Tăng tỷ giá VND/USD: Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp

08:24, 07/03/2011

Ngày 11-2-2011, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên mức 20.693 VND/USD, tăng 9,3% so với mức 18.932 đồng/USD trước đó. Biên độ giao động cũng được thu hẹp từ +/-3% xuống +/-1%. Việc tăng tỷ giá VND/USD sẽ có tác động nhiều chiều đến hoạt động xuất, nhập khẩu. Trong quá trình hội nhập kinh tế, không nằm ngoài quy luật này, các doanh nghiệpThái Nguyên đang đứng trước những cơ hội và thách thức …

 

Đâu là cơ hội?

 

Tăng tỷ giá chính là cơ hội lớn của các DN đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, sản phẩm làng nghề… Bởi, những mặt hàng này gần như không sử dụng nguyên, vật liệu nhập khẩu. Với tỉnh ta, cây chè là mặt hàng nông sản xuất khẩu duy nhất, có thế mạnh. Kim ngạch xuất khẩu chè năm 2010 của tỉnh ta đạt gần 8,7 triệu USD, tương đương với 9,5% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Trong khi giá chè thế giới đang tăng cao, việc tăng tỷ giá sẽ giúp các DN xuất khẩu chè thu được lợi nhuận “kép” (tăng giá và chênh lệch về tỷ giá). Bà Nguyễn Thị Hằng Hải, Trưởng bộ phận Marketting, Công ty cổ phần tập đoàn Tân Cương - Hoàng Bình cho biết: Tỷ giá tăng cao, DN xuất khẩu có lợi thế về giá cả khi cạnh tranh với DN nước ngoài. Việc tỷ giá tăng cùng với sự kiện Festival Trà quốc tế được tổ chức tại tỉnh ta vào tháng 11 tới sẽ là những cơ hội tốt để DN đẩy mạnh hoạt động sản xuất, chế biến chè, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường trong và ngoài nước để tiếp tục phát triển.

 

Được biết, từ 2007 đến nay Công ty cổ phần tập đoàn Tân Cương - Hoàng Bình đã chuyển mạnh sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm trước khi xuất khẩu, giảm xuất khẩu chè thô, tăng cường sản xuất, chế biến các loại chè hộp, chè túi lọc. Đây là hướng đi phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân nước nhập khẩu, góp phần bảo vệ thương hiệu chè Tân Cương. Trong năm 2011, bên cạnh củng cố thị trường trong nước và thị trường truyền thống (Pakistan, Cộng hòa Séc, Đài Loan), tận dụng lợi thế về tỷ giá, công ty Tân Cương - Hoàng Bình phấn đấu phát triển thành công hai thị trường khó tính là Nhật Bản và Pháp, nâng lượng chè xuất khẩu lên trên 120 nghìn hộp, tăng 20 nghìn hộp so với bình quân những năm trước. Để chuẩn bị cho mục tiêu đó, vào thời điểm này, công ty đang tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống giám sát để quản lý tốt hơn vùng nguyên liệu, đảm bảo chất lượng chè nguyên liệu trước khi chế biến.

 

Đối với cả tỉnh, kim ngạch xuất khẩu hai tháng đầu năm 2011 đã đạt gần 16 triệu USD, bằng 173,6% so với hai tháng cùng kì năm ngoái, tương đương với 14,5% kế hoạch cả năm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là sản phẩm may mặc, giấy đế, gang, chè, dụng cụ cầm tay, dụng cụ y tế, dụng cụ thú y. Trong đó, đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu sản phẩm may mặc với 8,7 triệu USD, bằng 212% so với cùng kì năm 2010, tương đương 54% kim ngạch xuất khẩu hai tháng đầu năm của cả tỉnh và được dự báo sẽ còn tăng mạnh trong những tháng tới. Với đội hình gần 60 DN tham gia xuất khẩu trên địa bàn, năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã đạt 92 triệu USD, vượt 13% kế hoạch. Tỷ giá được điều chỉnh tăng sẽ tác động tích cực đối với hoạt động xuất khẩu, giúp tỉnh ta sớm hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 110 triệu USD trong năm 2011 này.

