Chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp, từng bước cải thiện đời sống người dân Định Hóa.
Là một huyện miền núi, Định Hóa có hơn 90% dân số sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, điều kiện sản xuất không thực sự thuận lợi, quy mô sản xuất manh mún, hình thức canh tác lạc hậu khiến cho ngành nông nghiệp của huyện còn chậm phát triển, đời sống người nông dân gặp không ít khó khăn. Khắc phục tình trạng này, những năm gần đây, huyện Định Hóa đã tập trung phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, dựa trên thế mạnh của địa phương và gắn với thị trường tiêu thụ. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp, từng bước cải thiện đời sống người dân
Ở Định Hóa, chuyện người nông dân trở thành tỷ phú nhờ trồng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng không còn là hiếm. Gia đình ông Hoàng Đình Đoàn, xóm Đồng Va, xã Đồng Thịnh là một ví dụ điển hình. Người dân địa phương vẫn gọi ông là “vua rừng” bởi gia đình ông hiện có gần 150ha rừng trồng và khoanh nuôi, bảo vệ (nhiều nhất huyện), giá trị kinh tế ước tính hàng tỷ đồng. Cả cuộc đời gắn bó với núi rừng, ông Đoàn luôn trăn trở làm sao để làm giàu trên chính đất đồi rừng của gia đình. Từ suy nghĩ rồi bắt tay vào thực tế, cùng với cơ chế khuyến khích người dân khoanh nuôi và trồng rừng của huyện, từ năm 1995 ông Đoàn bắt đầu cải tạo diện tích rừng tạp của gia đình để trồng thay thế bằng các loại cây như keo, bạch đàn, mỡ, trám… Không những thế, ông còn tích cực mua lại những diện tích rừng nghèo kiệt ở địa phương để cải tạo và trồng mới, nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng với Ban Quản lý rừng của huyện. Qua hơn 15 năm bền bỉ, tận tụy như thế, gia đình ông đã có gần 150ha rừng, phần đã được khai thác và trồng lại, phần mới bén rễ được 1 đến 2 năm. Cùng với gia đình ông Đoàn, trên địa bàn huyện còn có cả trăm hộ có quy mô trang trại rừng trên 20ha, như: Gia đình bà Nguyễn Thị Huấn, xóm Nà Làng, xã Lam Vỹ với gần 80ha rừng; ông Nông Đình Thân, xóm Nà Chúa, xã Đồng Thịnh (60ha); ông Hoàng Văn Sơn, xã Phú Tiến (hơn 20ha)… Xác định lâm nghiệp là thế mạnh, cũng là lĩnh vực góp phần quan trọng giúp người dân thoát nghèo, huyện Định Hóa đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân trồng mới và khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Cụ thể như: Thống kê và quy hoạch cụ thể 3 loại đất rừng; hỗ trợ giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng cho người dân theo Dự án trồng rừng 661; phát triển giao thông và tạo cơ chế thông thoáng trong khai thác rừng… Trong giai đoạn 2006-2010, huyện đã trồng mới được 4.900ha rừng (vượt 1.500ha so với kế hoạch), cấp phép khai thác hàng nghìn m3 gỗ sản xuất. Riêng năm 2011, huyện đã trồng mới được hơn 1.000ha rừng, nâng độ che phủ của rừng trên địa bàn lên gần 60%.
Cùng với lâm nghiệp, huyện Định Hóa đã tập trung phát triển các lĩnh vực sản xuất được coi là thế mạnh, đặc trưng của địa phương. Đó là phát triển sản xuất chè, chăn nuôi gia súc lớn và sản xuất lúa bao thai hàng hóa. Điều đáng ghi nhận là người nông dân đã chủ động áp dụng khoa học - kỹ thuật để giảm công lao động, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp thông qua tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Đi giữa vùng chè chuyên canh phía Nam của huyện, không khó để thấy các loại máy hái, cắt chè, hệ thống tưới nước bằng van xoay… được người dân sử dụng phổ biến. Là một trong những gia đình có diện tích chè lớn nhất ở xã Bình Yên, hơn 1 năm nay, anh Nguyễn Duy Chuyên, xóm Yên Hòa đã đầu tư máy hái chè để phục vụ sản xuất của gia đình. Với chiếc máy này, anh có thể tự thu hái diện tích chè hơn 7 nghìn m2 (với khoảng 1,4 tấn chè búp tươi mỗi lứa), tiết kiệm được hàng chục triệu đồng thuê nhân công thu hái mỗi năm. Theo thống kê, huyện Định Hóa hiện có 3.300ha chè, trong đó có 2.900 ha chè kinh doanh, sản lượng chè búp tươi đạt 21 nghìn tấn/năm (tăng 8 nghìn tấn so với năm 2005), đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho 3 nhà máy chế biến chè trên địa bàn. Trong 5 năm trở lại đây, huyện đã trồng mới và trồng thay thế được 455ha chè cành. Toàn huyện có 56 trang trại, trong đó có hơn 30 trang trại tổng hợp và chăn nuôi gia súc lớn. Huyện cũng hình thành vùng sản xuất lúa Bao thai hàng hóa tại 16 xã, với quy mô gieo cấy trung bình mỗi năm hơn 1.500ha.
Ông Ma Đình Đối, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xác định nông nghiệp là lĩnh vực mũi nhọn, huyện luôn tập trung các nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong 5 năm qua, huyện đã hàng chục tỷ đồng đầu tư để xây mới và cải tạo các công trình thủy lợi, trong đó có các công trọng điểm như: hệ thống thủy lợi sau hồ Bảo Linh; cải tạo đường ống hồ Làng Gầy, xã Phúc Chu; kiên cố hóa gần 50km kênh mương… để từng bước chủ động nguồn nước tưới; quan tâm tâm phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, cải tạo hệ thống điện để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân trong quá trình chế biến và tiêu thụ nông sản. Huyện cũng có nhiều chính sách định hướng, khuyến khích người dân thay đổi tập quán sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác, như: Ưu tiên các nguồn vốn Trung ương đầu tư cho địa phương vào lĩnh vực nông nghiệp, cơ giới hóa sản xuất; khuyến khích gieo cấy các loại lúa lai; hỗ trợ 60% giống và 40% phân bón cho các gia đình sản xuất lúa Bao thai thuần; tạo điều kiện thuận lợi cho vay vốn đối với các mô hình trang trại nông nghiệp, chăn nuôi đặc sản… Thông qua những giải pháp đồng bộ, sản xuất nông nghiệp của huyện đang có những bước tiến vững chắc: Giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng trọt đạt gần 50 triệu đồng/năm; bình quân lương thực đạt gần 550kg/người/năm; vụ xuân 2011, năng suất lúa của huyện đạt 58 tạ/ha, cao nhất từ trước tới nay…