Thứ 4, 07/05/2025, 22:56

Bài học từ một mô hình chăn nuôi ‘đầu voi đuôi chuột’

15:32, 15/02/2009

Phương án xây dựng ô mẫu “Chăn nuôi bò nhốt kết hợp với chăn thả hộ gia đình” giai đoạn 2005-2010 được coi là một trong những giải pháp thực hiện định hướng phát triển chăn nuôi của huyện Đại Từ, nên được các cấp, ngành chức năng của huyện đầu tư không ít công sức để thực hiện. Thế nhưng phương án đã “nửa đường đứt gánh” bởi không phát huy được hiệu quả như mong đợi, thậm chí còn đè lên vai người nông dân những món nợ khó trả.

 Đành rằng, sự thành, bại trong việc xây dựng ô mẫu là chuyện bình thường, song trong bài viết này chúng tôi vẫn muốn thêm một lần nữa phân tích, đánh giá sự thất bại với hy vọng các địa phương khi xây dựng các mô hình, ô mẫu phát triển kinh tế cần cẩn trọng hơn để tránh tối đa những thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước và những người nông dân vẫn còn lam lũ trong nghèo khó.

 

Nhớ lại những ngày đầu năm 2006, chúng tôi cùng với cán bộ Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Đại Từ vào thăm một số mô hình chăn nuôi bò nhốt của một số hộ dân ở các xã Bình Thuận, Hùng Sơn. Lúc đó chúng tôi đã bắt gặp những gương mặt phấn khởi, tràn đầy hy vọng của những chủ hộ khi dẫn chúng tôi ra thăm chuồng trại được xây dựng quy củ, đàn bò béo núc, lông vàng óng đang nhởn nhơ nhai cỏ trên máng ăn; những diện tích đất trước kia bỏ trống đã được các gia định tận dụng trồng cỏ voi, cỏ ghi nê xanh để nuôi bò. 29 hộ nông dân ở 4 xã (Hùng Sơn, Bình Thuận, Khôi Kỳ, Bản Ngoại) tham gia thực hiện phương án đều hy vọng từ mô hình nuôi bò nhốt kết hợp chăn thả sẽ làm cho kinh tế của gia đình được khấm khá hơn, thoát đói nghèo; từ mô hình này sẽ được nhân ra diện rộng trong toàn huyện, tạo nên một thị phần hàng hoá ổn định cung cấp cho thị trường tiêu thụ. Để phương án có tính khả thi cao, huyện Đại Từ đã thành lập Ban điều hành phương án; tiến hành các bước điều tra chọn hộ, tổ chức đi tham quan học tập mô hình ở Tuyên Quang, Ba Vì; tập huấn cho các hộ nông dân về kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc bò nhốt, trồng cỏ và chế biến thức ăn dự dữ cho đàn bò; phối hợp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội lập hồ sơ vay vốn; UBND huyện đã cấp kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp hỗ trợ xây dựng mô hình như: mua bò đực giống lai sind, chuyển giao KHKT…

 

Thế nhưng, đến tháng 12/2008, khi phương án mới đi được quá nửa chặng đường thì UBND huyện đã phải đề nghị HĐND huyện xem xét để kết thúc việc triển khai phương án “chăn nuôi bò nhốt kết hợp với chăn thả hộ gia đình” giai đoạn 2005-2010. Bởi vì sau 3 năm triển khai, phương án  đã không đạt được các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Các chỉ tiêu về hộ chăn nuôi, tổng đàn, diện tích cỏ… ngày càng giảm mạnh. Xin đơn cử về tổng đàn: Khi bắt đầu thực hiện phương án (tháng 8/2005) tổng đàn bò ở 4 xã là 93 con, đến tháng 12/2005 tăng lên 259 con, đạt 55,7% kế hoạch năm; đến tháng 12/2006 tăng lên 288 con, đạt 28,1% so với kế hoạch năm; đến tháng 12/2007 giảm còn 145 con, đạt 9,5% so với kế hoạch; đến tháng 8/2008, còn 103 con, đạt 6,1% năm và bằng 4,36% so với kế hoạch đến năm 2010...

 

Vậy nguyên nhân do đâu? Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được biết một loạt các nguyên nhân khách quan, chủ quan như: Do dịch lở mồm long móng ảnh hưởng tới tâm lý người chăn nuôi; trong huyện còn ít các cơ sở sản xuất con giống bò có chất lượng tốt mà chủ yếu là đi mua, gom tại các hộ nông dân chăn nuôi, nên chất lượng giống không ổn định, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, phát triển và khả năng tăng đàn bò trong những năm tiếp theo; giá giống bò mua vào cao, trong khi giá bò thịt lại giảm mạnh; do diện tích đất nông nghiệp bình quân trên đầu người thấp (729m2/người); do các hộ nông dân không chủ động dành quỹ đất để trồng cỏ, nên trong mùa đông bò bị thiếu thức ăn trầm trọng, nhiều hộ đã phải bán bò với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá mua vào. Cùng với đó, các hộ nông dân tham gia chưa thực sự nhiệt tình, kiên trì với mô hình; nông dân còn gặp nhiều khó khăn về vốn; việc lựa chọn, tư vấn về chất lượng giống bò cho các hộ nông dân còn hạn chế; việc lựa chọn hộ tham gia không đảm bảo đủ tiêu chuẩn…

 

Chúng tôi xin không bình luận nhiều về những nguyên nhân, nhưng có lẽ ai đọc cũng sẽ hiểu có nhiều nguyên nhân hoàn toàn nằm trong khả năng dự tính, dự báo của các cấp, ngành chức năng để có giải pháp tháo gỡ… Vậy mà vẫn cứ để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”! Và thiệt hại chắc hẳn nhiều phía phải chịu.