 và Kế hoạch tập huấn công tác chuyển đổi số. Cùng với đó là đôn đốc các tổ công nghệ số cộng đồng tại các xã, thị trấn tuyên truyền và hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các dịch vụ, ứng dụng trên thiết bị di dộng... Trong năm, huyện đã tổ chức tập huấn cho 3.000 người là thành viên tổ công nghệ số cộng đồng và nhân dân các xã, thị trấn.
Có mặt tại Chợ trung tâm huyện Đại Từ vào những ngày cận Tết, chúng tôi thấy không khí mua bán khá tấp nập. Điều đáng nói là hơn 300 gian hàng tại chợ đều có tài khoản thanh toán, người dân mua hàng chỉ cần quét mã để thanh toán mà không cần sử dụng tiền mặt.
Chị Nguyễn Thị Thúy, chủ cửa hàng bán tạp hóa ở chợ Đại Từ, cho biết: Trước đây, khách mua hàng toàn sử dụng tiền mặt, nhưng giờ người dân hầu như đã quen với việc quét mã chuyển khoản. Việc này giúp cả người mua và người bán đều thuận tiện trong giao dịch, đặc biệt, chúng tôi cũng không còn phải khư khư đeo túi đựng tiền cả ngày, đảm bảo an toàn cho bản thân và tài sản.
Được biết, mô hình chợ 4.0 này được Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Viettel và UBND huyện Đại Từ thực hiện từ đầu năm 2022. Đây cũng là khu chợ đầu tiên của tỉnh trở thành “khu chợ số” với nền tảng Mobile money, dịch vụ cho phép người dân mua bán, chuyển tiền, thanh toán không dùng tiền mặt dễ dàng, nhanh chóng.
Đến nay, trên 70% tiểu thương tại chợ đã thực hiện thanh toán số, trên 40% giao dịch được thực hiện bằng phương thức thanh toán điện tử; 100% chợ trên địa bàn đã triển khai mô hình chợ 4.0.
Cùng với mô hình chợ 4.0, các mô hình camera giám sát đảm bảo an ninh trật tự cũng được triển khai rộng khắp trên địa bàn huyện. Đến nay, bằng nguồn xã hội hóa, toàn huyện đã lắp đặt trên 400 mắt camera giám sát tại trung tâm các xã, thị trấn, ngã ba, ngã tư, những điểm tập trung đông người…
Dữ liệu camera đã giúp lực lượng chức năng phát hiện, xử lý tốt các vấn đề phát sinh về an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn.
Ngoài ra, huyện đã triển khai thực hiện chuyển đổi số các nền tảng, ở các mặt đời sống xã hội. Đại Từ cũng là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện các hội nghị trực tuyến, triển khai thanh toán trợ cấp xã hội, lương hưu, thanh toán các dịch vụ công ích không dùng tiền mặt.
Cùng với đó, 34 hợp tác xã, làng nghề, hộ sản xuất, kinh doanh có gian hàng và thực hiện giao dịch hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội; 22 xã, thị trấn thực hiện camera giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông; tạo lập 10.000 tài khoản dịch vụ công cho công dân, khai thác và ứng dụng hiệu quả Internet trong quản lý, khám, chữa bệnh; số hóa các điểm di tích lịch sử, văn hóa; đã thực hiện 11/25 dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án 06.
Huyện Đại Từ được đánh giá là đơn vị đi đầu trong thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025. Hiện nay, 195/298 bộ thủ tục hành chính công được cung cấp trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công theo quy định; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận qua mạng đạt 56,7%...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin