Tâm sự với chúng tôi, chị Dương Thị Tâm, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đại Từ (NHNoĐT) bày tỏ: “Hoạt động của Chi nhánh ở một địa bàn rộng gồm 31 xã, thị trấn (chỉ đứng sau thành phố Thái Nguyên).
Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên chỉ có 42 người. Với đặc thù của một huyện chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhưng còn mang tính nhỏ lẻ. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật của người dân và phát triển các ngành nghề khác chưa mạnh. Sản xuất công nghiệp vẫn dừng lại với những ngành nghề truyền thống (khai thác than, cơ khí mỏ) nên chưa có nhiều dự án lớn để thu hút nhiều vốn, lao động. Vì vậy, hoạt động tín dụng của ngân hàng cũng nhỏ lẻ. Số lượng khách hàng đông, số món vay, món gửi nhiều nhưng số tiền không lớn, chi phí của ngân hàng tăng, cường độ lao động của cán bộ ngân hàng cao, hiệu quả kinh doanh chưa tương xứng. Tuy nhiên, Chi nhánh xác định, NHNo có đối tượng phục vụ chính là nông dân, mặc dù không tránh khỏi mức độ rủi ro cao như: thiên tai (thời tiết khô hạn, rét đậm, hoặc bão lụt), dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; sâu bệnh, giá cả nông sản thực phẩm bấp bênh; các hộ vay vốn không may gặp hoạn nạn trong cuộc sống, song mục tiêu của ngân hàng vẫn hướng vào phục vụ nông dân là chính”.
Xác định được nhiệm vụ, nhiều năm qua, NHNoĐT luôn bám sát địa bàn nông dân, nông thôn để phục vụ. Hiện nay, ngoài văn phòng trụ sở chính, Chi nhánh còn có 4 Phòng giao dịch ở các xã để người dân thuận tiện giao dịch. Hàng tuần, Chi nhánh bố trí một cán bộ tín dụng xuống xã để trực tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc của người dân nhằm giảm bớt sự đi lại của dân; đồng thời nắm bắt luôn tình hình sử dụng vốn ở cơ sở để có sự điều chỉnh kịp thời. Trong đầu tư vốn, Chi nhánh bám sát vào Nghị quyết T.W7 về xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các Nghị quyết về phát triển kinh tế của huyện để có giải pháp đầu tư đúng hướng, trọng tâm, có hiệu quả. Từ năm 2005 đến năm 2009, Chi nhánh tập trung vốn cho vay 332 tỷ đồng để cải tạo, thâm canh chăm sóc 14.567 lượt ha chè; cho vay 3tỷ 480 triệu đồng trồng mới, phục hồi 174 ha chè; cho vay 22,7 tỷ đồng đầu tư xây dựng kênh mương, đường bê tông nông thôn, cho vay đi lao động xuất khẩu…Ngoài ra, Chi nhánh còn đầu tư hàng trăm tỷ đồng mỗi năm (riêng năm 2009 doanh số cho vay là 302 tỷ 172 triệu đồng; tổng dư nợ là 267 tỷ 289 triệu đồng) đầu tư cho nông dân mua các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như: xe tải nhỏ các loại, máy cày, máy đốn chè, máy vò chè và mua hàng chục nghìn tấn phân bón các loại; đầu tư cho chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật các cơ chế chính sách mới để triển khai kịp thời đến nông dân giúp nông dân nhanh chóng được hưởng lợi các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất với số tiền 202,5 tỷ đồng, với số tiền đã hỗ trợ đến người vay là 2,4 tỷ đồng; cho vay mua máy móc nông cụ với số tiền 0,6 tỷ đồng...
Trong quá trình cho vay, đi đôi với việc cho vay những món nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, Chi nhánh còn tăng cường tìm kiếm những dự án khả thi, tăng mức đầu tư trên hộ vay, quan tâm đến các dự án lớn như kinh doanh vận tải, kinh doanh chè, thức ăn gia súc, vật tư nông nghiệp. Từ vốn vay của Ngân hàng đã giúp cho các hộ nông dân tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng năng suất cây trồng, cải thiện cuộc sống, xoá đói giảm nghèo. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ nông dân mở ra ngành nghề sản xuất mới hay phát triển hàng hoá theo vùng chuyên canh trong nông nghiệp như phát triển trang trại chăn nuôi lợn, gà, vịt hay mô hình nuôi nhím, trồng hoa ở Hùng Sơn; chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi như ở xã Bản Ngoại (chuyển đổi từ cây lúa thuần sang trồng lúa cao sản; mở rộng diện tích trồng cây dưa hấu, cây củ đậu); trồng chè ở Phú Thịnh, La Bằng, Phú Lạc, Tân Linh; thâm canh sản xuất lúa màu ở các xã còn lại. Đó là chưa kể các mô hình sản xuất đồ mộc, ngành nghề (làm đậu, làm bún), dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh vận tải, dịch vụ nông nghiệp phát triển mạnh. Các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của huyện không ngừng tăng và đạt kế hoạch Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra trong nhiệm kỳ 2005-2010 là có một phần đóng góp không nhỏ trong việc đầu tư vốn của NHNoĐT.
Hiện Chi nhánh NHNoĐT đang phục vụ 9 nghìn khách hàng vay tiền với dư nợ 310 tỷ đồng (tính đến 30- 6) và 11 nghìn khách hàng gửi tiền với tổng nguồn vốn 495 tỷ đồng. Doanh số cho vay cao nhưng chất lượng tín dụng khá tốt, tỷ lệ nợ xấu thường xuyên ở mức dưới 1 % trên tổng dư nợ. Đây là sự cố gắng lớn của cán bộ nhân viên trong Chi nhánh. Để bảo đảm hoạt động của Chi nhánh, Ngân hàng thực hiện tốt công tác điều hành, trong đó lấy cơ chế khoán đến nhóm và người lao động làm động lực và là căn cứ chi trả thu nhập. Bên cạnh đó tổ chức tốt các phong trào thi đua nhằm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; xây dựng và phát triển thương hiệu và văn hoá doanh nghiệp; xây dựng cơ quan, Chi bộ, các đoàn thể trong sạch vững mạnh; làm tốt công tác từ thiện xã hội, đền ơn đáp nghĩa…
Với những cố gắng của đơn vị, Chi nhánh NGNoĐT đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen; ba năm liên tục (2006-2008) được NHNo Việt Nam tặng Giấy khen; năm 2009 tiếp tục đề nghị công nhận Chi nhánh loại III xuất sắc.