Nuôi nhím làm giàu

08:51, 27/06/2010

Đến xóm Tân Thành, xã Tân Quang thị xã Sông Công hỏi thăm nhà chị Tuyết nuôi nhím nhiều người biết. Vì nhà chị Tuyết không chỉ nuôi 1 vài con mà nuôi cả trang trại nhím với mấy chục con.

 

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà hai tầng trang trang đầy đủ tiện nghi chị Tuyết khoe: “Từ đầu năm đến nay tôi xuất 4 đôi nhím giống thu về trên 50 triệu đồng. Hiện trong chuồng còn 5 đôi nhím con nữa”.

 

Trước đây chị làm kế toán cho một trường học ở Phổ Yên. Do con còn nhỏ, nhà neo người nên năm 1989 chị xin nghỉ chế độ về sản xuất mành cọ. Vì sản xuất thủ công, manh mún nên thu nhập thấp, để có tiền nuôi con ăn học chị phải chăn nuôi thêm lợn, gà. Năm 2006, tuyền hình trên kênh VTV1 giới thiệu về nghề nuôi nhím, chị theo dõi và ghi cả tên địa chỉ của cơ sở. Được sự trợ giúp của chồng, chị đã xuống Số 1 Tăng Bạt Hổ (Hà Nội) để tìm hiểu và học hỏi về kỹ thuật nuôi nhím. Sau khi đã dành thời gian nghiên cứu và tìm hiểu thị trường, năm 2007 chị quyết định đầu tư nuôi nhím. Tận dụng nhà kho dệt mành cọ, chị đầu tư 30 triệu đồng xây 20 chuồng nhím. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ về chuồng trại và những thứ cần thiết, anh chị lại cất công lên tận Lào Cai và Hà Giang để mua nhím giống. Vì vốn đầu tư mua giống lớn, nên ngoài số tiền dành dụm được và vay mượn người thân, anh chị đã thế chấp bìa đỏ vay ngân hàng để mua 15 đôi nhím về nuôi, với giá 12 triệu đồng/đôi nhím con và 17 triệu đồng/đôi nhím trưởng thành. Tổng số tiền đầu tư cho chăn nuôi nhím của anh chị lên đến trên 300 triệu đồng.

 

Nhưng không phải lúc nào cũng thuận lợi, 15 đôi nhím vừa về đến nhà thì 2 con chết do ăn quá no. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm nên sau khi nuôi được 3 tháng một con nhím khác bị chết do ăn phải côn trùng. Thêm một kinh nghiệm nữa cho anh chị buổi tối khi cho nhím ăn không được thắp sáng điện vì thấy sáng côn trùng bay vào, nhím ăn phải côn trùng sẽ bị đau bụng. Hàng ngày chị cần mẫn bên đàn nhím, theo dõi sự phát triển của chúng. Ở mỗi một chuồng chị gắn một miếng giấy nhỏ để theo dõi hàng ngày và lập một quyển sổ riêng để ghi chép những kinh nghiệm rút ra trong quá trình chăn nuôi nhím. Không quản công chị đàn nhím cứ lớn lên và sinh sản đều đặn. Hiện nay, trong chuồng nhà chị có 20 đôi nhím với 16 đôi đang sinh sản. Năm 2009, chị bán được 9 đôi nhím giống thu về trên 100 triệu đồng. Từ đầu năm 2010 đến nay đã có 9 đôi nhím con ra đời. Sau gần 4 năm nuôi nhím đến nay đình chị Tuyết đã xuất chuồng trên 20 đôi nhím mỗi năm, thu về hàng trăm triệu đồng. 

 

Về kinh nghiệm nuôi nhím chị Tuyết chia sẻ: Chuồng nuôi nhím không cần rộng lắm. Ngăn cách các ô chuồng nhím là tường xây, có cửa ô sắt kéo lên xuống được. Mỗi ô nuôi một đôi nhím sinh sản.

 

Một năm nhím sinh hai lứa, mỗi lứa trung bình từ 1-2 con, có lứa được 3 con. Nhím là loài gặm nhấm ăn tạp đủ loại rau, củ quả như: khoai lang, ngô, sắn, củ đậu, dưa chuột…. Một ngày có thể cho nhím ăn hai hoặc ba bữa với lượng ăn vừa phải theo trọng lượng của nhím. Các bệnh thường gặp ở nhím là là bệnh đi ngoài, khi theo dõi phát hiện bệnh chỉ cần cho nhím ăn quả hồng xiêm xanh hoặc ổi xanh là khỏi.

 

Theo chị Tuyết: Nuôi nhím ít bị bệnh tật, dễ nuôi không tốn nhiều công sức. Do nuôi nhím đầu tư vốn ban đầu lớn, nên mỗi hộ nông dân có thể nuôi 1-2 đôi là phù hợp, vừa tận dụng được củ quả sẵn có mà vẫn phát triển được kinh tế gia đình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Thế, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Sông Công cho biết: Để giúp hội viên nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp, Hội đã định hướng cho hội viên sử dụng tiền đề bù để phát triển chăn nuôi phù hợp ổn định đời sống. Trong đó, con nhím cũng được xem là con vật có nhiều lợi thế, vì bệnh tật ít, dễ chăm, thức ăn dồi dào. Hiện nay toàn thị xã đã có trên 30 hộ nuôi nhím. Tuy nhiên, các hộ nuôi nhím hiện nay mới chỉ dừng lại ở cung cấp con giống, trong khi nhu cầu về nhím thương phẩm rất lớn với giá dao động từ 400-500 nghìn đồng/kg. Do vậy, nếu biết đầu tư khai thác thì con nhím cũng có thể coi là con vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.