Trước đây, bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh được thiết lập bằng công nghệ truyền thống, tức là ở hệ tọa độ HN - 72, nên còn nhiều bất cập và khó khăn trong quá trình quản lý. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay, tỉnh ta đã tập trung triển khai hệ thống bản đồ địa chính theo dạng số hóa, hệ tọa độ VN - 2000, quản lý chủ yếu trên máy móc, thiết bị điện tử, góp phần giúp ngành Tài nguyên và Môi trường quản lý đất đai chính xác hơn.
Lùi lại thời gian những năm 80 của thế kỷ trước, cùng với cả nước, công tác đo đạc lập bản đồ địa chính chưa được tỉnh chú trọng. Kể cả thời gian sau đó chúng ta cũng vẫn chỉ thực hiện đo vẽ bản đồ giải thửa đối với các xã thuộc vùng trung du theo Chỉ thị số 299 của Thủ tướng Chính phủ (thường được gọi tắt là bản đồ 299), còn các xã miền núi thì hầu như chưa được đo đạc. Trong giai đoạn từ năm 1986 đến 2000, hệ thống bản đồ địa chính chính quy của tỉnh đã được thiết lập nhưng cũng chỉ bằng công nghệ truyền thống với các tỷ lệ từ 1:500 đến 1:10.000. Theo đánh giá của Sở Tài Nguyên và Môi trường thì do trình độ công nghệ đo đạc chưa phát triển nên giai đoạn này chất lượng bản đồ còn hạn chế, độ chính xác chưa cao. Từ đó dẫn tới việc lập hồ sơ địa chính còn nhiều hạn chế.
Ví dụ: Muốn tách một thửa đất phải qua các khâu từ phô tô Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trình cán bộ xã xác nhận, chuyển lên huyện để cán bộ xuống đo thực địa cho đến hoàn chỉnh hồ sơ, trình cấp huyện ra quyết định cấp Giấy chứng nhận, rồi mới chuyển cho nhân dân. Việc làm cơ học này mất rất nhiều thời gian cũng như chi phí không cần thiết. Điều đáng nói là, những trường hợp đó đều phải đo, vẽ, điền thêm số thửa mới tách vào bản đồ địa chính (bằng giấy) khiến vừa thời gian mà lại thiếu chính xác. Bởi vậy, gần như bản đồ địa chính bằng giấy nào ở cơ sở cũng nhàu nát, chằng chịt và rất khó xem.
Từ năm 2000 đến nay, phương pháp thiết lập bản đồ, hồ sơ địa chính đã được thay đổi căn bản với công nghệ hiện đại và tiện ích hơn rất nhiều. Hiện tại, toàn tỉnh đã đo vẽ bản đồ địa chính khép kín diện tích tự nhiên được gần 170/180 xã, phường, thị trấn. Hiện có 6 xã đang trong quá trình đo đạc lập bản đồ địa chính, chỉ còn một số xã chưa lập được bản đồ vì mới hoàn thành phần đo diện tích đất lâm nghiệp và đất đồi núi chưa sử dụng. Tính tổng diện tích đã đo vẽ bản đồ địa chính toàn tỉnh hiện đạt trên 319.500ha, chiếm trên 90% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Các địa phương đã được đo đạc thiết lập bản đồ hiện đều đang quản lý, lưu trữ theo cả dạng giấy, dạng số, dạng sổ mục kê và các tài liệu kỹ thuật khác theo quy định.
Chúng tôi xin lấy Định Hóa, một huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh và từng được xem là địa phương khá phức tạp trong công tác quản lý đất đai làm ví dụ. Huyện này có thời điểm còn bị coi là buông lỏng quản lý đất đai, nhất là đối với cấp xã, dẫn đến tình trạng các trường hợp vi phạm Luật Đất đai, tranh chấp, khiếu kiện về đất đai tăng mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay huyện đã và đang áp dụng khá hiệu quả việc đo vẽ, cập nhật bản đồ địa chính, hồ sơ đất đai trên hệ thống điện tử. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện thì tất cả các hệ thống quản lý từ xã đến huyện và đến tỉnh đều được nối mạng nội bộ. Bất kể sự biến động nào về đất đai ở bất kỳ địa bàn nào trong huyện đều được công khai, minh bạch trên mạng. Cán bộ quản lý ở tỉnh, huyện có thể cập nhật thông tin và biết rất rõ những biến động về đất đai của từng hộ gia đình, từng xóm, xã nhờ hiện đại hóa bản đồ địa chính. Tất cả việc đo vẽ bản đồ đều được thực hiện bằng máy và thao tác trên máy tính. Việc tách thửa đất nào đó sẽ ngay lập tức được cập nhật và các nhà quản lý từ tỉnh đến huyện, xã đều biết. Điều đó giúp cho việc kiểm tra, giám sát dễ dàng hơn, đồng thời hạn chế tối đa việc cấp dưới báo cáo sai lệch nội dung, sự việc với cấp trên.
Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho hay, hiện tại các thủ tục, hồ sơ cấp đất không còn thuộc thẩm quyền của cán bộ địa chính xã như trước đây nữa mà đã được giao về cho cán bộ cấp huyện thực thi. Qua đó góp phần giảm thiểu sự rườm rà, phức tạp, phiền nhiễu cho người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai. Các trường hợp cấp sai, cấp chồng lấn số thửa đất cho nhân dân như từng xảy ra trước đây sẽ không tồn tại. Tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo về đất đai cũng bị hạn chế tối đa.
Nói đến hiện đại hóa bản đồ địa chính không thể không nói tới các đơn vị trực tiếp thiết lập bản đồ trên địa bàn bởi bản đồ có chất lượng hay không phụ thuộc phần nhiều vào nhà sản xuất. Toàn tỉnh hiện có 25 đơn vị được cấp phép và đang thực hiện đo đạc bản đồ, trong đó có 14 đơn vị thuộc tỉnh quản lý. Trong quá trình hiện đại hóa bản đồ địa chính của tỉnh, một số đơn vị đo đạc có uy tín đã tham gia rất tích cực với công nghệ hiện đại nhất.
Theo ông Đoàn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thì sau khi được cấp phép các đơn vị trên đều triển khai việc đo đạc bản đồ đúng quy định và đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Cùng với đo đạc thành lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, trích đo bản đồ địa chính để phục vụ thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư, phục vụ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các đơn vị trên còn tiến hành đo vẽ bản đồ địa hình, khảo sát đo đạc phục vụ thiết kế, thi công công trình, biên tập thành lập các loại bản đồ chuyên đề...
Có thể nói, ngoài giúp quản lý tốt trong lĩnh vực đất đai, việc hiện đại hóa bản đồ địa chính cũng như hồ sơ đất đai còn là cơ sở để người dân tiếp cận thông tin đất đai, quy trình làm việc của cơ quan Nhà nước, từ đó thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm, tránh tiêu cực trong quản lý đất đai tại các địa phương trong tỉnh.