Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quốc lộ 3 mới

08:58, 27/03/2013

Dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên được khởi công từ cuối năm 2009 và ấn định thời gian hoàn thành toàn tuyến vào tháng 6/2013. Với kỳ vọng tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của tỉnh và các tỉnh khu vực phía Bắc, Thái Nguyên đã làm tốt công tác phối hợp với chủ đầu tư và các nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm này Dự án vẫn chậm so với kế hoạch tiến độ.

Kỳ 1: Tiến độ phụ thuộc lớn vào công tác GPMB

 

Cũng như hầu hết các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, một trong những nguyên nhân chính gây chậm tiến độ xây dựng Quốc lộ 3 (QL3) mới là do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Được khởi công từ tháng 12/2009, nhưng đến cuối tháng 12/2010, các địa phương mới bàn giao cho nhà thầu được 43,75km; đến cuối tháng 3/2013, mới bàn giao được gần 59km/61,313km (toàn tuyến).

 

Từ những nguyên nhân chậm bàn giao mặt bằng

 

Dự án QL3 mới được thực hiện bằng các nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng mức đầu tư giai đoạn I (đã điều chỉnh) trên 10.000 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB, tái định cư (TĐC) trên 2.370 tỷ đồng. Tuyến đường đi qua 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Nguyên, có chiều dài toàn tuyến 61,313km; điểm đầu thuộc xã Ninh Hiệp (Hà Nội), giao với QL 1A mới; điểm cuối thuộc địa phận phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) nối với đường tránh T.P Thái Nguyên. Quy mô tuyến đường được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 100km/h, được chia làm 2 đoạn chính: đoạn Ninh Hiệp - Sóc Sơn dài 26,9km, quy mô 4 làn xe, bề mặt đường rộng 21m; đoạn Sóc Sơn - Thái Nguyên dài 34,4km, quy mô 2 làn xe, bề mặt đường rộng 18m.

 

Dự án được chia làm 4 gói thầu chính, do Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông - Vận tải) làm chủ đầu tư, gồm các gói thầu: PK1A, PK1B, PK1C (từ nút giao Ninh Hiệp đến nút giao Sóc Sơn dài 26,9km) và PK2 (từ nút giao Sóc Sơn đến nút giao Tân Lập dài 34,4km). Theo hợp đồng giữa chủ đầu tư và các nhà thầu, các gói thầu PK1A, PK1B và PK1C sẽ hoàn thành vào tháng 8 và 9/2013; gói thầu PK2 hoàn thành tháng 5/2013. Tuy nhiên, do việc bàn giao mặt bằng của các địa phương bị chậm, cùng với những phát sinh kỹ thuật, bổ sung nút giao… nên không đáp ứng tiến độ thực hiện Dự án, ảnh hưởng tới công tác tổ chức thi công của các nhà thầu.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Long, Tổng Giám đốc Ban Quan lý dự án 2: Mặc dù ngày 9/1/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 59/CĐ-TTg yêu cầu UBND T.P Hà Nội, tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong công tác đền bù, GPMB, TĐC của Dự án, hoàn thành bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong tháng 1/2013, nhưng cho đến thời điểm này, tổng mặt bằng các địa phương đã bàn giao và có thể thi công là gần 59/61,313km (đạt trên 96% tổng mặt bằng xây dựng). Đặc biệt, ngoài 2 tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thành bàn giao mặt bằng, đoạn đi qua T.P Hà Nội vẫn còn gần 120 hộ làm vướng trên 1km chưa bàn giao được mặt bằng.

 

Cũng theo ông Long: “Việc chậm bàn giao mặt bằng do nhiều nguyên nhân, trong đó có 4 nguyên nhân chính: Một là do phát sinh một số vấn đề xử lý kỹ thuật và bổ sung, dịch chuyển các nút giao làm mất tính chủ động, kéo dài thời gian GPMB. Hai là do thời gian thực hiện Dự án tương đối dài nên cơ chế, chính sách về hỗ trợ, đền bù GPMB của Nhà nước và các địa phương có những thay đổi, gây khó khăn cho công tác GPMB. Ba là việc xây dựng các khu TĐC chậm được thực hiện, thậm chí được tiến hành sau công tác GPMB đã ảnh hưởng lớn đến Dự án. Cuối cùng là do công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt là sự vào cuộc của một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn thiếu tích cực, cùng với sự nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận dân cư trong vùng Dự án về công tác đền bù, GPMB, TĐC cũng là nguyên nhân quan trọng gây chậm tiến độ bàn giao mặt bằng.

