Chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Nghinh Tường

09:19, 25/06/2010

Là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Võ Nhai, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 33,6%, diện tích đất nông nghiệp ít, nguồn nước phục vụ sản xuất lại khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nghinh Tường đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện địa  phương...

 

Có dịp về công tác tại xã Nghinh Tường. Điều khiến chúng tôi thích thú nhất là được ngắm nhìn những cánh đồng lúa tốt tươi trải rộng từ Bản Nưa, qua Bản Chang đến Bản Cái đang chuẩn bị cho thu hoạch. Ông Hà Ngọc Lân, Trưởng xóm Bản Nưa, nói với chúng tôi: Trước kia, người dân trong bản chỉ cấy được một vụ mùa vì nước tưới tiêu cho ruộng lúa phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Vào mùa khô hạn, những chân ruộng cao trồng cây hoa màu còn khó huống hồ là cấy lúa. Giờ đây, nhờ được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng đập Kim Mang cùng với hệ thống kênh mương dẫn nước kiên cố, người dân trong bản đã cấy được 2 vụ lúa trong năm. Diện tích lúa vụ mùa năm nay của bản đã tăng gấp đôi từ 10ha lên 20ha. Được biết, đập Kim Mang cùng hệ thống kênh mương dẫn nước dài khoảng 4km được hoàn thành năm 2009, với tổng số vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Công trình hiện đã đã đáp ứng được nhu cầu nước tưới cho các cánh đồng ở Bản Nưa, Bản Cái và Bản Chang.

 

Đi thăm các cánh đồng ở Bản Nưa, Bản Cái, chúng tôi không còn thấy ruộng bị bỏ hoang mà thay vào đó là những đám ruộng lúa, ngô, khoai, lạc tốt tươi. Những người nông dân ở Bản Cái, một bản nghèo của xã trước đây, cũng rất phấn khởi vì năm nay đã chủ động được nguồn nước cho 2 vụ lúa. Từ nay, bà con không còn phải lo thiếu gạo. Chị Ma Thị Lụa hồ hởi cho biết: Từ khi có đập nước, ruộng của gia đình chị chủ động được nguồn nước tưới, không những có gạo đủ ăn mà còn trồng được các loại cây lương thực khác phục vụ cho việc chăn nuôi. Còn ông Nông Văn Hán, cũng vui ra mặt. Ông cho hay: Chưa bao giờ người dân ở Bản Cái lại cấy được diện tích lúa nhiều như năm nay. Trước kia, người dân ở trong bản cấy được một vụ lúa còn khó. Nay nhờ có đập nước, mương mới xây, bà con đã đưa nước về tận ruộng, không còn phải trông chờ vào thiên nhiên.

 

Ngoài sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân, Đảng bộ và chính quyền xã cũng xác định: Diện tích đất đai chủ yếu là đất đồi núi, đất canh tác nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất ít (chỉ 1,7%). Để đảm bảo nhu cầu lương thực cho người dân, Đảng bộ xã đã ra nghị quyết, ngoài việc phát huy thế mạnh về kinh tế đồi rừng, xã cần tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, đưa các loại giống mới có năng suất cao, phù hợp với điều kiện của địa phương; mạnh dạn ứng dụng các thành tựu của khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Kỹ thuật làm đất, bón phân sao cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây trồng. Đặc biệt kể từ khi chủ động được nguồn nước cho đồng ruộng, bà con đã chú trọng đưa các loại giống mới cho năng năng suất cao, đề kháng bệnh tốt như: giống lúa VL 20, Lai F1, Nàng Hương, Nhị ưu 838; các giống ngô lai NK66, NK99... Bà con cũng đã tận dụng mọi diện tích đất có thể canh tác được để thâm canh tăng vụ. Những chân ruộng cao mà không dẫn được nước từ mương về, bà con đã đầu tư máy bơm để bơm nước từ suối lên đồng ruộng. Nhờ thực hiện đúng kỹ thuật, năng suất lúa vụ xuân của xã năm nay đạt từ 2,5-3 tạ/sào, tăng gần 1 tạ/sào so với năm 2006.

 

Theo ông Hà Chiến Thuật, Chủ tịch UBND xã Nghinh Tường thì: Những năm qua, xã  được tỉnh đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi, đặc biệt là đập Kim Mang và hệ thống kênh mương dẫn nước ở Bản Nưa, bà con không phải dùng Kọn để đưa nước về ruộng như trước nữa. Nhớ lại 5 năm trở về trước, ông cho hay: Năm 2005, diện tích lúa xuân của xã mới chỉ có khoảng 40 ha, diện tích ngô chỉ có 20ha. Vụ xuân thường bị bỏ hoang do không chủ động được nguồn nước. Đến nay, nhờ có đập Kim Mang, xây dựng được gần 4km kênh mương, cơ cấu mùa vụ thay đổi từ 1 vụ lên 2 vụ, thậm chí có thể thâm canh được 3 vụ/năm. Năm 2010, diện tích lúa xuân đã tăng lên 65 ha, diện tích ngô tăng lên 50 ha, nâng tổng sản lượng lương thực có hạt hằng năm tăng từ 965 tấn năm 2006 lên 1.300 tấn năm 2009;  bình quân lương thực đầu người tăng từ 285kg năm 2006 lên 448kg năm 2009. An ninh lương thực của xã cơ bản ổn định. Đời sống của người dân từng bước được nâng lên.

 

Với những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nghinh Tường, chúng tôi tin chắc rằng, trong tương lai không xa, bộ mặt nông thôn của xã sẽ có nhiều thay đổi.