Những khó khăn, trắc trở trong hoạt động sản xuất thép xây dựng trên địa bàn tỉnh mấy năm gần đây là không thể phủ nhận. Thực tế cho thấy, sản xuất thép ở tỉnh ta khác nhiều so với các địa phương khác bởi chủ yếu luyện thép từ nguồn quặng sắt sẵn có. Các nhà chuyên môn cho rằng, ngành thép của tỉnh đã và đang phát triển theo hướng phù hợp.
Giai đoạn khó khăn
Bức tranh chung của ngành thép cả nước thời gian qua là tương đối ảm đạm. Những tác động xấu từ thị trường bất động sản đóng băng, nhu cầu xây dựng giảm sút do Chính phủ hạn chế đầu tư công, tình hình kinh tế khủng hoảng, các sản phẩm thép giá rẻ từ nước ngoài tràn vào ồ ạt... đã kéo hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng nói chung, trong đó có thép xây dựng thụt giảm ghê gớm. Lượng thép tồn kho trong cả nước thời điểm này lên tới cả trăm nghìn tấn các loại. Theo Hiệp hội thép Việt Nam thì năm nay, tăng trưởng ngành thép chỉ đạt từ 3% đến 5%.
Đối với tỉnh ta, hoạt động sản xuất, kinh doanh thép cũng không nằm ngoài những khó khăn chung đó. Báo cáo mới nhất của Sở Công Thương cho thấy, lượng thép tồn kho trên địa bàn tỉnh hiện đang ở con số 47 nghìn tấn, tăng tới 23% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cơ bản các doanh nghiệp trong ngành vẫn đứng vững được trên thị trường. Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong tổng số cả trăm doanh nghiệp giải thể hoặc hoạt động cầm chừng 8 tháng qua thì gần như không có doanh nghiệp nào của ngành thép. Mặc dù vậy, cũng có thời điểm một số đơn vị sản xuất thép phải tạm dừng sản xuất từ 15 đến 30 ngày vì chưa tiêu thụ hết hàng. Khi được hỏi, hầu hết các đơn vị sản xuất, kinh doanh thép đều cho rằng, mức độ khó khăn là rất lớn nhưng chưa đủ mạnh để khiến các doanh nghiệp nao núng.
Kỳ vọng Dự án giai đoạn 2 của Gang thép
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có một số đơn vị tham gia vào quá trình sản xuất thép phục vụ xây dựng. Ngoài chủ đạo là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, các đơn vị sản xuất khác hoặc là có công suất không lớn hoặc là công suất lớn nhưng chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. Nhà máy cán thép Thái Trung, công suất 500 nghìn tấn/năm hiện phải tạm dừng sản xuất vì hàng hóa làm ra chưa thể vào được thị trường. Công ty liên doanh thép Việt - Sing (Natsteelvina) công suất 200 nghìn tấn/năm nhưng hiện sản xuất cũng không đạt được đủ công suất thiết kế. Một số nhà máy sản xuất gang luyện thép, nhà máy cán thép quy mô nhỏ khác cũng đang hoạt động ở mức vừa phải.
Theo đánh giá của Ngành Công Thương, chúng ta có lợi thế về nguồn nguyên liệu sản xuất thép, nhưng đổi lại công nghệ chế biến của hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh còn khá lạc hậu, đã xuống cấp dẫn đến việc chi phí đầu vào cao, lợi nhuận thấp, khó khăn trong cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại khác. Bởi vậy, khi Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên được phê duyệt với tổng mức đầu tư lên tới 3.843 tỷ đồng, hệ thống các dây chuyền sản xuất khép kín, công nghệ hiện đại, tiên tiến, đã khiến dư luận hết sức quan tâm. Không chỉ nhà quản lý mà ngay cả các nhà sản xuất, các đối tác và người tiêu dùng đều kỳ vọng vào dự án này. Tuy nhiên, sau 7 năm tiến hành khởi công, đến nay dự án trên vẫn chưa được hoàn thiện, nhiều hạng mục bị đình trệ, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của Công ty. Gần đây, điều đáng mừng là Dự án này được khởi động mạnh mẽ trở lại với việc Chính phủ chỉ đạo cấp vốn 1.000 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ Sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp. Khi Dự án tầm cỡ này hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ giúp cho ngành thép của tỉnh vững mạnh hơn, góp phần cùng cả nước điều tiết và bình ổn thị trường thép.
Hướng phát triển phù hợp
Con số thống kê cho thấy, sản lượng thép xây dựng hiện tại của tỉnh theo công suất thiết kế đang ở mức trên 1 triệu tấn/năm. Các đơn vị cán thép gồm: Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty liên doanh Thép Việt - Sing, Công ty CP Cán thép Thái Trung, Công ty CP cán thép Thái Nguyên, Nhà máy Thép Trường Sơn... Ngoài các cơ sở cán thép, trên địa bàn tỉnh còn có các đơn vị sản xuất gang luyện thép, phôi thép.
Theo quy hoạch của tỉnh thì ngoài Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, giai đoạn này chúng ta đầu tư từ 5 đến 7 cơ sở chế biến sâu, loại lò cao có dung tích từ 22 đến 75m3. Và thực tế chúng ta đã cấp phép đầu tư cho 7 đơn vị với 8 cơ sở chế biến sâu với tổng công suất (cả gang và hợp kim sắt) là 275 nghìn tấn/năm. Trong đó, Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên luyện gang lò cao công suất thiết kế 120 nghìn tấn/năm; Công ty CP Gang Hoa Trung, luyện gang công suất 25 nghìn tấn/năm; Công ty CP Kim khí Gia Sàng luyện gang công suất 25 nghìn tấn/năm; Doanh nghiệp tư nhân Anh Thắng luyện gang tại hai nhà máy với tổng công suất 65 nghìn tấn/năm; Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi thu hồi gang từ lò hồ quang công suất 20 nghìn tấn/năm; HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công luyện Feromangan và Silicomangan công suất 30 nghìn tấn/năm; Công ty TNHH Đúc Vạn Thông công suất 45 nghìn tấn hợp kim sắt và 5 nghìn tấn gang/năm.
Xét về cân đối cung, cầu thì việc quy hoạch trên là hoàn toàn hợp lý bởi hiện nay, ngành sản xuất thép của chúng ta vẫn phải chủ yếu nhập phôi từ nước ngoài, trong khi nguồn nguyên liệu từ quặng sắt tại địa phương lại khá dồi dào. Như vậy, so với tổng thể quy hoạch phát triển ngành thép cả nước, việc ra đời các dự án luyện thép của tỉnh hiện nay là phù hợp. Về lâu dài, cần thiết phải ưu tiên phát triển những dự án luyện thép quy mô, hạn chế những dự án nhỏ lẻ, manh mún.