Hội Liên hiệp Phụ nữ: Ứng dụng công nghệ thông tin để hoạt động hiệu quả

Thu Hà 07:44, 04/04/2023

“Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và thực hiện chuyển đổi số” được Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVII chọn là một trong hai khâu đột phá để thực hiện trong nhiệm kỳ 2021-2026. Với nhiều giải pháp, đến nay, CNTT đã được các cấp Hội ứng dụng nhuần nhuyễn trong chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền, triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ.

Hội viên Hội LHPN huyện Phú Bình tham gia cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Nghị quyết
Hội viên Hội LHPN huyện Phú Bình tham gia cuộc thi trực tuyến về tìm hiểu Nghị quyết.

Một trong những nội dung ứng dụng CNTT hiệu quả của Hội LHPN tỉnh là triển khai phần mềm quản lý cán bộ, hội viên tới các cấp Hội. Trước đây, do chủ yếu làm thủ công bằng sổ sách hoặc bảng biểu tự kẻ nên việc cập nhật các thông tin hội viên của các cấp Hội mất nhiều thời gian, khó lưu trữ và tính chính xác chưa cao. Sau khi Hội LHPN Việt Nam triển khai đưa vào sử dụng phần mềm quản lý hội viên trên toàn quốc, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức hướng dẫn cán bộ Hội các cấp khẩn trương nhập dữ liệu hội viên. Đồng thời hướng dẫn cán bộ hội cơ sở thực hành trực tiếp với phần mềm.

Đến nay, 100% hội cơ sở đã sử dụng được phần mềm quản lý cán bộ, hội viên; dữ liệu về hội viên trên địa bàn tỉnh đã được cập nhật đầy đủ, giúp việc quản lý hội viên chính xác, khoa học.

Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh cũng phối hợp với Chi nhánh Viettel Thái Nguyên xây dựng ứng dụng “Phụ nữ số Thái Nguyên” với các tính năng thiết thực như: Quản lý hồ sơ hội viên; quản lý tổ chức hội; quản lý chương trình hành động, quản lý hội thi - khảo sát; quản lý hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; quản lý thi đua - khen thưởng…

Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh cũng thực hiện tốt việc khai thác văn bản chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin trên hệ thống văn bản điện tử của UBND tỉnh; ứng dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử và chỉ đạo điều hành hoạt động trong hệ thống Hội. Qua đó, các cấp hội đã thực hiện việc gửi - nhận văn bản trên môi trường mạng, góp phần giúp cán bộ hội làm việc khoa học và hiệu quả hơn.

Hội còn phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thực hiện phòng họp số (phòng họp không giấy tờ) tại cơ quan Hội LHPN tỉnh. Hệ thống phòng họp trực tuyến này kết nối điểm cầu Hội LHPN tỉnh với hội LHPN 9/9 huyện, thành; kết nối các cuộc họp truyền hình trực tuyến với Trung ương, tỉnh...

Bên cạnh chú trọng xây dựng hạ tầng số, Hội cũng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ hội các cấp về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số; tập huấn, hướng dẫn hội viên, phụ nữ sử dụng hiệu quả các ứng dụng trực tuyến; sử dụng mạng xã hội thông minh... Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội thành lập trang Facebook, nhóm Zalo và duy trì hiệu quả các tài khoản, chuyên trang trên mạng xã hội.

Theo đó, Trang thông tin điện tử của Hội LHPN tỉnh đã thu hút hơn 700 nghìn lượt truy cập; Fanpage Phụ nữ Thái Nguyên thu hút hơn 1.500 lượt thích, 2.500 người theo dõi; mỗi tháng trung bình có trên 10.000 người tiếp cận…

Chị Dương Thanh Luyến, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đại Từ, cho biết: Thông qua ứng dụng CNTT, mạng xã hội, các hoạt động của Huyện hội được triển khai nhanh chóng, kịp thời hơn. Các cấp hội của huyện Đại Từ đã khai thác, sử dụng hiệu quả tính năng mạng xã hội Facebook, Zalo, lập các nhóm để cán bộ, hội viên tìm kiếm, chia sẻ bài viết về các hoạt động, chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ. Từ đó giúp hội viên dễ dàng tiếp cận những thông tin hữu ích, để các phong trào chung của Hội có sức lan tỏa hơn đến toàn thể chị em…

Theo đánh giá của Hội LHPN tỉnh, thông qua các trang Facebook, nhóm Zalo, các cấp hội trên địa bàn đã chủ động tuyên truyền hoạt động; thường xuyên cập nhật, chia sẻ thông tin nhanh nhất về các mô hình hay, cách làm hiệu quả… Mặt khác, việc thành lập các nhóm Zalo trong hệ thống hội đã tạo sự kết nối, tương tác giữa các cấp hội, giữa tổ chức hội với hội viên và là cánh tay nối dài của tổ chức hội trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nắm bắt dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ…

Bà Trần Kim Dung, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: Ứng dụng CNTT, khai thác các nền tảng trực tuyến đã trở thành công cụ hữu hiệu, đa dạng kênh tập hợp phụ nữ, thực hiện tốt công tác tuyên truyền các hoạt động của Hội, vấn đề xã hội quan tâm… Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.