Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng

09:08, 01/07/2010

Do nhu cầu phát triển đô thị, quỹ đất nông nghiệp ở T.P Thái Nguyên ngày càng thu hẹp, trung bình mỗi năm diện tích đất nông nghiệp thường bị thu hẹp khoảng 1ha sang mục đích sử dụng khác…

 

Thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố, trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân, Phòng Kinh tế, Tram Khuyến nông, Trung tâm Giống cây trồng thành phố thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nhằm giới thiệu các loại giống cây trồng cho năng suất chất lượng cao. Đồng thời, tư vấn cho các hộ có nhu cầu mở rộng kinh doanh, sản xuất, mạnh dạn đưa cây trồng mới vảo sản xuất. Bên cạnh đó, thành phố còn đẩy mạnh công tác hỗ trợ vốn để nông dân đầu tư phát triển những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, hợp tác với nông dân thông qua các hợp đồng bao tiêu nông sản, chuyển giao kỹ thuật… Đầu tư, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất luôn được ngành Nông nghiệp thành phố quan tâm, chỉ đạo thực hiện theo hướng nông nghiệp đô thị. Nhiều mô hình sản xuất mới như trang trại trồng chè, cây ăn quả, sản xuất chè sạch, rau an toàn, cây cảnh, hoa tươi… được hình thành và sản xuất có hiệu quả, góp phần tạo ra diện mạo nông thôn mới. Cây chè, đã và đang tiếp tục khẳng định là cây trồng có thế mạnh đem lại hiệu quả kinh tế cao. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nông nghiệp trồng trọt tăng từ 25 triệu đồng/1ha năm2005 lên 56 triệu đồng/1ha năm2010. Giá trị sản phẩm trên 1 ha chè, cây ăn quả tăng từ 45 triệu đồng/1 ha năm 2005 lên 72 triệu đồng/1ha năm 2010.

 

Kết quả bước đầu của việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp là các mô hình chuyển đổi sang sản xuất cây trồng giá trị kinh tế cao đã thu được hiệu quả như: Mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất hoa tươi chất lượng cao, trồng trong nhà lưới tại xã Quyết Thắng và phường Túc Duyên cho thu từ 90 đến 900 triệu đồng/ha/vụ. Đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn được triển khai thực hiện với tổng diện tích là 10 ha, bước đầu hướng vào thói quen trồng và sử dụng rau an toàn của người dân thành phố. Đối với Đề án phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương, đã chuyển đổi cơ cấu giống đạt 40% giống mới, đưa diện tích trồng chè lên trên 1.200 ha, trong đó có trên 1 nghìn ha cho thu hoạch, giá trị sản phẩm chè đạt 60 triệu đồng/ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 11 nghìn tấn; tạo việc làm cho 6.900 lao động, với mức thu nhập bình quân đạt 1,2 đến 1,5 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, thành phố còn thực hiện chương trình cấp I hóa giống lúa, đưa các giống lúa lai vào gieo cấy, nhờ đó năng suất lúa bình quân 45 tạ/ha (năm 2005) tăng lên trên 70 tạ/ha (năm 2010).

 

Hàng năm, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã đưa giống lúa mới năng suất, chất lượng cao vào trình diễn, qua đó chọn ra được những chủng loại giống phù hợp với tập quán canh tác của địa phương như Syn6, Bio404 và một số giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà, dần thay thế giống lúa truyền thống. Do đó, năng suất sản lượng lương thực có hạt không ngừng tăng, giá trị sản xuất nông nghiệp trung bình mỗi năm tăng từ 5 đến 8% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài việc đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng, việc chuyển đổi sang sản xuất cây cảnh không cần diện tích sản xuất lớn nhưng phù hợp với điều kiện phát triển đô thị và mang lại thu nhập khá cao. Nhiều hộ có vườn cây cảnh có giá trị từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng như gia đình: ông Ngừ, ông Kiểu, ông Giang (phường Phú Xá); ông Đầm, ông Cường (phường Tân Thành); ông Hải, ông Ký (phường Tân Thịnh); ông Hồng, ông Thoa (phường Thịnh Đán)…

 

Phát huy truyền thống cần cù, vượt khó của cha ông, người nông dân thành phố hiện nay không chỉ cần cù lao động mà còn là những người ham học hỏi, năng động, sáng tạo, chịu khó tiếp thu những thành tựu khoa học kỹ thuật, mạnh dạn áp dụng những thành tựu ấy vào quá trình trồng trọt. Đó chính là sự thành công trong sản xuất kinh doanh theo hướng đô thị của nhiều hộ nông dân tại thành phố hiện nay.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Nam, phụ trách mảng trồng trọt (phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên) cho biết: Cùng với việc định hướng cho người dân tiếp tục đưa các giống cây trồng năng suất, chất chất lượng cao vào sản xuất, thành phố đang chú trọng triển khai Đề án phát triển hoa tươi, cây cảnh. Đây là 1 trong 4 đề án lớn của nông nghiệp thành phố được thực hiện trong năm 2010, trong đó có chủ trương xây dựng và mở rộng mô hình sản xuất hoa thành vùng chuyên canh áp dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, thành phố sẽ ban hành một số cơ chế, chính sách ưu tiên để các thành phần kinh tế tập trung đầu tư cho sản xuất hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, giành một phần nguồn ngân sách Nhà nước để đầu tư theo chương trình, mục tiêu phát triển cây trồng theo hướng đô thị, tạo bước đột phá trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của thành phố trong thời gian tới.