Xuất khẩu hàng hóa: Còn thiếu tính ổn định

08:42, 22/03/2013

Những năm qua, mặc dù kim ngạch xuất khẩu trung bình hàng năm của tỉnh đều tăng, nhưng vẫn thiếu tính ổn định. Thực tế cho thấy có những năm kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh tăng tới trên 80%, nhưng ngay năm sau lại giảm tới gần 50%. Điều đáng chú ý là chúng ta chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu hàng hóa xuất khẩu, chưa có chiến lược phát triển mặt hàng xuất khẩu chủ lực và quan trọng hơn là vẫn chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm thô.

Những năm gần đây, theo đánh giá của các ngành chuyên môn thì giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng chưa thật sự cao, với mức tăng trung bình từ 8% đến 16%/năm. Nếu xét về mức độ đạt chỉ tiêu đề ra thì cơ bản chúng ta đã hoàn thành, nhưng bản chất của tăng trưởng bền vững lại không thể đánh giá ở bề ngoài. Thực tế, những năm trước, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng mạnh là có sự tác động từ yếu tố khách quan. Có thời điểm chúng ta cho phép xuất khẩu mặt hàng quặng các loại, nên một số doanh nghiệp trong tỉnh đã ồ ạt xuất thô mặt hàng này để tránh tồn kho kéo dài. Đó là thời điểm 2006, 2008 với bình quân mỗi năm tỉnh ta xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc khoảng 40 nghìn tấn quặng các loại. Nhưng năm 2009, giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh lại sụt giảm một cách đáng lo ngại, đang từ 120,1 triệu USD (năm 2008) xuống còn 65,4 triệu USD. Năm 2012, chúng ta tuy đạt 136,6 triệu USD nhưng cũng chỉ bằng 88,7% kế hoạch năm, thấp hơn khoảng 7 triệu USD so với năm trước và chỉ vượt được trên 16 triệu USD so với thời điểm cách nay 5 năm. Qua đây có thể dễ dàng nhận thấy sự bấp bênh, thất thường của hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh những năm qua.

 

 

Cả tỉnh hiện có trên 50 doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu, trong đó có gần 30 đơn vị tham gia xuất khẩu. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 14 doanh nghiệp chuyên xuất khẩu. Có thể nói, đội ngũ các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu của tỉnh là chưa nhiều và chưa thực sự mạnh. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chủ yếu tập trung vào một vài đơn vị truyền thống như: Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thái Nguyên, Công ty cổ phần Trung Nguyên, Công ty Mani Hà Nội... Trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh thì chỉ riêng Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đã chiếm tới 30%, 40%. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu chưa đa dạng, phong phú; tốc độ phát triển đối tác, bạn hàng còn rất chậm. Thị trường giàu tiềm năng là Hoa Kỳ có thể đáp ứng rất nhiều mặt hàng, nhưng tỉnh ta chỉ khai thác được một mặt hàng duy nhất là dệt may, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt khoảng từ 40 đến 60 triệu USD. Pakistan cũng là thị trường thích hợp với sản phẩm chè của tỉnh ta, nhưng bình quân mỗi năm, các doanh nghiệp Thái Nguyên chỉ có thể xuất sang nước bạn từ 2 đến 3 nghìn tấn chè khô, bằng một phần rất nhỏ so với nhu cầu nhập khẩu chè của họ. Trung Quốc cũng được xem là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Thái Nguyên, nhưng tỉnh ta mới khai thác ở hai mảng hàng hóa chính là chè và quặng thô. Khi Nhà nước hạn chế tối đa việc xuất quặng thô thì kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sang thị trường này đã giảm tới 80 đến 90% so với mấy năm trước. Chúng ta hiện đang khai thác các thị trường Đài Loan đối với giấy đế, đũa tre, dụng cụ cầm tay; Malaysia với thiếc thỏi; Lào, Campuchia với thép cán; Nhật Bản với dụng cụ y tế... nhưng mức độ cũng khá khiêm tốn.

