Dự án xây dựng Nhà máy May TNG Đại Từ được Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG khởi công xây dựng vào những tháng cuối năm 2013, dự kiến đi vào sản xuất trong tháng 5-2014. Hiện nay, Công ty đang tuyển trên 1.000 lao động địa phương vào làm việc tại Nhà máy. Đây là cơ hội việc làm cho nhiều lao động nông thôn ở Đại Từ.
Nhà máy May TNG Đại Từ được xây dựng tại khu vực xóm Thắng Lợi và xóm Đồng Mạc thuộc xã Tiên Hội với tổng diện tích khoảng 3 ha. Tổng mức đầu tư của Dự án là 108 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: một nhà xưởng may khung thép, mái lợp tôn có diện tích gần 7.000 m2 với 16 máy chuyền dệt kim, nhà điều hành, nhà làm việc cho chuyên gia nước ngoài và các công trình phụ trợ như: nhà ăn ca cho công nhân, nhà để xe, nhà ở tập thể cho công nhân và các công trình phụ trợ khác kèm theo. Dự kiến công suất của Nhà máy là 1 triệu sản phẩm/năm, kim ngạch xuất khẩu 12 triệu USD/năm, doanh thu tiêu thụ 250 tỷ đồng/năm, thu hút và tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động.
Ngay sau khi Dự án được chấp thuận địa điểm, huyện Đại Từ và xã Tiên Hội đã triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đồng chí Tô Viết Sơn, Chủ tịch UBND xã Tiên Hội cho biết: Đây là khu vực cánh đồng cao, không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên sau khi tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, chỉ trong vòng hơn 1 tháng (từ tháng 10 đến giữa tháng 11-2013), 60 hộ dân có đất bị ảnh hưởng đã đồng ý nhận đền bù, bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư. N/hờ vậy, cuối tháng 11-2013, Dự án đã tiến hành san lấp mặt bằng, khởi công xây dựng Nhà máy.
Song song với việc xây dựng, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đã tiến hành tuyển dụng và bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cho Nhà máy May TNG. Hơn 1.000 lao động đang được tuyển dụng trên địa bàn huyện, trong đó ưu tiên, tuyển dụng đối với 2 đối tượng là con em của các hộ gia đình trong vùng Dự án Nhà máy may TNG Đại Từ và Dự án Núi Pháo. Chị Phạm Thị Vân, sinh năm 1988, ở Phố Điệp, xã Tiên Hội cho biết: Tôi vừa nộp đơn xin vào làm việc tại Nhà máy May Đại Từ vì qua tìm hiểu những chính sách đãi ngộ của TNG với người lao động, tôi thấy phù hợp với bản thân mình. Ngoài những chính sách được hưởng đầy đủ theo quy định của Nhà nước, tôi còn thấy những điểm ưu việt về chế độ tiền thưởng, cơ hội thăng tiến, phúc lợi cá nhân…
Không chỉ có kế hoạch tuyển dụng và đào tạo nghề cho lao động, Lãnh đạo Công ty TNG còn thực hiện chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho những lao động đã biết nghề may, có nguyện vọng làm việc tại Nhà máy. Đó là trong thời gian chờ Nhà máy được xây dựng, Công ty tổ chức xe ca đưa đón người lao động đi làm hàng ngày tại Nhà máy may TNG Việt Thái cho khoảng từ 250 - 300 lao động. Hiện nay, đã có khoảng 60 người đăng ký, địa điểm đón hàng ngày tại UBND xã Tiên Hội, thời gian khởi hành lúc 6 giờ 30 phút và về đến nơi lúc 18 giờ 30 phút. Chị Trần Thị Hòa, sinh năm 1993, trú tại xóm Đại Quyết, xã Tiên Hội là một trong những lao động đã may mắn được tuyển dụng và đang được Công ty đưa đi đào tạo cho biết: Chính sách ưu đãi đặc biệt này sẽ vừa giúp người lao động không vất vả đi lại hàng ngày, vẫn đảm bảo thu nhập và thời gian làm việc ổn định.
Nói về lợi ích của Nhà máy khi đi vào hoạt động, đồng chí Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Dự án sẽ góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương thông qua việc tạo ra thu nhập ổn định cho hàng nghìn người lao động với mức thu nhập trên 3,5 triệu đồng/tháng. Không những vậy, Nhà máy còn đóng góp tăng chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng năm của huyện thêm khoảng 10 triệu USD, tăng giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm của huyện thêm 250 tỷ đồng, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh và huyện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Được biết, Dự án Nhà máy may TNG Đại Từ là Nhà máy thứ 4 của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG. Hiện nay TNG đã có 2 nhà máy ở T.P Thái Nguyên, có tổ hợp nhà máy may và phụ trợ ở thị xã Sông Công, có tổ hợp nhà máy may ở huyện Phú Bình. Từ sau khi cổ phần hóa năm 2003 đến nay, TNG đã có những bước phát triển đột phá, từ chỗ là 1 doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa, tiền vốn chỉ có 10 tỷ đồng với 1.000 lao động, đến nay TNG đã sở hữu khối tài sản khổng lồ lên đến trên 1.000 tỷ đồng, số lao động hiện đang có mặt làm việc trên 8.000 người; được xếp hạng trong “TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam” và thuộc “TOP 10 doanh nghiệp dệt may lớn nhất cả nước”; là doanh nghiệp dẫn đầu trong tỉnh về kim ngạch xuất khẩu với khoảng 70 triệu đô la Mỹ mỗi năm.