Giàu lên nhờ nuôi nhím

16:14, 17/08/2011

Trả hết số nợ “khổng lồ” sau đó tu sửa lại căn hộ cho khang trang và mua sắm thêm nhiều tiện nghi đắt tiền, cuộc sống của cả gia đình bác Dương Thế Bảo, tổ 8, phường Quan Triều đã thay đổi hẳn sau 2 năm đầu tư mô hình nuôi nhím.

Bước ngoặt trong phát triển kinh tế gia đình bác Bảo là thời điểm năm 2009, bác đã mạnh dạn vay ngân hàng 700 triệu đồng để đầu tư mô hình nuôi nhím. Khi đó, 700 triệu đồng đối với gia đình bác là cả một gia tài khổng lồ, bác kể lại: Trước đây, kinh tế gia đình tôi khó khăn lắm, năm 2004, sau khi về hưu, với đồng lương ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống nên hằng ngày tôi phải ra sông Cầu làm cát kiếm thêm đồng ra đồng vào, thế rồi làm cát cũng không ăn thua tôi lại phải đi chạy xe công nông thuê. Với khát vọng làm giàu luôn cháy bỏng, vừa đi làm tôi vừa tranh thủ thời gian đi tham quan các mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao ở trong và ngoài tỉnh, sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng xem xét điều kiện và khả năng phát triển, năm 2009, tôi đã quyết định đầu tư mô hình chăn nuôi nhím, cuộc sống gia đình tôi thay đổi kể từ đó.

 

Từ 700 triệu đồng vay ngân hàng, bác Bảo đã mua 10 cặp nhím con về nuôi, sau khi tính toán thấy nuôi nhím con đến lúc sinh sản để cho thu nhập thì mất nhiều thời gian trong khi số vốn vay ngân hàng thì hằng ngày vẫn phải trả lãi, nên bác lại lên Điện Biên mua 14 cặp nhím đang sinh sản nữa. Sau hơn 1 tháng số nhím này đã sinh được 28 nhím con, bán với giá 17-18 triệu đồng/cặp, bác thu được trên 200 triệu đồng. Thành công bước đầu này chính là động lực để bác tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi. Từ 24 cặp nhím bố mẹ, mỗi lứa nhím đẻ bác giữ lại vài cặp để nuôi, thế là mô hình nhím nhà bác cứ nở dần ra, lúc nhiều nhất lên tới 50 nhím mẹ, 25 nhím bố chưa kể nhím con. Đây cũng là thời điểm gia đình bác ăn nên làm ra nhất, cứ mỗi năm nhím đẻ 2 lứa, mỗi lứa được 100 con, doanh thu 1 năm lên đến trên 850 triệu đồng, chưa kể bán nhím thịt. Về kỹ thuật chăn nuôi nhím, bác chia sẻ: Nhím là loài động vật khá dễ nuôi, không đòi hỏi kỹ thuật cao, thức ăn của nhím cũng rất đa dạng và dễ kiếm, đó là các loại rau, củ, quả miễn là thức ăn cho nhím phải được rửa sạch sẽ bởi nhím là loài ăn sạch, tất cả các loại thức ăn thừa mà nó đã dẫm lên là nó không bao giờ ăn lại, chính vì vậy khi cho nhím ăn chỉ cho lượng vừa phải để nhím ăn hết, nếu còn thừa là phải đổ đi. Để giảm bớt chi phí thức ăn, tôi thường mua cả tấn bí đỏ về cho nhím ăn dần. Sau khi cho nhím ăn phần thịt bí, tôi tách hạt bí phơi khô, đến gần Tết Nguyên đán đem bán, số tiền bán hạt bí cũng bằng 2/3 số tiền mua bí, vì thế giảm được rất nhiều chi phí. Thêm vào đó, bí đỏ lại là thực phẩm giàu dinh dưỡng, rất tốt cho nhím và được loài nhím ưa thích.

 

Chỉ sau 2 năm chăn nuôi nhím, ngoài việc chi tiêu sinh hoạt, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn, bác Bảo đã trả hết toàn bộ số nợ vay ngân hàng và sửa sang nhà cửa khang trang hơn, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền và đầu năm 2011, bác mới tậu được chiếc xe ô tô tải, tạo điều kiện cho con trai ông làm ăn. Vậy là cuộc sống gia đình bác đã bước sang trang mới, tất cả là nhờ chăn nuôi nhím. Tâm sự về những kế hoạch sắp tới, bác cho biết: Cho tới giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy mình liều lĩnh nhưng đó là sự liều lĩnh đúng đắn, nhờ con nhím, gia đình tôi mới có cuộc sống như hôm nay, nên hiện nay mặc dù thị trường nhím đã chững lại, giá nhím con từ khoảng 18 triệu đồng/cặp rớt xuống còn khoảng 9 triệu đồng, nhưng tôi vẫn không từ bỏ mô hình này, tôi đã quen hằng ngày băm thức ăn cho nhím, nhìn ngắm mớ lông tua tủa như những chùm gai bồ kết khổng lồ và quen cả mùi hoi hoi nồng nồng của chúng. Hơn nữa, nhím là một món ăn đặc sản rất ngon và tốt cho sức khỏe, tôi tin rằng nghề nuôi nhím sẽ không lỗi thời nếu tôi tìm được đầu ra, hiện nay tôi đang tích cực liên hệ với các nhà hàng trên địa bàn tỉnh để bán nhím thịt và đi các tỉnh khác tìm thị trường tiêu thụ. Hiện nay, tôi đã thu nhỏ quy mô của mô hình xuống còn 30 nhím mẹ để giảm chi phí thức ăn, đợi khi tìm được thị trường tôi lại tiếp tục mở rộng.