Chè Thái Nguyên được tiêu thụ cả trên thị trường trong và ngoài nước, song thị trường nội địa chiếm tới 70-80% với sản phẩm là chè xanh và chè xanh đặc sản; chỉ có khoảng 20-30% sản lượng chè chế biến được xuất khẩu (sản lượng chè búp tươi của toàn tỉnh hiện đạt 192.951 tấn/năm).
Điều này cho thấy tình hình tiêu thụ chè của tỉnh trong những năm gần đây có nhiều thuận lợi hơn do được quảng bá rộng rãi sau 2 lần tỉnh tổ chức Festival Trà, thêm vào đó, sản phẩm cũng đa dạng về mẫu mã, thương hiệu.
Thị trường trong nước đang là thế mạnh của chè Thái Nguyên. Hiện trên khắp 63 tỉnh thành trong cả nước đều có sản phẩm chè Thái, được bán với nhiều hình thức: cửa hàng, đại lý, chợ, hệ thống siêu thị… với nhiều hình thức quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chào hàng khác nhau. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp và hợp tác xã, hộ gia đình đều có mạng lưới tiêu thụ chè trên khắp cả nước.
Anh Nguyễn Thanh Dương, ở xóm Soi Vàng, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên), chủ cơ sở chế biến chè An Dương cho biết: gia đình tôi có 2ha chè, chủ yếu là chè trung du trong đó có 0,5ha chè giống LDP1. Ngoài 1,5 tấn chè tự sản xuất, chúng tôi còn bao tiêu sản phẩm cho 10 hộ dân trong xóm. Để có sản phẩm chè chất lượng, trong vòng hai năm trở lại đây, cơ sở đã đầu tư mua sắm thiết bị công nghệ của Đài Loan như máy đóng gói hút chân không (85 triệu đồng), hệ thống máy sấy ủ hương chè Nhài (85 triệu đồng), máy sao chè bằng ga trị giá 135 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, cơ sở xuất bán khoảng 40 tấn ra thị trường T.P Hà Nội và các tỉnh: Điện Biên, Nghệ An, Hải Phòng, Hưng Yên…, tổng thu nhập từ chè đạt khoảng 600 triệu đồng.
Chị Nguyệt - chủ Đại lý chè Thuần Nguyệt đã có thâm niên bán sản phẩm chè ở chợ Thái (T.P Thái Nguyên) đã 30 năm và chủ yếu bán chè Tân Cương và Trại Cài. Chị bán chè cho khách hàng khắp các tỉnh, thành trong cả nước qua đường bưu điện như: Hải Dương Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa; gửi cả cho Chi cục Thuế Kiên Giang, Công an tỉnh Bình Phước, nhiều người ở T.P Hồ Chí Minh cũng gọi điện nhờ gửi hàng vào. Còn Hợp tác xã (HTX) Chè Tân Hương cũng đã có tới 11 đại lý chính thức phân phối sản phẩm chè trong nước trong đó 6 đại lý ở miền Bắc và 5 đại lý ở miền Trung.
Sản phẩm chè Thái Nguyên tiêu thụ trên thị trường ngày càng có uy tín về chất lượng và đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Nhiều doanh nghiệp đã nghiên cứu, sáng tạo để sản xuất ra nhiều loại sản phẩm chè chất lượng cao đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Các sản phẩm nỗi tiếng như: Ngân long trà, Phúc lộc trà, Tri âm trà, Queenly trà của Công ty Hoàng Bình; Trà ATK của Công ty Xuất nhập khẩu Thái Nguyên; chè Nhật của Công ty CP chè Sông Cầu; Phúc tâm trà, Bạch trà, chè xanh UTZ của HTX Chè Tân Hương; Thanh Hải trà của HTX Chè La Bằng… Nhìn chung, giá chè Thái Nguyên tiêu thụ trong nước luôn cao hơn các vùng chè khác, trung bình từ 150.000-300.000 đồng kg chè búp khô tùy theo thời vụ và vùng sản xuất. Một số vùng chè đặc sản như: Tân Cương, Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên); La Bằng (Đại Từ); Trại Cài (Minh Lập, Đồng Hỷ); Tức Tranh (Phú Lương)… đã sản xuất một số sản phẩm chè cao cấp mang lại giá trị cao với mức giá từ 1 triệu đến 4 triệu đồng/kg…
Mặc dù chè Thái Nguyên đã có uy tín trên thị trường trong nước song khó khăn và thách thức hiện nay là: Diện tích chè phân bổ trên toàn tỉnh với trên 60 nghìn hộ trồng và chế biến nên chất lượng chưa đồng đều. chủ yếu là người trồng chè vẫn tự chế biến và tiêu thụ. Số doanh nghiệp có liên kết với người trồng chè chưa nhiều; số HTX sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè có hiệu quả chưa cao. Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè của tỉnh chưa có vùng nguyên liệu riêng nên luôn bị động trong sản xuất và quản lý chất lượng. Việc quản lý chất lượng chè chưa thực sự đồng bộ, chưa chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ nên mặc dù chất lượng sản phẩm chè tốt nhưng chưa thực sự bền vững; chưa có chiến lược phát triển thị trường và thiết lập được các kênh phân phối ổn định. Thương hiệu chè Thái Nguyên đã có nhưng chưa được đầu tư phát triển đầy đủ để tương xứng với tiềm năng vốn có.
Theo bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè Thái Nguyên: Để sản phẩm chè thực sự đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước, ngoài việc nâng cao nhận thức của người sản xuất chè theo tiêu chuẩn an toàn, ngành chuyên môn cần có biện pháp quản lý chặt chẽ từ khâu quy hoạch vùng sản xuất, khâu sản xuất, cung ứng vật tư nông nghiệp đến khâu canh tác, thu hái, bảo quản, chế biến bảo đảm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobanlGAP, UTZ. Không nên duy trì hình thức hộ nông dân tự sản xuất, chế biến tiêu thụ mà cần có sự liên kết.
Sự liên kết ấy có thể giữa các hộ với nhau tạo thành nhóm, câu lạc bộ, tổ hợp tác để cùng sản xuất và chế biến nhằm bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng và tạo sản lượng lớn gắn với nhu cầu của thị trường, hoặc các hộ liên kết với doanh nghiệp thông qua các tổ, nhóm, HTX cung cấp nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ.