Cho phép xuất khẩu khoáng sản: Mừng, lo lẫn lộn

09:41, 06/03/2013

Thời gian gần đây, việc Chính phủ có chủ trương giải quyết hàng tồn kho bằng cách cho phép xuất khẩu khoáng sản đã góp phần tháo gỡ khó khăn trước mắt cho nhiều doanh nghiệp (DN) khai khoáng trong nước. Tuy nhiên, ở thời điểm này, do thị trường xuất khẩu ảm đạm, thuế xuất, nhập khẩu tăng cao, các đối tác lợi dụng dìm giá… đã khiến nhiều DN được phép xuất khẩu lần này nửa mừng, nửa lo. Đối với các DN khai khoáng ở tỉnh ta cũng đang trong tâm trạng như vậy.

Giải pháp tình thế đặc cách cho DN

 

Ngay sau khi có chủ trương của Chính phủ, ngày 24/12/2012, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 41/2012/TT-BCT Quy định về xuất khẩu khoáng sản. Theo đó, ngoài những trường hợp xuất khẩu như quy định, lần này còn đặc cách giải quyết trường hợp khoáng sản tồn kho của các DN trên cơ sở văn bản đề nghị của UBND cấp tỉnh.

 

Trước những khó khăn của nhiều DN khai khoáng, ngày 16/1/2013, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị cho phép xuất khẩu một số loại khoáng sản tồn kho trên địa bàn tỉnh, bao gồm: 917.000 tấn tinh quặng sắt, 277.997 tấn tinh quặng titan, 3.500 tấn tinh quặng đồng và 50.902 tấn tinh quặng chì, kẽm. Sau khi kiểm tra thực tế, Bộ Công Thương đã đồng ý cho một số DN của tỉnh xuất khẩu. Đối với quặng sắt, cho phép Công ty CP Luyện kim đen được xuất khẩu tối đa 150.000 tấn; Công ty CP Sản xuất gang Hoa Trung 100.000 tấn; Công ty TNHH Vương Anh 90.000 tấn; Doanh nghiệp Anh Thắng 150.000 tấn…. Với quặng titan, cho phép Công ty CP Ban Tích xuất khẩu 28.000 tấn; Công ty TNHH Hoa Hằng 30.000 tấn; Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi 15.000 tấn; Công ty TNHH Doanh Trí 5.000 tấn…. Với quặng chì, kẽm, đồng, cho phép Công ty CP Kim Sơn xuất khẩu 3.500 tấn tinh quặng đồng; Công ty Liên doanh Kim loại màu Việt Bắc 20.000 tấn tinh quặng kẽm, 5.000 tấn quặng chì…

 

Sau khi có văn bản chấp thuận cho các DN xuất khẩu, Bộ Công Thương khẳng định: Việc xuất khẩu khoáng sản lần này được Thủ tướng Chính phủ cho phép như một giải pháp xử lý tình thế đặc cách để giúp các DN giải phóng hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thu hồi vốn ứ đọng, tạo thêm nguồn lực giúp DN duy trì hoạt động.

 

Để cứu mình, đành chấp nhận lỗ

 

Trước thông tin được phép xuất khẩu, nhiều DN khai khoáng, nhất là các DN đang có lượng hàng tồn kho lớn trong tỉnh, đã bày tỏ sự vui mừng thực sự. Tuy nhiên, sau khi khảo sát thị trường và tính toán thực tế, các DN đều thấy rằng tại thời điểm này nếu xuất khẩu tinh quặng chắc chắn sẽ bị lỗ vì giá xuống quá thấp so với trước. Bởi thế, lúc này chủ các DN phải đứng trước sự lựa chọn xuất khẩu hay đừng. Nhưng cuối cùng, không ít DN cực chẳng đã phải xuất khẩu ở thời điểm khó khăn này để cứu DN, dù biết rằng sẽ bị thiệt.

 

Công ty CP Sản xuất gang Hoa Trung là DN khai thác, chế biến khoảng sản gặp nhiều khó khăn, lận đận trong vài năm gần đây. Công ty này đã đầu tư Nhà máy Luyện gang với lò cao 22m3. Do khó khăn trong vay vốn lưu động, giá gang thấp, hiệu quả hoạt động không cao, nên thời gian gần đây Công ty phải sản xuất cầm chừng, lượng quặng sắt tồn kho lên tới 160.000 tấn. Lần này, Công ty được phép xuất khẩu tối đa 100.000 tấn quặng sắt, số còn lại để dự trữ sản xuất gang. Ông Bùi Văn Khánh, Giám đốc Công ty cho hay: Trong lúc khó khăn này, dù xuất khẩu bị lỗ thì DN cũng phải tham gia vì nếu không sẽ thiếu kinh phí để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Giá quặng sắt hàm lượng 50% chào hàng tại thị trường Thái Nguyên hiện đang xấp xỉ 400 nghìn đồng/tấn, thấp hơn khoảng 60% so với mức giá ở thời điểm cao nhất (năm 2010). Bởi vậy, nếu xuất khẩu lúc này thì DN bị “móc túi” mất khá nhiều tiền.