 

Phải nói thêm, các mặt hàng vẫn được xem là chủ lực phục vụ xuất khẩu của tỉnh như may mặc, dụng cụ y tế, dụng cụ cầm tay, chè, thép cán… hiện đạt kim ngạch chưa cao và thiếu tính ổn định. May mặc là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu nhưng cũng ít có sự tăng trưởng mạnh. Dự kiến, quý I năm, nay kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này chỉ tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Đối với sản phẩm chè, kim ngạch xuất khẩu những năm gần đây đều ở mức trung bình thấp vì thực tế chè Thái Nguyên phục vụ thị trường nội địa thuận lợi và hiệu quả hơn so với xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu của chúng ta chủ yếu chỉ chấp nhận chè nguyên liệu giá rẻ, trong khi tỉnh ta lại làm chè đặc sản là chính, nên hiện toàn tỉnh chỉ xuất được khoảng 20 đến 30% tổng sản lượng chè hiện có. Thép cán trước đây cũng được xem là thế mạnh xuất khẩu của tỉnh nhưng nay gần như không đạt giá trị kim ngạch đề ra, thậm chí từ năm 2012 đến thời điểm này, chúng ta không xuất được tấn thép nào. Lý do là bởi thép của chúng ta không thể cạnh tranh được về giá cả với các sản phẩm thép trên thị trường thế giới... Một điều quan trọng nữa là các mặt hàng xuất khẩu của chúng ta chủ yếu được chế biến ở dạng nguyên liệu thô nên giá thành thường thấp, dễ bị ép giá, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Do chưa có chiến lược phát triển các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, việc quan tâm đầu tư cho xuất khẩu và chế biến hàng xuất khẩu ít nên việc chuyển dịch cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu theo hướng tự phát, cảm tính, ít tuân theo quy luật khách quan. Hiện nay, các doanh nghiệp đang dịch chuyển dần từ các sản phẩm công nghiệp khai khoáng sang các sản phẩm cơ khí chế tạo, dụng cụ cầm tay, điện tử và sản phẩm nông nghiệp.

 

Năm 2013 này, theo thống kê chưa đầy đủ thì mặc dù 2 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tăng tới 33,2% so với cùng kỳ năm trước, song cả quý I dự kiến kim ngạch lại có chiều hướng giảm. Trong đó một số mặt hàng chủ lực như chè, thiếc, dụng cụ y tế, dụng cụ cầm tay cũng giảm so với cùng kỳ. Điều đó liệu có tác động xấu đến mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 158 triệu USD của tỉnh năm 2013?. Trao đổi với chúng tôi, ông La Hồng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết: Tháng 1 và tháng 2 chúng ta chịu dư âm của Tết Nguyên đán nhiều, từ tháng 3 trở đi mới là tháng tập trung sản xuất, tiêu thụ lớn. Bởi thế, 1-2 tháng đầu năm chưa thể nhìn nhận, đánh giá hết được tình hình. Năm nay, ngoài một số sản phẩm chiếm ưu thế với giá trị xuất khẩu ổn định như may mặc, dụng cụ y tế…, chúng ta còn kỳ vọng vào sự đóng góp từ các sản phẩm xuất khẩu của Dự án khai thác mỏ đa kim Núi Pháo (dự kiến quý II sẽ cho ra sản phẩm), từ việc Chính phủ cho phép xuất khẩu khoáng sản để giải quyết hàng tồn kho. Nếu các mặt hàng này có kim ngạch thì việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của tỉnh năm 2013 là rất khả thi.

 

Tuy nhiên, dù có lạc quan thì về lâu dài chúng ta cũng nhận thấy tính ổn định trong chiến lược xuất khẩu của tỉnh vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Theo đề xuất của các chuyên gia thì cần có những giải pháp riêng đối với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Về mặt hàng chè, cần quy hoạch vùng chè xuất khẩu riêng, đồng thời đầu tư công nghệ mới, đảm bảo chế biến công nghiệp đạt trên 70% sản lượng cả tỉnh; mở rộng thị trường, sử dụng hiệu quả thương hiệu chè Thái Nguyên. Với hàng dệt may, ngoài tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ còn cần khai thác tốt thị trường Hoa Kỳ và mở rộng sang thị trường các nước Châu Âu. Các sản phẩm cơ khí, máy móc thiết bị, dụng cụ cầm tay cũng như các nhóm hàng khoáng sản kim loại cần tập trung khuyến khích đầu tư chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm tinh, chất lượng để xuất khẩu. Theo dự tính, trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, chúng ta có khả năng xuất khẩu từ 30 đến 40 nghìn tấn sản phẩm đã tinh chế từ quặng. Cùng với đó, cần chú trọng việc xuất khẩu tại chỗ thông qua các hoạt động lữ hành, mua sắm của khách du lịch quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài…