Nỗ lực đưa giá vàng trong nước bám sát giá quốc tế

08:33, 05/03/2013

Liên quan đến vấn đề điều chỉnh thị trường vàng, chiều 4/3, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật để thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ nhằm đưa giá vàng trong nước bám sát theo giá quốc tế.

Theo ông Hưng, với khuôn khổ chính sách pháp luật hiện hành về hoạt động kinh doanh vàng cũng như các công cụ của mình, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn tin tưởng sẽ thực hiện được đúng mục tiêu của mình.

 Thời gian qua, các ngân hàng đã phải thực hiện chủ trương tất toán trạng thái vàng, nên phải mua vàng vào. Đây là một trong những lý do chính làm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế tăng cao. Ngân hàng Nhà nước kiên quyết thực hiện các chính sách cần thiết để yêu cầu ngân hàng thương mại chấm dứt các hoạt động nhiều rủi ro như huy động, cho vay bằng vàng và các hoạt động kinh doanh vàng rủi ro khác. Nhìn kết quả kinh doanh vàng thua lỗ của các ngân hàng thời gian qua thì không thể nói chênh lệch giá hiện nay là có lợi ích nhóm ngân hàng, ông Hưng nhấn mạnh.

 

Cũng theo ông Hưng, thực hiện mục tiêu đưa giá vàng trong nước "sát" giá quốc tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ tính toán và xem xét cụ thể nhưng phụ thuộc vào điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, tromg đó có chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ. Hiện giá vàng trong nước có những chênh lệch tương đối cao so với giá vàng thế giới. Nếu kéo dài tình trạng này thì cũng có thể ảnh hưởng đến sự ổn định vĩ mô chung. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ có những giải pháp cụ thể để đưa giá vàng trong nước bám sát giá vàng quốc tế. Tuy nhiên, vàng không phải mặt hàng thiết yếu, đem lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá và hoạt động của thị trường ngoại hối.

 Đứng ở góc độ doanh nghiệp, thông tin về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) Lê Hùng Dũng cho biết, việc chênh lệch này không mới và đã được đề cập từ rất lâu. Giá trong nước và thế giới còn cách biệt xa là do chưa có sự liên thông giữa hai thị trường. Vấn đề tập trung lớn nhất của Việt Nam là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô.

 Khẳng định không ủng hộ việc chênh lệch giá lớn, nhưng theo ông Dũng là phải đặt vào bối cảnh cụ thể để lựa chọn giải pháp nào có nhiều điểm tích cực nhiều hơn. Mặt khác, dù chênh lệch như vậy nhưng không có giao dịch số lượng lớn. Có chênh lệch lớn là do trước đó nhiều đơn vị đã mua số lượng lớn, nay mua lại nhằm cắt lỗ chứ không thể tạo ra lợi nhuận, nên không thể có lợi nhuận vào túi ai cả mà chỉ là lãi kỹ thuật. Do vậy, thời điểm này mua được lợi nhưng bán thì sẽ chịu lỗ vì trước đó đã mua giá cao.

Cũng theo Phó Thống đốc, hiện theo các quy định hiện hành, chỉ có Ngân hàng Nhà nước nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng cũng như độc quyền sản xuất vàng miếng. Do vậy, khi giá vàng trong nước chênh lệch cao với thế giới có thể gây bất ổn kinh tế vĩ mô nói chung thì việc Ngân hàng Nhà nước tham gia bình ổn thị trường vàng là cần thiết và không gây xáo trộn lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá như trước đây khi các tổ chức phải mua ngoại tệ trên thị trường để nhập khẩu vàng.

Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng này là nhằm mục tiêu kéo giá vàng trong nước bám sát giá vàng quốc tế và phục vụ mục tiêu bình ổn thị trường theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ chứ không phải mục tiêu lợi nhuận. Cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa tiến hành việc nhập khẩu vàng nguyên liệu. Việc thống nhất một thương hiệu vàng miếng quốc gia cũng như độc quyền sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước cũng nhằm mục tiêu này.

 

Trước đây, nhiều lần Ngân hàng Nhà nước có ý kiến về việc lựa chọn SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia. Trước khi Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ để ban hành Nghị định 24, thương hiệu SJC chiếm xấp xỉ 95% thị phần nhưng không có nghĩa là SJC nắm giữ trong tay lượng vàng đó mà lượng này nằm trong tay người mua vàng. Vì vậy, khi Nhà nước tiến hành độc quyền sản xuất vàng miếng thì mới chọn SJC để tránh gây ra những tốn kém không đáng có cho Nhà nước và xã hội.

 

Ông Hưng cũng khẳng định: Các loại vàng miếng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép sản xuất, kinh doanh trước đây, kể cả các loại vàng miếng nhỏ lẻ vẫn được mua bán bình thường. Các tổ chức được cấp phép hiện nay vẫn đang mua bán loại vàng miếng này. Khi Ngân hàng Nhà nước tham gia mua bán thị truờng, là mua bán trực tiếp với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đuợc cấp phép mua bán vàng miếng với khối lượng lớn để bình ổn thị trường vàng. Còn các loại vàng khác vẫn được kinh doanh mua bán bình thường giữa các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng với người dân.

 

Hơn nữa, sau khi Nghị định 24 được ban hành, có hiệu lực, Công ty SJC cũng như các doanh nghiệp đã được cấp phép kinh doanh vàng miếng trước đây phải chấm dứt hoạt động sản xuất. Kể từ ngày Nghị định 24 có hiệu lực thì chỉ có Ngân hàng Nhà nước được sản xuất vàng miếng, gần như thương hiệu vàng miếng SJC là của Nhà nước.

 

Chia sẻ về nội dung này, ông Lê Hùng Dũng khẳng định: SJC hiện trở thành đơn vị kinh doanh bình thường như các đơn vị khác, thậm chí chịu thiệt do Ngân hàng Nhà nước quản lý thị trường vàng theo cách mới. Trước đây, hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng mang lại 80% doanh thu cho SJC. Nhưng, sau khi có Nghị định 24 thì doanh thu, lợi nhuận SJC chỉ còn 20% so với trước. SJC cũng không còn toàn quyền sản xuất, phân phối, quyết định giá mà do Ngân hàng Nhà nước quyết định. Lợi nhuận trong thời điểm này cũng chỉ từ hoạt động kinh doanh bình thường khác, không xuất phát từ lợi ích do thương hiệu SJC mang lại như trước nữa. Hàng hóa không còn thuộc SJC quản lý mà do Ngân hàng Nhà nước ấn định giá bán, giá mua vàng nên SJC không có lợi nhuận lớn. Chính vì vậy, hoạt động kinh doanh lời lỗ của SJC hoàn toàn không có hưởng lợi nhờ chênh lệch giá. Tuy nhiên, vì lợi ích quốc gia, doanh nghiệp cần phải đồng lòng ủng hộ chủ trương này.