
Nhằm giúp người nông dân trên vùng đất chiến khu xưa xóa đói giảm nghèo, Trung tâm khuyến nông Thái Nguyên đã thực hiện dự án Khuyến công “cơ giới hóa làm đất” tại xã Phúc Chu và Định Biên (Định Hóa). Với dự án này, người nông dân được hỗ trợ mua thiết bị máy cơ khí nhỏ và được tập huấn kỹ thuật sử dụng vận hành máy để phục vụ sản xuất. Đến nay dự án đã bước đầu mang lại hiệu quả.
Mỗi năm, Định Hóa gieo trồng khoảng 9 nghìn ha lúa và hoa màu các loại nhưng bà con nông dân chủ yếu làm đất bằng sức kéo trâu, bò. Do đó, phải mất nhiều sức lao động, thời vụ gieo trồng bị kéo dài. Để giúp nông dân tiết kiệm chi phí đầu vào, tạo ra chất lượng sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn, đồng thời thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, cơ khí hóa nông nghiệp, nông thôn, tháng 4/2008 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Định Hóa triển khai Dự án Khuyến công “Cơ giới hoá làm đất” tại 2 xã Phúc Chu và Định Biên với 11 hộ tham gia.
Để đạt được hiệu quả khi thực hiện Dự án, Trạm Khuyến nông huyện đã thành lập Ban quản lý dự án, cử cán bộ chuyên môn phối hợp với UBND 2 xã tổ chức điều tra, khảo sát địa điểm (thuận tiện đường đi, đất ruộng có thể dùng máy cày, bừa được, mặt ruộng phải bằng phẳng) chọn các hộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia (có đủ kinh phí đối ứng, có diện tích đất ruộng từ 8 sào đến 1 mẫu, có lao động để sử dụng máy). Bên cạnh đó, Trạm còn mở lớp tập huấn kỹ thuật sử dụng, vận hành, bảo quản máy cày, máy bừa có động cơ cho các hộ tham gia và tổ chức cung cấp, lắp đặt hoàn chỉnh thiết bị cho từng hộ. Mỗi hộ tham gia Dự án được Nhà nước hỗ trợ 75% tiền mua vật tư thiết bị máy cơ khí nhỏ (máy cày, máy bừa có động cơ), còn lại 25% là tiền đối ứng của các hộ. Tổng kinh phí của Dự án là 146.275.000 đồng (bao gồm: 11 bộ máy làm đất đồng bộ, tập huấn kỹ thuật, tham quan hội thảo, quản lý kiểm tra…).
Do nắm bắt được quy trình sử dụng, vận hành máy, được thăm quan trao đổi học hỏi kinh nghiệm cùng với ý thức trách nhiệm cao của các hộ khi tham gia nên sau 8 tháng thực hiện, Dự án bước đầu có hiệu quả. Anh Hà Quang Dầu, cán bộ phụ trách Khuyến công của Trạm Khuyến nông huyện Định Hoá đưa ra con số so sánh giữa 2 hộ nông dân sử dụng sức kéo khác nhau nhưng trên cùng một đơn vị diện tích giống nhau ở xóm Đồng Kè, xã Phúc Chu như sau: “Hộ gia đình anh Tống Trung Thông sử dụng sức kéo bằng trâu để cày và bừa cho 3.600m2 (1 mẫu) ruộng. Qua một vụ, gia đình anh phải mất 1.360.000 đồng để chi phí cho các khoản: 12 công cày, bừa; 12 công chăn trâu; bồi dưỡng thức ăn cho trâu; khấu hao cày, bừa và khấu hao chuồng trại. Nếu thuê cày, bừa cho 1 mẫu ruộng của gia đình, anh phải mất 1.300.000 đồng. Còn hộ anh Nguyễn Văn Tiến sử dụng máy cày, bừa có động cơ một vụ chỉ mất 600.000 đồng chi phí cho các khoản: 4 công cày, bừa; khấu hao máy và thiết bị vật tư; mua dầu Diezen chạy máy và sửa chữa nhỏ.
Như vậy, hai gia đình có diện tích đất canh tác bằng nhau nhưng một hộ sử dụng máy cày, bừa có động cơ (tham gia Dự án) chi phí cho sản xuất sẽ giảm được khoảng 760.000đồng/1 vụ so với hộ gia đình sử dụng sức kéo bằng trâu, bò. Như vậy 1 năm, 11 hộ tham gia Dự án sẽ tiết kiệm được 16.720.000 đồng”. Trao đổi thêm với anh Nguyễn Văn Tiến, xóm Đồng Kè, xã Phúc Chu chúng tôi được biết: Ngoài phục vụ cày, bừa cho 1 mẫu ruộng của gia đình, vụ mùa vừa qua, anh còn cày, bừa thuê được khoảng 3 mẫu ruộng (30 sào), bình quân tiền công cho mỗi sào cả cày, bừa là 120.000 đồng. Trừ tiền mua dầu chạy máy, sửa chữa nhỏ số tiền anh thu thêm được là 3 triệu đồng.
Có thể khẳng định, đây là Dự án phù hợp với một huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Định Hóa. Hơn nữa, mua một con trâu trưởng thành mất khoảng 7 đến 8 triệu đồng, nhưng tính rủi ro cao (bệnh tật, chết rét) và mất công chăn dắt. Còn mua một bộ máy cày, bừa có động cơ, chi phí ban đầu cao hơn (trên 14 triệu đồng một bộ) nhưng sẽ được lâu dài, không mất sức lao động. Bên cạnh đó, Dự án còn góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp- nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Đảng và Nhà nước.