 

Những thách thức…

 

Nếu như tỷ giá tăng tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu thì DN nhập khẩu sẽ chịu tác động tiêu cực, nhất là các DN vừa và nhỏ - Đó là ý kiến của ông Nguyễn Xuân Tốt, Chủ tịch Hội DN vừa và nhỏ Thái Nguyên, Giám đốc DN tư nhân Trung Thành. Ông Tốt lý giải: Các hợp đồng nhập khẩu nguyên, vật liệu của DN thường phải ký “dài hơi” cho cả quý hoặc một năm với các đối tác nước ngoài. Tiền nhập hàng về lại được tính bằng USD, nhưng khi bán hàng cho các DN trong nước lại không được tính theo giá USD mà phải quy đổi ra VND. Do vậy, DN sẽ phải chịu một khoản chênh lệch do việc điều chỉnh tỷ giá. Khoản này được DN “san sẻ” vào giá thành sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh của DN. Đối với công ty Trung Thành, do kinh doanh vật liệu chịu lửa nên 95% nguyên, nhiên liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài. Việc tỷ giá tăng tới 9,3% cộng với tăng giá xăng dầu, giá điện sẽ làm chi phí sản xuất của DN tăng lên. Ngoài ra, vì là một DN vừa và nhỏ, không có tiềm lực tài chính đủ mạnh, tài sản thế chấp có giá trị thấp trong khi lãi suất ngân hàng đang tăng cao (trên 17%/năm) nên việc vay vốn ngân hàng vào thời điểm này là gần như không thể. Ông Tốt cũng cho biết: Hiện nay, Hội DN vừa và nhỏ tỉnh có 150 thành viên nhưng chỉ có khoảng 50% DN hoạt động hiệu quả. Số còn lại hoạt động cầm chừng vì không vay được vốn, thiếu nguyên liệu hoặc kinh doanh thua lỗ…

 

Đây cũng chính là thực tế diễn ra tại nhiều DN do phụ thuộc vào nguyên, vật liệu nhập khẩu. Theo số liệu tổng hợp của Phòng Quản lý Thương mại và Hội nhập kinh tế quốc tế (Sở Công thương), trong hai tháng năm 2011, tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu trên địa bàn tỉnh là trên 51 triệu USD, bằng 163% so với hai tháng đầu năm 2010. Hầu hết các mặt hàng nguyên, vật liệu nhập khẩu đều tăng về giá trị so với cùng kì năm 2010 như: phụ liệu hàng may mặc đạt 6 triệu USD, tăng 30%; phôi thép đạt 36,8 triệu USD, tăng 5,5%; máy móc, phụ tùng thiết bị đạt 3,6 triệu USD, tăng 154%... Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân nhập khẩu gần 38 triệu USD, chiếm trên 73% kim ngạch nhập khẩu của cả tỉnh trong hai tháng đầu năm, tăng 34,5% so với cùng kì năm 2010. Qua những phân tích trên, có thể thấy, các DN nhập khẩu, nhất là DN thuộc thành phần kinh tế tư nhân đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tỷ giá và giá các yếu tố đầu vào đều tăng, trong khi năng lực sản xuất và năng lực quản lý của DN còn nhiều hạn chế.

 

Thiết nghĩ, để phát huy tối đa lợi thế cũng như hạn chế những tác động trái chiều của vấn đề tỷ giá, bên cạnh vai trò điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, các DN cần tích cực, chủ động tìm kiếm cơ hội để phát triển. Đối với tỉnh ta cũng như nhiều địa phương khác, DN cần tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tăng sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu ngay trên thị trường nội địa, bởi nhiều mặt hàng nhập khẩu như sắt thép, xi măng, dược phẩm... đang đứng trước áp lực tăng giá khi tỷ giá tăng. Để làm được như vậy, giải pháp mang tính then chốt với DN là tập trung đầu tư cải tiến công nghệ, xây dựng hệ thống quản lý phù hợp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng cần phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ và tăng cường sản xuất nguyên, vật liệu như phôi thép, kẽm thỏi… để đáp ứng tốt hơn nhu cầu trong nước, hạn chế dần việc nhập khẩu, đồng thời tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu chè, thu về giá trị gia tăng lớn hơn cho DN cũng như người nông dân. Ngoài ra, tỷ giá tăng sẽ đưa nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Do đó, các DN trong tỉnh cần chủ động, tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư được tổ chức cả trong và ngoài nước để tìm kiếm đối tác nước ngoài để hợp tác kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của DN.