Chuyện làm chè sạch ở Hùng Lập

14:58, 30/03/2013

Cuối năm 2012, sản phẩm chè búp tươi của bà con xóm Hùng Lập, xã Thanh Định (Định Hóa) được Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học nhiệt đới công nhận đạt tiêu chuẩn chè an toàn theo quy trình VietGap. Giá trị sản phẩm chè của Hùng Lập được khẳng định góp phần nâng cao thu nhập của bà con nơi đây. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình sản xuất chè theo quy trình VietGap ở Hùng Lập vẫn còn nhiều điều trăn trở.

Hùng Lập có 62 hộ dân thì 100% trồng chè với tổng diện tích khoảng 13ha. Bắt đầu từ năm 2005, nhiều hộ dân trong xóm đã đưa các giống chè cành cho năng suất cao về trồng thay thế giống chè trung du như: LDP1, TRI 777, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên… Đến nay, diện tích chè cành cả xóm đã chiếm trên 60% diện tích. Tháng 6/2012, xóm Hùng Lập được Ban Quản lý Dự án QSEAP - Thái Nguyên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Định Hóa chọn là đơn vị tham gia thực hiện mô hình sản xuất chè sạch theo quy trình VietGap.

 

Cùng với 2 xóm liền kề là Nà Họ và Bản Piềng, Hùng Lập tích cực triển khai thực hiện và thành lập Tổ hợp tác sản xuất (THTSX) chè Hùng Thái - Hùng Lập với 19 hộ tham gia (Hùng Lập có 12 hộ). Ông Nguyễn Đức Thọ, Tổ trưởng THTSX chè Hùng Thái - Hùng Lập cho biết: Trong quá trình triển khai mô hình, các hộ tham gia đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình từ trồng, phun thuốc, bón phân tới thu hái. Tổ cũng thành lập Ban quản lý gồm 5 người làm nhiệm vụ ghi chép, lấy mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm chè để kịp thời nhắc nhở, đôn đốc các thành viên khắc phục nếu mắc lỗi sai trong quá trình thực hiện sản xuất chè an toàn. Tổ cũng cử các thành viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về sản xuất chè an toàn do tỉnh, huyện tổ chức. Tháng 12/2012, tức là chỉ sau 6 tháng triển khai, nhờ sự tích cực của các hộ tham gia, sản phẩm chè búp tươi của tổ được các tổ chức, cán bộ chuyên môn về kỹ thuật đánh giá cao về chất lượng. THTSX chè Hùng Thái - Hùng Lập đã được Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học nhiệt đới - T.P Hồ Chí Minh (Bộ Nông nghiệp - PTNT) công nhận là THTSX chè an toàn theo quy trình VietGap với diện tích chè đạt tiêu chuẩn là gần 5ha.

 

 

Việc được công nhận chè đạt yêu cầu an toàn theo quy trình VietGap khiến sản phẩm chè của THTSX được nâng lên rõ rệt. Chị Nguyễn Thị Toán, người dân xóm Hùng Lập chia sẻ: Gia đình tôi có gần 1 sào chè tham gia mô hình sản xuất chè an toàn của THTSX. Hiện tại, sản phẩm chè búp khô của gia đình có giá bán từ 100-150 nghìn đồng/kg, so với giá bán chè hong (chè phơi nắng trước khi được xao, sấy khô) trước đây thì cao gấp 3 lần. Thời gian tới, tôi dự định sẽ chuyển 1 sào chè còn lại của gia đình sang chăm sóc và chế biến theo tiêu chuẩn VietGap.

 

Không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm chè, việc sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGap còn giúp thay đổi rõ rệt nhận thức của người dân trong sản xuất chè. Bà con đã biết chuyển từ bón phân hóa học sang bón phân sinh học, vi sinh cho chè; phun các loại thuốc nằm trong danh mục cho phép nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và chất lượng chè; dọn dẹp nhà xưởng, khu chế biến chè sạch sẽ, vệ sinh…

 

Hiệu quả từ sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGap được khẳng định, bà con Hùng Lập đều có nguyện vọng tham gia THTSX để thực hiện chăm sóc, sản xuất chè an toàn nhằm nâng cao chất lượng chè và thu nhập của gia đình. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình sản xuất chè an toàn ở Hùng Lập nói riêng và các xóm có diện tích chè lớn trong xã Thanh Định nói chung còn nhiều khó khăn. Được biết, khi thực hiện đăng ký tham gia mô hình sản xuất chè an toàn, Hùng Lập có trên 40 hộ tham gia đăng ký. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thì chỉ có 12 hộ đủ điều kiện để được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. Anh Nguyễn Văn Tôn, một trong những hộ không đủ tiêu chuẩn tham gia mô hình chia sẻ: Việc thực hiện các quy trình chăm sóc chè theo đúng quy trình VietGap đối với gia đình tôi không khó. Cái khó khiến gia đình xin rút khỏi danh sách thực hiện mô hình là vì khu nhà xưởng chế biến chè khô của gia đình chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh trong chế biến chè. Muốn khắc phục, gia đình tôi cần có trên dưới 20 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng mới. Với nhà nông thì để có số tiền này là một khó khăn lớn.…

 

Ngoài khó khăn về nguồn vốn đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị, khó khăn lớn nhất của Hùng Lập là đầu ra cho sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Hương, Tổ phó THTSX chè Hùng Thái - Hùng Lập cho biết: Hiện nay, sản phẩm chè khô của bà con chủ yếu được bán tự do ở chợ quê, một số bà con tìm được mối hàng tiêu thụ chè ở Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, Thái Bình… nhưng chủ yếu bán với số lượng nhỏ, lẻ, giá bán cũng không được cao so với các sản phẩm chè “sạch” khác do chè chưa có nhãn mác… nên để nhân rộng mô hình, bà con Hùng Lập vẫn còn e ngại.

 

Cây chè được Hùng Lập xác định là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế, việc áp dụng sản xuất chè theo quy trình VietGap vào địa phương là cần thiết. Thiết nghĩ, để ngày càng có nhiều hộ dân ở Hùng Lập làm chè theo tiêu chuẩn VietGap, nhằm nâng cao thu nhập cho bà con rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc hỗ trợ vay vốn mua thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất; đồng thời, THTSX chè Hùng Thái - Hùng Lập cũng như bà con trồng chè cần chủ động hơn nữa trong việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm chè của địa phương mình.