 

Mặc dù giá tinh quặng titan xuất khẩu tại thời điểm này giảm tới 50% so với trước, song để có kinh phí duy trì hoạt động và tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu khoáng sản, Công ty CP Ban Tích vẫn phải đăng ký xuất khẩu 28.000 tấn tinh quặng tồn kho. Chủ tịch HĐQT Công ty, ông Phạm Đắc Đạt cho biết: Dù giá xuống thấp nhưng cũng chưa thấy đối tác nào đặt vấn đề mua hàng của đơn vị. Hiện DN đang chủ động tiếp cận với khách hàng Trung Quốc để làm giá. Lúc này, việc đầu tư Nhà máy chế biến sâu titan của DN cũng phải tạm dừng…

 

Nhưng nhiều DN còn phương án khác

 

Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên được phép xuất khẩu 150.000 tấn tinh quặng sắt đợt này, nhưng khi trao đổi với chúng tôi, ông Chu Phương Đông, Giám đốc Công ty lại khẳng định: Tạm thời đơn vị chưa tham gia xuất khẩu mà để tập trung nguyên liệu phục vụ sản xuất của Nhà máy luyện gang (do DN đầu tư) vừa đưa vào vận hành tháng trước... Theo lý giải của người đứng đầu DN này thì khoảng tháng 7-2012, Công ty có đề xuất xuất khẩu tinh quặng sang thị trường Trung Quốc nhằm đối lưu nhập khẩu than cốc về cho Nhà máy luyện gang. Nhưng ngay sau đó, Công ty đã ký được hợp đồng cung cấp than cốc của một đối tác trong nước nên hiện tại DN chưa có nhu cầu và kế hoạch xuất khẩu tinh quặng sắt như đã đăng ký. Mặc dù đến nay đã có một số đối tác Trung Quốc đến đặt vấn đề mua hàng, nhưng DN chưa triển khai ký hợp đồng. Nếu sản phẩm gang do Công ty sản xuất có thị trường tiêu thụ tốt thì chắc chắn đơn vị sẽ không xuất khẩu tinh quặng.

 

Còn ông Ma Quang Thái, Giám đốc Công ty TNHH Doanh Trí tâm sự: Việc DN đăng ký xuất khẩu 5.000 tấn quặng titan lần này chỉ là phương án dự phòng mà thôi, vì hiện tại giá cả trên thị trường xuất khẩu quặng đang rất rẻ mạt. Chúng tôi cũng rất muốn giải quyết hàng tồn kho, song với tình hình hiện tại, thật sự chúng tôi không mấy mặn mà. Tuy nhiên, trong trường hợp thiếu vốn trầm trọng thì muốn hay không đơn vị cũng phải xuất khẩu.

 

Theo Hiệp hội titan Việt Nam thì do chế biến sâu trong nước gặp khó khăn (vì phải đầu tư lớn, chi phí nguyên, nhiên liệu, nhân công lại tăng quá cao, trong khi giá thành sản phẩm làm ra thấp) nên nhiều DN trong nước không dám đầu tư chế biến. Do vậy, lượng hàng tồn kho nhiều, buộc các DN phải tìm đến phương án xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu xuất khẩu ở thời điểm này thì ngoài phải chịu thuế suất 30%, 40%, các DN còn phải chịu sự dìm giá của các đối tác nước ngoài.

 

Việc cho phép xuất khẩu khoáng sản lần này được áp dụng đối với tất cả các DN khai khoáng đủ điều kiện trong cả nước chứ không riêng một địa phương nào, do đó sự cạnh tranh rất gay gắt, việc tìm kiếm đối tác xuất khẩu không phải dễ dàng. Hiện tại, nhiều DN đang chờ đợi giá cả thị trường xuất khẩu khoáng sản sẽ “tươi sáng” hơn vì họ kỳ vọng với thời gian cho phép xuất khẩu không gò bó như trước của Chính phủ, việc ép giá, dìm hàng của các đối tác nước ngoài sẽ không còn nữa… Như thế, hàng tồn kho trong nước sẽ được giải quyết, khó khăn của DN cũng phần nào được tháo gỡ trên cơ sở hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt thòi.