Góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xóa đói giảm nghèo

07:30, 29/03/2013

Cách đây hơn 10 năm (4/10/2002), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78 về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 131 thành lập Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) nhằm tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại, huy động sức mạnh tổng hợp toàn xã hội, chung sức thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xóa đói giảm nghèo. Cùng với sự thành lập của hệ thống NHCSXH cả nước, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã được thành lập theo Quyết định số 41/QĐ- HĐQT ngày 14/1/2003 của Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH và khai trương đi vào hoạt động từ 17/3/2003.

Khi mới thành lập, điều kiện cơ sở vật chất ban đầu thiếu thốn, phương tiện, địa điểm làm việc còn khó khăn, trụ sở làm việc từ tỉnh đến huyện đều phải thuê, mượn; đội ngũ cán bộ, nhân viên (CB, NV) chỉ có 6 người được chuyển từ Ngân hàng Phục vụ người nghèo sang; nguồn vốn tiếp nhận bàn giao gồm 3 chương trình: cho vay hộ nghèo; cho vay học sinh, sinh viên; cho vay giải quyết việc làm từ 2 ngân hàng và Kho bạc Nhà nước, với số tiền 151 tỷ đồng, trong đó nợ xấu 1 tỷ đồng, chiếm 0,66% tổng dư nợ. Trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn cao. Song, với quyết tâm cao, ngay sau khi được thành lập và đi vào hoạt động, Chi nhánh NHCSXH đã tham mưu cho UBND các cấp thành lập Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, cấp huyện.

 

Trong 10 năm qua, Ban đại diện HĐQT các cấp đã phát huy vai trò tham mưu với UBND cùng cấp trong việc chỉ đạo triển khai các hoạt động, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, đất đai, hỗ trợ kinh phí cho NHCSXH; đồng thời kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách tín dụng trên địa bàn có hiệu quả. NHCSXH luôn chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, trực tiếp triển khai vốn tín dụng  đến người dân kịp thời, đúng đối tượng; chủ động khai thác các nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đến nay, Chi nhánh đã có hệ thống mạng lưới hoạt động với 5 phòng nghiệp vụ tại Hội sở tỉnh; 8 phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện, thành lập 174 điểm giao dịch tại các xã, phường. Tại các điểm giao dịch NHCSXH công khai chính sách tín dụng, danh sách hộ vay…qua đó người dân có thể giám sát được hoạt động của NHCSXH.

 

Từ khi nhận bàn giao với 3 chương trình, đến nay đã triển khai thêm 6 chương trình tín dụng, đưa tổng số lên 9 chương trình tín dụng. Qua 10 năm thực hiện, tổng nguồn vốn tín dụng thực hiện đến ngày 31/12/2012, đạt 1.866 tỷ đồng, tăng 1.688 tỷ đồng so với năm 2003, bình quân mỗi năm tăng 29,35%. Dư nợ 1.864 tỷ đồng, tăng 1.689 tỷ đồng so với năm 2003, bình quân mỗi năm tăng 29,23 %, số hộ còn dư nợ 98.908 hộ, dư nợ bình quân 18,8 triệu đồng/hộ, tăng 16,4 triệu đồng/hộ so với năm 2003; nợ xấu chỉ chiếm 0,12% tổng dư nợ. Để chuyển tải nguồn vốn tín dụng đến đúng đối tượng, Chi nhánh đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) thành lập được 3.241 tổ tiết kiệm và vay vốn. Ngoài hoạt động của thành viên Ban đại diện HĐQT các cấp, cán bộ NHCSXH, còn có sự tham gia tích cực của cán bộ các cấp, các ngành trong việc quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách. Cùng với việc triển khai các hoạt động, NHCSXH thường xuyên nghiên cứu trong công tác cải cách thủ tục hành chính phù hợp với trình độ người nghèo; công tác giải ngân được tổ chức trực tiếp tại các Điểm giao dịch. Do vậy, các chương trình đều phát huy hiệu quả cao về mặt kinh tế, xã hội.

 

Sau 10 năm, chương trình tín dụng đã giúp 341.392 hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn để sản xuất kinh doanh (với doanh số cho vay 3.409 tỷ đồng, doanh số thu nợ 1.696 tỷ đồng), đã có 67.773 hộ thoát nghèo từ vay vốn NHCSXH; 154.281 hộ được cải thiện đời sống và chuyển biến nhận thức làm ăn; xây dựng 13.159 nhà ở cho hộ nghèo (đây là chương trình mà tỉnh Thái Nguyên là một trong số ít tỉnh về trước kế hoạch 2 năm trong cả nước); 38.174 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; tạo việc làm cho 147.867 lao động; 38.363 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập ở các trường chuyên nghiệp; giúp cho 2.940 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn để phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Nguồn vốn chính sách tín dụng không những tạo cơ hội cho hộ nghèo tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo việc làm mới, ngành nghề mới; mà còn tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về phương thức, cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, các chương trình tín dụng của NHCSXH còn tạo điều kiện để tổ chức thực hiện lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội với chương trình tín dụng, chương trình khuyến nông, khuyến nông. Chương trình tín dụng của NHCSXH đã góp phần không nhỏ vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh (đến năm 2010, số hộ nghèo còn 20,57%; đến năm 2012 còn chiếm 14% tổng số hộ toàn tỉnh).  

 

Những năm tiếp theo, NHCSXH tiếp tục bám sát mục tiêu chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; bám sát chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 10% (năm 2015), bình quân mỗi năm giảm nghèo bền vững trên 2%, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới. Từ đó, Ngân hàng xác định một số mục tiêu phấn đấu chủ yếu: dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng từ 10 đến 12%; tỷ lệ nợ xấu dưới 1%; 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận sản phẩm và dịch vụ của Ngân hàng.

 

Để đạt được các mục tiêu trên, Ngân hàng sẽ tiếp tục tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, các tổ chức CT-XH để triển khai chính sách tín dụng đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách nắm bắt và thụ hưởng. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong công tín dụng để huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội giúp hộ nghèo và các hộ đối tượng chính sách. Tăng cường sự phối hợp với các tổ chức CT-XH các cấp nhằm quản lý, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng. Chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng; tăng cường công tác thu hồi nợ để có thêm nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của các đối tượng. Không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngân hàng về chuyên môn nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.