Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản

16:20, 03/05/2015

Thái Nguyên là tỉnh có nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đá vôi, cát sỏi, đất sét, đá cát kết…) phong phú và có trữ lượng lớn, cần được tiếp tục thăm dò, xác định trữ lượng và hoạch định kế hoạch khai thác, sử dụng một cách hợp lý.

Tuy nhiên, tỉnh ta vẫn chưa có quy hoạch về thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường theo quy định.

 

Các loại khoáng sản làm VLXD thông thường phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh, tập trung nhiều ở các địa phương như: Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa (đá vôi xây dựng, đất sét, đá cát kết); khu vực có sông Cầu, sông Công và các dòng suối lớn chảy qua (cát, sỏi). Đó là nguồn tài nguyên quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể là lĩnh vực sản xuất VLXD và xây dựng của tỉnh. Đến thời điểm này, tỉnh đã cấp phép khai thác 77 mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường với tổng diện tích trên 1.250ha, trữ lượng được phép khai thác là 131,6 triệu m3. Trong đó, riêng đá vôi xây dựng có 44 mỏ được cấp phép với tổng công suất khai thác gần 4 triệu m3/năm, trữ lượng đã khai thác đạt trên 7,4 triệu m3; 16 mỏ cát, sỏi đã được cấp phép với tổng diện tích 560ha, trữ lượng được phép khai thác là trên 10,3 triệu m3, trữ lượng đã khai thác là 175 nghìn m3… Tuy vậy, sản lượng khai thác, sản xuất VLXD thông thường của tỉnh vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng trên địa bàn khi một số dự án xây dựng lớn vẫn phải sử dụng VLXD từ nơi khác. Tiềm năng và nhu cầu rất lớn đang đặt ngành sản xuất VLXD thông thường của tỉnh trước cơ hội phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

 

Từ trước đến nay, vì tỉnh chưa có quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường nên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đều phải tự xác định vị trí có khoáng sản (chủ yếu thông qua các tài liệu địa chất) sau đó đề xuất với cơ quan chức năng đưa vào danh mục quy hoạch và làm các thủ tục xin cấp phép khai thác. Theo ông Nông Văn Hợp, Trưởng Phòng Vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng) thì đó chỉ là giải pháp mang tính tình thế để các cấp, ngành vận dụng làm cơ sở thực hiện chức năng quản lý Nhà nước. Ngoài ra, với phương án này thì việc điều chỉnh, bổ sung danh mục mỏ vào quy hoạch phát triển VLXD phải được thực hiện thường xuyên, khiến cơ quan quản lý về quy hoạch bị động, trong khi nhà đầu tư cũng gặp không ít  khó khăn, vướng mắc.

 

Bên cạnh đó, việc nhà đầu tư tự xác định vị trí có tài nguyên khoáng sản rồi xin cấp phép khai thác cũng tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ các quy hoạch liên quan, hoặc có thể xâm hại đến các khu vực đúng ra phải cấm hoặc tạm cấm khai thác khoáng sản (như vùng di tích, đê điều, đất quốc phòng…); tiềm ẩn thất thoát tài nguyên khoáng sản do không đánh giá đúng trữ lượng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và cuộc sống của người dân khu vực khai thác… Thực trạng đó đặt ra tính cấp thiết cho việc phải xây dựng quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh.

 

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở Xây dựng đã chủ trì xây dựng hoàn thiện Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, dự kiến trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua trong kỳ họp sắp tới. Mục đích của Quy hoạch là tạo cơ sở pháp lý cho các ngành chức năng cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản, nhằm sử dụng hiệu quả, đúng mục đích và phát triển bền vững ngành VLXD; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này; đánh giá hiện trạng nguồn tài nguyên khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh; xác định nhu cầu trữ lượng cũng như danh mục, tiến độ thăm dò, khai thác trong từng giai đoạn. Ngoài ra, Quy hoạch còn đề ra một nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy ngành Sản xuất VLXD thông thường phát triển nhanh và bền vững. Cũng theo ông Nông Văn Hợp thì Quy hoạch đã cụ thể hóa được các quy định hiện hành của Nhà nước về hoạt động thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản; khoanh định rõ diện tích thăm dò, trữ lượng, công suất khai thác của từng mỏ khoáng sản.

 

Với góc nhìn của một nhà đầu tư, ông Trần Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Đại Hữu và Dầu Khí (đơn vị đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát, sỏi trên diện tích 17,3ha tại khu vực bến Chuông, xã Trung Thành, huyện Phổ Yên), cho biết: Bản quy hoạch này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp như chúng tôi trong quá trình xin cấp phép khai thác, vì không phải mất thời gian tự xác định khu vực có tài nguyên rồi làm thủ tục đề xuất đưa vào quy hoạch, cấp phép. Khi có nhu cầu mở rộng khai thác, chúng tôi chỉ việc “soi” vào Quy hoạch, đăng ký với cơ quan chức năng và làm thủ tục xin cấp phép. Ngoài ra, khi có Quy hoạch thì doanh nghiệp sẽ cảm thấy yên tâm hơn trong quá trình đầu tư khai thác…

 

Có thể nói với tiềm năng, nhu cầu rất lớn và thực trạng khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh hiện nay thì việc xây dựng bản Quy hoạch này là rất cần thiết và mang tính cấp thiết. Đó sẽ là căn cứ quan trọng để điều chỉnh toàn bộ hoạt động thăm dò, khai thác và sử dụng loại khoáng sản này một cách hiệu quả, phục vụ đắc lực cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.