 

Đến điểm sáng trong công tác GPMB của tỉnh

 

Gói thầu PK2, đoạn từ nút giao Sóc Sơn đến nút giao Tân Lập, T.P Thái Nguyên có tổng chiều dài 34,4km, trong đó đoạn đi qua địa phận tỉnh Thái Nguyên dài hơn 29,3km. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong công tác GPMB, TĐC do đoạn đường đi qua địa bàn tỉnh có tới 2.680 hộ dân bị ảnh hưởng, 600 hộ phải di dời đến nơi ở mới, chưa kể việc bổ sung, điều chỉnh 2 nút giao Tân Lập và Yên Bình… Nhưng do làm tốt công tác GPMB nên đến nay, tỉnh ta đã hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng sạch cho các nhà thầu.

 

Theo ông Mạc Văn Nghiệp, Trưởng phòng Điều hành Dự án 5 (PID5, Ban Quản lý dự án 2): Chính nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn nên Thái Nguyên được đánh giá là điểm sáng trong công tác GPMB của Dự án. Có thể khẳng định, tuyến QL3 mới chỉ có thể thông xe đúng hẹn đối với gói thầu PK2, đặc biệt là đoạn qua địa bàn Thái Nguyên (dài 29,3km) là nhờ công tác GPMB được thực hiện rất tốt.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo công tác GPMB tỉnh cho biết: Nhận thức rõ QL3 mới là tuyến đường đặc biệt quan trọng kết nối mạng lưới giao thông khu vực phía Bắc Thủ đô Hà Nội với các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt, tuyến đường có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển kinh tế không chỉ riêng Thái Nguyên mà cho cả các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, nên ngay khi Dự án được khởi công, tỉnh ta đã dành sự tập trung cao nhất cho công tác GPMB phục vụ Dự án. Cụ thể, sau khi Dự án được triển khai, UBND tỉnh đã ban hành hàng loạt văn bản phân công công việc cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo GPMB tỉnh, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB, TĐC phục vụ Dự án, đồng thời giao Sở Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư Tiểu dự án GPMB QL3 mới đoạn đi qua địa bàn tỉnh. Chính nhờ sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ngành, địa phương với chủ đầu tư và các nhà thầu, cùng với việc bám sát cơ sở, kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quá trình thống kê, kiểm đếm và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ Dự án nên công tác bàn giao mặt bằng trên địa bàn tỉnh ta bảo đảm đúng tiến độ kế hoạch.

 

Về vấn đề này, đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên cho biết: Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách và những vướng mắc của nhân dân, nên phần lớn người dân trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng từ Dự án đã hiểu và đồng thuận nhận tiền đền bù, đất TĐC và bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công. Đặc biệt, mặc dù nút giao Tân Lập được bổ sung sau, nhưng đến nay Thành phố đã cơ bản hoàn tất công tác GPMB và bàn giao 100% mặt bằng cho các nhà thầu.

 

Rõ ràng, với việc thực hiện tốt công tác GPMB để bàn giao cho các nhà thầu, tỉnh ta đã góp phần quan trọng và đắc lực để đoạn đường QL3 mới qua địa bàn tỉnh được hoàn thành theo đúng kế hoạch. Từ đây cũng rút ra nhiều bài học kinh nghiệp trong công tác GPMB phục vụ những dự án khác trên địa bàn tỉnh thời gian tới, trong đó vấn đề đáng lưu ý nhất là có sự đồng thuận, ủng hộ cao của nhân dân.

 

Đồng chí Bùi Văn Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phổ Yên: Do vị trí nút giao Yên Bình được di chuyển từ xã Đồng Tiến đến vị trí mới (thuộc 3 xã: Nam Tiến, Tân Hương và Đồng Tiến) và có sự thay đổi về thiết kế nên công tác GPMB chắc chắn sẽ tốn nhiều công sức, ảnh hưởng đến tiến độ thi công…

 


 

 

Ông Chu Văn Thiệu, Giám đốc Ban điều hành gói thầu PK2: Công tác GPMB có những vướng mắc là một trong những nguyên nhân chính gây chậm tiến độ thi công Quốc lộ 3 mới.


Kỳ II: Kế hoạch thông xe cuối năm 2013 có khả thi?