Nỗi niềm người trồng quế ở Kim Sơn

07:22, 30/06/2010

Hơn 10 năm trước, đồng bào dân tộc Dao xóm 4 Kim Tân, xã Kim Sơn (Định Hóa) phấn khởi khi sở hữu gần 100ha quế xanh ngút ngàn trên các quả đồi, sườn núi. Quế trở thành cây trồng phủ xanh đất trống và mang theo những hy vọng thoát nghèo cho người dân.

 

Thế nhưng, đến nay vùng quế lớn nhất của Định Hóa này chỉ còn gần 20ha. Bà con nơi dây đang dần phá bỏ cây quế để thay thế bằng những cây trồng khác do giá bán thấp và khó trong khâu tiêu thụ.

 

Dẫn chúng tôi đi thăm rừng quế đã gần 20 năm tuổi, bà Lý Thị Khuyên không khỏi chua xót với những cây quế do tự tay mình chặt bỏ. Khắp khu vườn là những đống cành và thân cây cả cũ lẫn mới. “Biết là tiếc nhưng vẫn phải chặt bỏ bởi giá quế bây giờ thấp lắm”. Gia đình bà Khuyên có 1,5 ha quế nhưng hiện chỉ còn 0,5ha, sắp tới bà dự định sẽ khai thác nốt để chuyển sang trồng các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn. Theo tính toán của bà Khuyên: Với giá bán 4 nghìn đồng/kg vỏ tươi hiện nay, trung bình một cây quế sẽ có giá từ 100 đến 120 nghìn đồng. 1ha quế với khoảng 700 cây có giá trị khoảng 70 đến 75 triệu đồng. Tính tổng trị giá có vẻ lớn nhưng để được thu hoạch cây quế phải mất từ 12 đến 15 năm sinh trưởng, trừ chi phí chăm sóc, tiền công bóc vỏ thì thu về không đáng kể. Ông Dương Quang Sơn có hơn 4ha quế, là một trong 2 gia đình có diện tích quế lớn nhất ở xóm 4 Kim Tân. Hiện gia đình ông đã khai thác phần lớn diện tích và chỉ còn gần 1ha. Ông cho biết: Khó khăn nhất với người trồng quế của xóm là khâu tiêu thụ. Cả khu vực chỉ có một thương lái đứng ra thu mua nên người dân thường xuyên bị ép giá. “Không muốn bán với giá rẻ nhưng quế đã đến tuổi khai thác, không lớn thêm nhiều nữa, thậm chí một số cây còn bị chết khô, cứ để như vậy cũng không được” ông Sơn chia sẻ. Để tìm đầu ra cho cây quế, ông đã lên tận Bắc Kạn, Cao Bằng và các tỉnh lận cận để liên hệ với khách hàng nhưng đều không hiệu quả. Do vậy, ông quyết định phá bỏ diện tích quế để trồng cây keo giống mới.

 

Ngược thời gian, năm 1992 xóm 4 Kim Tân được huyện chọn trồng thí điểm 6ha quế theo Dự án 352 của UNISEF (Chương trình về tái định cư). Để triển khai được 6ha quế thí điểm này là cả nỗ lực của cán bộ xã khi ấy bởi bà con nơi đây chỉ quen với cây sắn, bắp ngô cho thu hoạch chỉ trong vài ba tháng trong khi cây quế phải sau 12 đến 15 năm mới cho thu hoạch. Được Nhà nước cung cấp giống và hỗ trợ tiền chăm sóc, đến năm 1996 diện tích quế của xóm 4 Kim Tâm đã tăng lên gần 100ha với 40 hộ tham gia trồng. Xóm trở thành vùng quế nguyên liệu lớn nhất của huyện Định Hóa. Cây quế cũng trở thành cây trồng mang tới hy vọng “xóa đói giảm nghèo” cho bà con. Thế nhưng từ năm 2007 trở lại đây, khi cây quế đã đến tuổi khai thác thì giá vỏ quế liên tục giảm sút.

 

Ông Lý Xuân Thảo, Trưởng xóm 4 cho hay: “có thời điểm giá quế không được 3 nghìn đồng/kg vỏ tươi, nhiều người mong bán, chỉ một người mua nên chuyện bị tư thương ép giá cũng là điều dễ hiểu”. Giá quế rẻ, nên người dân không khai thác theo hình thức nhiều lần để cây sinh trưởng ra vỏ mới mà khai thác tất cả một lần rồi chặt cây. Toàn bộ diện tích quế chặt bỏ đã được người dân trồng thay thế bằng cây mỡ và keo lai. Ông Thảo cho  biết: 1ha keo lai hiện nay có trị giá tương đương 1 ha quế, trong khi thời gian cho thu hoạch chỉ từ 7 đến 8 năm, tức là bằng một nửa so với quế”. Ông Ngô Sỹ Lâm, người chuyên thu mua vỏ quế ở xóm cho biết: Hàng năm, ông thu mua khảng 100 tấn vỏ quế tươi, chủ yếu từ Bắc Kạn. Nguồn quế ở xóm 4 Kim Tân không nhiều, chất lượng ở mức trung bình nên ông không mấy mặn mà. Thêm nữa, mấy năm trở lại đây nhu cầu của thị trường Ấn Độ (nơi ông chủ yếu xuất hàng) rất hạn chế  và thất thường nên ông cũng thu mua một cách cầm chừng”.

 

Trao đổi vấn đề này với ông Triệu Thanh Bình, Bí thư Đảng bộ xã Kim Sơn, chúng tôi được biết: Việc người dân xóm 4 Kim Tân phá bỏ cây quế để chuyển sang cây trồng khác là thực tế, chính quyền xã cũng đang lúng túng trong việc tìm nguồn tiêu thụ cho sản quế. Hiện, xã không có chương trình hay chính sách hỗ trợ nào cho nhà nông lẫn cơ sở thu mua quế. Như vậy, việc phát triển vùng nguyên liệu không tính đến đầu ra, điệp khúc “trồng, chặt” một lần nữa khiến cho người dân phải loay hoay trong việc thoát nghèo và nâng cao mức sống. Điều này lần nữa cho thấy, chính quyến các cấp cần có sự định hướng cây trồng, vật nuôi phù hợp, đảm bảo lợi ích kinh tế cho người dân, cũng là điều kiện để người dân thoát nghèo bền vững.