Thái Nguyên có 1.116 di tích lịch sử văn hoá, trong đó, 1 di tích quốc gia đặc biệt, 55 di tích đã được xếp hạng là di tích quốc gia, 224 di tích cấp tỉnh. Nhận thức sâu sắc nguồn tài nguyên vô giá đó, với sức trẻ và sự sáng tạo, các cấp bộ đoàn trên địa bàn tỉnh đã chủ động đẩy mạnh việc số hóa các di tích nhằm góp phần bảo tồn nét đẹp văn hoá, lịch sử.
Đoàn Thanh niên xã Văn Hán (Đồng Hỷ) số hoá Di tích lịch sử đình Thịnh Đức. |
Đền Đình Cả (thị trấn Đình Cả, Võ Nhai) được xây dựng vào năm 1920, là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Đền Đình Cả thờ nhân thần là Đức thánh Trần Hưng Đạo và thiên thần anh linh biến hóa là Ngọc nữ Quỳnh Hoa tiên chúa (Mẫu Liễu Hạnh). Hằng năm, vào ngày 25 tháng Giêng Âm lịch, cộng đồng dân cư trong vùng tổ chức lễ hội khai Xuân thể hiện sự tri ân công đức của các vị được thờ trong đền và nhằm cầu an, cầu mùa, cầu lộc, cầu tài.
Để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị Di tích đền Đình Cả, Đoàn Thanh niên thị trấn đã xây dựng công trình thanh niên điểm quét mã QR, nhằm tuyên truyền, giới thiệu Di tích tới đông đảo đoàn viên, thanh niên và nhân dân.
Chị Hà Thị Thắm, Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Đình Cả, nói: Chỉ cần thao tác quét mã QR đơn giản, khách du lịch sẽ có được những thông tin đầy đủ, chi tiết về di tích lịch sử. Sản phẩm được xây dựng dưới dạng một trang thông tin bao gồm: Thông tin giới thiệu về Di tích; hệ thống thờ phụng; những ngày lễ chính; hình ảnh khuôn viên Di tích; định vị vị trí của đền trên bản đồ. Việc quét mã QR góp phần giúp nhân dân, du khách thập phương cũng như đoàn viên, thanh niên nắm bắt nhanh chóng, đầy đủ thông tin về Di tích.
Với mục tiêu góp phần tuyên truyền, quảng bá du lịch địa phương, Huyện đoàn Định Hoá cũng đã triển khai thực hiện công trình thanh niên mã QR tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa, địa chỉ đỏ trên địa bàn.
Anh Lương Văn Huân, Phó Bí thư Huyện đoàn Định Hoá, cho hay: Đầu năm nay, Huyện đoàn đã số hoá Di tích Đền thờ Bác Hồ và đồi Tỉn Keo. Mỗi điểm di tích được gắn các mã QR tích hợp liên kết với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo nhằm nâng cao tính phổ biến và thuận tiện tham quan, trải nghiệm cho du khách.
Em Ma Thị Ngọc Hà, lớp 8A, Trường THCS Chợ Chu (Định Hoá), chia sẻ: Ứng dụng quét QR tại địa chỉ đỏ giúp chúng em tìm hiểu văn hóa, lịch sử truyền thống một cách dễ dàng, thuận tiện nhất; góp phần giáo dục truyền thống lịch sử hào hùng, tinh thần cách mạng của địa phương cho thế hệ trẻ.
Ứng dụng quét mã QR tại các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ là sự sáng tạo trong công tác quảng bá điểm đến, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực; cho phép du khách tiếp nhận thông tin một cách đầy đủ nhất, tiện lợi nhất và bảo đảm tính chính xác...
Anh Nguyễn Lê Hoàng, chuyên viên Ban Phong trào Tỉnh đoàn, cho biết: Tự hào và tiếp nối giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước, tuổi trẻ Thái Nguyên luôn nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và phát huy. Trong đó, việc số hoá các di tích tại địa phương đang được các cấp bộ đoàn thúc đẩy thực hiện. Tính đến nay, mỗi xã đều có từ 1 đến 2 địa điểm di tích lịch sử được đoàn thanh niên số hoá.
Tuy nhiên hiện nay, công nghệ trong số hóa các di tích vẫn còn hạn chế, chưa tích hợp được nhiều tính năng mà chỉ có thông tin cơ bản. Thời gian tới, Tỉnh đoàn triển khai nhiều giải pháp để tích hợp nhiều tính năng hơn trong các mã QR. Cùng với việc số hoá các di tích, các cấp bộ đoàn trên địa bàn tỉnh cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về văn hóa truyền thống cho thanh niên. Giúp đoàn viên, thanh niên thấy được những cái hay, cái đẹp, những giá trị nhân văn sâu sắc của văn hóa truyền thống; từ đó nâng lên thành niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, quyết tâm hành động của tuổi trẻ trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin